Ngày 29-3, tại Hà Nội, Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu là trưởng đoàn, chủ trì cuộc làm việc.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Giai đoạn 2006-2010, tổng vốn Nhà nước đầu tư cho khu vực này khoảng 331.000 tỷ đồng, bằng 49,1% tổng vốn đầu tư phát triển cả nước. Trong đó, đầu tư cho phát triển sản xuất khoảng 116.000 tỷ đồng (chiếm 35% tổng vốn đầu tư cho khu vực); đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn khoảng 215.000 tỷ đồng (chiếm 65% tổng vốn đầu tư cho khu vực). Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết TU 7 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đầu tư của nhà nước cho lĩnh vực này đã tăng rất mạnh: giai đoạn 2009-2011, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 285.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2006- 2008.
Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định. Thu nhập và mức sống của đại bộ phận người dân nông thôn đã nâng lên, tỷ trọng hộ nghèo giảm rõ rệt. Tuy nhiên, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã tăng lên nhưng còn thấp so với yêu cầu. Kế hoạch đầu tư cho vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao, đã có một số bài học đắt giá nhưng chưa rút ra kinh nghiệm, ví dụ như việc trồng ồ ạt hồ tiêu, cà phê, rồi chặt bỏ. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa, vấn đề nâng cao chất lượng, đăng ký bảo vệ thương hiệu đối với người nông dân còn bất cập, cần sự hỗ trợ của nhà nước. Trong khi đó, việc phân định trách nhiệm đầu tư giữa trung ương và địa phương không rõ ràng.
Nguồn: hanoimoi.com.vn