Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Ngày 28/12, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia xây dựng nông thôn mới của MTTQ Việt Nam”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh văn phòng điều phối Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì Hội nghị.
Trong năm 2017, kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước có những kết quả tích cực, hướng đến sự phát triển bền vững. Tính đến cuối tháng 11/2017, cả nước có 2.884 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Với cấp huyện, đến hết ngày 15/12/2017, cả nước có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với cuối năm 2016.
Thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động, kết quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương từng bước đi vào thực chất, đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong đời sống nhân dân.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Người dân tích cực tham gia
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại địa phương, bà Nguyễn Mai Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Từ một tỉnh nghèo, xuất phát điểm thấp tỉnh Hà Tĩnh đã vươn lên trở thành một điểm nhấn nổi bật trông xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả này là do tỉnh đã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó ưu tiên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
“Năm 2017, là một năm đầy khó khăn của tỉnh Hà Tĩnh nhưng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lại đạt cao nhất từ trước tới nay. Chưa bao giờ tỉnh Hà Tĩnh lại thu hút sự tham gia của người dân quyết liệt như ngày hôm nay. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 122 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 55% số xã trong toàn tỉnh, không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí”, bà Thủy khẳng định.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch MTTQ xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, để có kết quả như ngày hôm nay, xã Vạn Phúc đã tổ chức nhiều hội nghị đóng góp ý kiến của người dân về đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Qua rà soát, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm, toàn xã có 94,5% người dân đã hài lòng về quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ có sự đồng thuận cao trong nhân dân, năm 2015, xã Vạn Phúc đã vinh dự đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra.
Bà Đoàn Thị Nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong năm 2017, toàn tỉnh đã có 7 xã tổ chức lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới. Việc làm này được Mặt trận thực hiện tới từng hộ gia đình, theo từng tiêu chí rồi từ đó nhân ra diện rộng.
Vai trò của Mặt trận đã có sự thay đổi căn bản
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: Qua giám sát, hệ thống Mặt trận đã tổ chức góp ý cho các ngành chức năng thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong năm 2017, Mặt trận đã tổ chức lấy phiếu đánh giá về chỉ số hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Qua theo dõi các tỉnh làm thí điểm đã cho thấy cách làm bài bản, kỹ lưỡng của hệ thống Mặt trận khi triển khai thực hiện. Không dừng lại ở đó, Mặt trận cũng đã xây dựng nhiều mô hình nhằm phát huy vai trò, quyền làm chủ của người dân khi xây dựng nông thôn mới.
“Những nỗ lực của Mặt trận các tỉnh trong thời gian qua có tác động vô cùng to lớn, góp phần hoàn thiện quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, qua triển khai lấy ý kiến đánh giá của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi công tác tuyên truyền còn chưa sâu sát, hoạt động còn chưa thường xuyên;chưa phát huy được hiệu quả cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân…”, bà Ánh khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, thực hiện trách nhiệm của Mặt trận, UBTƯ MTTQ đã có Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tính đến hết năm 2017, Mặt trận cũng đã cơ bản hoàn thiện cơ chế, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của Mặt trận trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Từ thực tế công tác của mình, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới đã nâng cấp lên xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình nông thôn mới khẳng định: Đến nay vai trò của Mặt trận trong xây dựng nông thôn mới đã có sự thay đổi căn bản so với trước đây. Chỉ hơn 2 tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1600, UBTƯ MTTQ đã phát động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cuộc vận động này đã trở thành thương hiệu, có đầy đủ căn cứ để Mặt trận thực hiện.
Kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, ý kiến của các đại biểu đã thể hiện quyết tâm, nhiệt huyết của Mặt trận khi tham gia xây dựng nông thôn mới.
Thông qua việc tham gia xây dựng nông thôn mới thấy được vai trò của Mặt trận ngày càng được khẳng định, phát huy được quyền làm chủ của người dân, thể hiện được niềm tin của Đảng, chính quyền đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam.
Đánh giá cao việc MTTQ lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị MTTQ các tỉnh tiếp tục phát huy, thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình khi tham gia xây dựng nông thôn mới.
Một số hình ảnh phát biểu của các đại biểu tại buổi Tọa đàm.
Nguyễn Phượng- Quang Vinh/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn