Xây dựng nông thôn thành một nơi đáng sống.
Nâng chất các tiêu chí
Trong câu chuyện về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Hà Tĩnh, câu nói chân tình mà chúng tôi nghe người dân ở các địa phương bày tỏ trong những câu chuyện là sự hài lòng về tổ công tác của các huyện “xắn tay” cùng các xã làm nông thôn mới. Khi thực hiện việc này, mỗi gia đình chỉ phải nộp mấy chục nghìn hay cán bộ, nhân dân xã này sang giúp xã khác cùng nhau xây dựng nông thôn mới.
Qua phong trào, nhiều làng xã khó khăn đã tạo nên những kỳ tích mới như xã Bùi Xá (huyện ĐứcThọ); xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên), xã Thạch Thắng (Thạch Hà)...
Thành quả đó có được là do cán bộ và nhân dân cùng đồng sức, đồng lòng để tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn. Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh đã có cách làm sáng tạo đó là xây dựng thêm tiêu chí thứ 20 – khu dân cư (KDC) kiểu mẫu, vườn mẫu.
Tiêu chí thứ 20 được triển khai ở Hà Tĩnh đã thực sự tạo ra được những miền quê trù phú, thanh bình, thực sự đáng sống, tạo sự hài lòng cao trong mỗi người dân.
“Khi mới có chủ trương xây dựng KDC nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng hưởng ứng, tự giác tham gia. Từ những hoạt động nhỏ bé ở một vài địa phương, đến nay phong trào đã sức lan tỏa nhanh rộng lớn.
Tuy nhiên, khi thực hiện việc này, mỗi người dân phải nhận thức và phát huy tốt vai trò chủ thể, tự giác thực hiện ngay từ chính gia đình và cộng đồng thôn xóm của mình. “Làm vườn mẫu không phải để ngắm mà điều quan trọng hơn là từ vườn mẫu đã giúp tăng thu nhập cho mỗi hộ gia đình. Từ vườn mẫu các hộ dân đã chia sẻ kinh nghiệm làm vườn, liên kết tiêu thụ sản phẩm... qua đó gắn kết hơn tình làng nghĩa xóm”, bà Nguyễn Mai Thủy - Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh thẳng thắn nói.
Không riêng Hà Tĩnh, tỉnh Hà Nam cũng được biết đến là một trong nhiều tỉnh thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng NTM. Đặc biệt, trong năm 2018, Hà Nam phấn đấu có thêm 2 huyện, thành phố và 7-10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn lên 39,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, trong năm 2018, Hà Nam có kế hoạch huy động 890 tỷ đồng để xây dựng NTM. Bên cạnh việc tập trung nguồn lực, Hà Nam tiếp tục nâng cao chất lượng và tổ chức các phong trào thi đua từ tỉnh đến cơ sở; tập trung phát triển sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm tăng thu nhập, từng bước nâng cao mức sống của người dân nông thôn.
Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Hồng Kỳ- phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Nam cho rằng, từ chỉ đạo của Trung ương, MTTQ tỉnh đã hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM cấp huyện với nhiều các nội dung khác nhau.
Các nội dung này được thực hiện theo 4 biểu mẫu gồm: Đánh giá hài lòng, chưa hài lòng, không ý kiến và tổng hợp. Việc lấy mẫu biểu đánh giá như thế này sẽ đảm bảo khách quan, trung thực, đúng thời gian, quy trình, phản ánh trung thực đánh giá của người dân về kết quả xây dựng NTM…
Việc làm này cũng thể hiện trách nhiệm của UB MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong việc công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM cũng như các hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức đoàn thể.
“Việc lấy ý kiến người dân cũng là dịp để chính quyền địa phương, các ngành chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân để từ đó có kế hoạch phù hợp trong thực hiện nâng cao chất lượng xây dựng NTM. Vì vậy, không phải chỉ khi làm hồ sơ, thủ tục đề nghị xét công nhận xã, huyện đạt chuẩn NTM các địa phương mới quan tâm đến mức độ hài lòng của người dân mà trong quá trình thực hiện phong trào, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp cần tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích để tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong nhân dân. Có vậy, thành quả đạt được trong quá trình xây dựng NTM ở các địa phương mới được cộng đồng dân cư ghi nhận, sự hài lòng của người dân cũng từ đó được nâng cao”- ông Kỳ nói.
Cần có lộ trình để phát triển bền vững
Giai đoạn 2016-2020 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn cả nước với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Sau gần 2 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn nhiều nơi đã khởi sắc và bắt đầu bước lên một lộ trình mới phát triển thực chất, ổn định và bền vững hơn.
Xuất phát từ vấn đề trên, việc nghiên cứu, ban hành nội dung xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao đã được ban hành. Các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM phải tiếp tục phấn đấu để trở thành xã, huyện NTM nâng cao, hướng tới xây dựng nông thôn tiên tiến, hiện đại và bền vững hơn nhưng phải giữ được những nét điển hình của nông thôn truyền thống, thể hiện được những đặc trưng nổi bật mang tính điển hình cho khu vực nông thôn mỗi vùng, miền và địa phương.
Ông Nguyễn Minh Tiến- Cục trưởng, chánh Văn phòng điều phối Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương Chương trình NTM khẳng định, đến nay vai trò của Mặt trận trong xây dựng NTM đã có sự thay đổi căn bản so với trước đây. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1600, UBTƯ MTTQ đã phát động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.
Cuộc vận động này đã trở thành thương hiệu, có đầy đủ căn cứ để Mặt trận cùng bắt tay xây dựng nông thôn mới với một tâm thế chủ động và chắc chắn hơn.
Còn theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, để từng bước nâng cao hiệu quả và chất lượng nông thôn mới trong thời gian tới cần phải từng bước đổi mới từ mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư để công cuộc xây dựng NTM thật sự mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Có thể thấy rằng, đạt chuẩn NTM không phải là đích đến mà đó mới chỉ là hành trình trên một con đường dài còn nhiều chông gai. Khi thực hiện việc này, điều quan trọng là mỗi địa phương cần tiếp tục phấn đấu để đạt được sự đồng thuận, phát huy được tối đa vai trò chủ thể của người dân. Đó chính là mục tiêu cao cả, thiết thực mà nông thôn mới hướng tới.
Năm 2018, Hà Tĩnh phấn đấu nâng mức độ chất lượng tổng các tiêu chí lên 1,2 lần; tổng số tiêu chí đạt chuẩn tăng thêm trong năm là 180 tiêu chí, xã chưa đạt chuẩn tăng ít nhất 1 tiêu chí, đảm bảo số tiêu chí bình quân mỗi xã là 15,5 tiêu chí; tăng thêm 30 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 250 vườn; có thêm ít nhất 20 xã đạt chuẩn; ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Nghi Xuân đạt huyện nông thôn mới. |
Theo Tuệ Phương/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn