Ông Phương thăm mô hình trồng hoa công nghệ cao tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ-Hà Nội).
Tôi rất quan tâm đến việc đánh giá tình hình thực hiện thí điểm các mô hình và nhận thấy chúng ta đã triển khai được nhiều công việc quan trọng. Cụ thể là, đến hết năm 2011, cả nước có hơn 100.000 lao động nông thôn (LĐNT) được học gần 200 nghề thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp – xây dựng, dịch vụ, đánh bắt xa bờ với các mô hình quản lý khác nhau. Trong số 63 tỉnh, thành phố có 41 tỉnh, thành thực hiện mô hình dạy nghề trồng trọt, đào tạo 26.000 người thuộc 47 nghề cho các nhóm cây công nghiệp (thuốc lá, chè, cao su, mía,…), cây lương thực, các loại rau, hoa quả, cây cảnh…
Theo đó, có 38 địa phương tổ chức thực hiện mô hình dạy nghề chăn nuôi, đào tạo cho 12.600 người với 37 nghề gồm chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy - hải sản, nuôi ong. Có 30 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện mô hình dạy nghề tiểu thủ công nghiệp cho 22.700 người với 50 nghề như móc sợi, dệt, gốm, mây tre đan,... Có 33 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện mô hình dạy nghề công nghiệp – xây dựng – dịch vụ cho 27.200 người với 57 nghề, gồm các nghề công nghiệp, xây dựng, khách sạn, du lịch, dịch vụ.
Ông đánh giá như thế nào về các mô hình dạy nghề nông nghiệp?
Với các nghề thuộc nông nghiệp, ưu điểm nổi trội là các nghề được lựa chọn đào tạo phù hợp với công việc của người LĐ đang làm, phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương và dự định sản xuất của người dân sau khi học. Đối tượng học là LĐNT đang sản xuất từng loại cây trồng, vật nuôi hoặc LĐ có nhu cầu về trồng cây mới, nuôi con mới. Chương trình, tài liệu dạy nghề do cơ sở đào tạo biên soạn phù hợp với việc dạy nghề cho từng loại cây, con. Thời gian học theo chu kỳ sinh trưởng của cây, con và thực hành tại nơi sản xuất, kết quả học nghề được đánh giá thông qua kết quả sản phẩm vật nuôi, cây trồng.
Theo đó, kết quả đào tạo rất khả quan: người học tiếp thu được kiến thức, kỹ năng cơ bản để hành nghề trồng trọt, chăn nuôi. Sau đào tạo, bà con vận dụng tốt kiến thức, kỹ năng được học vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập.
Ví dụ, nghề trồng thuốc lá sản lượng sản xuất tăng 15 – 20%, tỷ trọng sản phẩm đạt loại 1 tăng 10%, thu nhập của người LĐ tăng 1,5 – 2 lần. Với nghề trồng sắn ở Quảng Trị, năng suất tăng 1,5 lần, đạt 17 – 18 tấn/ha, thu nhập đạt 40 – 50 triệu đồng/ha. Với nghề trồng lúa chất lượng cao ở Hậu Giang, sản lượng đạt 7,4 – 7,5 tấn/ha/vụ (tăng 0,7 – 0,9 tấn/ha/vụ), giảm chi phí sản xuất từ 2 – 2,3 triệu đồng/ha so với trước khi học; thu nhập thực tế bình quân của người trồng lúa đạt 12 – 14 triệu đồng/người/vụ (tăng từ 5 -6 triệu đồng/người/vụ).
Đặc biệt là, qua các lớp học, người dân được trang bị kiến thức về sản xuất sạch, về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; người dân miền núi, biên giới đã từng bước thay đổi tập quán du canh, du cư, không đốt phá rừng làm rẫy.
Thưa ông, trong quá trình triển khai Đề án, chúng ta gặp những khó khăn gì?
Ở một số địa phương, việc lựa chọn nghề làm thí điểm có phạm vi rộng, chưa đi sâu vào từng cây, con cụ thể nên nội dung khóa học chưa sát với nhu cầu của người học. Một số nghề chưa bám theo quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi ở địa phương nên sau khi học xong, bà con khó tổ chức sản xuất. Một số chính quyền cấp xã chưa thực sự phối hợp với cơ sở đào tạo trong việc tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh, tổ chức và quản lý lớp học.
Vậy, bài học rút ra để Đề án triển khai hiệu quả hơn là gì, thưa ông?
Các nghề trong lĩnh vực nông nghiệp phải căn cứ vào quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng sản xuất, cây trồng, vật nuôi cụ thể. Người học đang trực tiếp nuôi trồng cây, con hoặc có nhu cầu nuôi trồng cây, con mới theo quy hoạch phát triển của địa phương. Cơ sở đào tạo bao gồm doanh nghiệp, HTX, các tổ chức đang hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm của nghề đào tạo; các viện nghiên cứu, trung tâm chuyên ngành, các trường nghề, trung tâm dạy nghề và các cơ sở đào tạo khác phải có đủ điều kiện dạy nghề được chọn và phải có mối liên hệ với DN sử dụng người LĐ hoặc bao tiêu sản phẩm cho người học.
Tổ chức đào tạo phải thực hiện linh hoạt về chương trình, thời gian, địa điểm, phương thức phù hợp với đặc điểm của người học và theo chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Cơ sở đào tạo được lựa chọn cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã cung cấp cho LĐNT các thông tin cụ thể về quy hoạch phát triển nông nghiệp, nội dung, thời gian, phương thức đào tạo, thông tin về việc làm sau khi học…
Thực tế cho thấy, những xã gắn dạy nghề với quy hoạch phát triển kinh tế thì việc hành nghề sau đào tạo rất hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Lê Phương (thực hiện)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn