NNVN có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Cảnh (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục PTNT, Chánh Văn phòng BCĐ NTM tỉnh An Giang xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, trong 3 năm xây dựng NTM An Giang đạt được những gì?
Trong 3 năm qua cho thấy, có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu NTM cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, điều kiện thực tế ở các địa phương nhằm đảm bảo NTM không phải là chương trình “khô cứng”.
Với 3.536 km2 diện tích tự nhiên của An Giang, diện tích SX nông nghiệp chiếm khoảng 80% (297.000 ha) với trên 63% dân số là lao động nông thôn. Tỉnh đã chọn 25% số xã (34/136 xã) để tập trung chỉ đạo, hỗ trợ đến năm 2015 đạt tiêu chí NTM.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, do nguồn vốn NSNN có hạn và việc huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn nên khó có thể đến năm 2015 đạt chỉ tiêu 25% số xã.
Với quan điểm chỉ đạo là không chạy theo thành tích, phong trào, xây dựng NTM phải đi vào thực chất, hiệu quả. Tỉnh đã mạnh dạn rà soát lại và chọn 17/34 xã điểm của tỉnh (chiếm 14,16%) để tập trung chỉ đạo, hỗ trợ đầu tư đến năm 2015 đạt tiêu chí NTM.
Trên cơ sở 19 tiêu chí và 39 chỉ tiêu của Trung ương, dựa vào tình hình thực tế ở địa phương, tỉnh đã bổ sung thêm 1 tiêu chí về “Ứng dụng tiến bộ KH-CN, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp” và 20 chỉ tiêu (nâng lên tổng số 20 tiêu chí và 59 chỉ tiêu).
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai với phương châm NTM phải mang lại kết quả đúng nghĩa, không chạy theo thành tích. Đồng thời, trong điều kiện khó khăn về huy động nguồn lực đầu tư, tỉnh đã rà soát và xác định đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 17/120 xã hoàn thành NTM.
Từ khi có chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã chọn 34 xã điểm để tập trung chỉ đạo xây dựng NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2013 có 4 xã đạt 17 tiêu chí, 14 xã đạt 15 tiêu chí và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đến năm 2015, dự kiến có 17/120 xã đạt tiêu chí NTM (chiếm 14,16% so tổng số xã toàn tỉnh. Đến năm 2020 có tối thiểu 50% số xã đạt NTM (60/120 xã).
An Giang có những mô hình nào hay trong xây dựng NTM?
Qua quá trình xây dựng NTM, ở An Giang đã xuất hiện nhiều mô hình hay trong liên kết SX theo chuỗi giá trị giữa nông dân và DN. Điển hình như mô hình CĐML, ban đầu chỉ có Cty CP BVTV An Giang thí điểm triển khai với quy mô khiêm tốn nhưng đến năm 2013, đã có 9 DN tham gia mô hình với diện tích khoảng 35.000 ha.
Trong khi đó, Cty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang đang tiếp tục mở rộng mô hình liên kết trồng bắp non, đậu nành rau ở nhiều địa phương trong tỉnh, góp phần nâng cao giá trị SX, tăng thu nhập cho nông dân.
Ngoài ra, các mô hình liên kết nuôi cá tra theo chuỗi giá trị, liên kết trồng đậu bắp Nhật, rau màu, lúa đặc sản… cũng đang cho thấy triển vọng lớn, góp phần tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh.
Từ khi triển khai chương trình đến nay, người dân ở cộng đồng dân cư đã tích cực hưởng ứng xây dựng NTM bằng các hành động cụ thể, thiết thực, như: Góp công, góp của, hiến đất làm đường, xây dựng công trình công cộng, thành lập đội thi công thiện nguyện, đội nấu cơm miễn phí…
Việc huy động vốn đầu tư cho NTM có khó khăn?
Trong những năm qua tỉnh đã huy động xây dựng NTM giai đoạn 2010-2013 trên 4.000 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp khoảng 300 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương (gần 1.627 tỷ đồng), vốn từ DN (trên 482 tỷ đồng), vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu (1.253 tỷ đồng)...
An Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 100% số xã đã hoàn thành công tác lập đề án và 2 quy hoạch xây dựng NTM cấp xã. Đã được Trung ương chọn là 1 trong 5 tỉnh điểm để tập trung chỉ đạo xây dựng NTM.
Tuy nhiên, trong qua quá trình triển khai, một số chỉ tiêu NTM theo “bộ khung” của Trung ương đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với điều kiện của tỉnh. Điển hình như theo tiêu chí số 6 thì mỗi xã phải có 1 trung tâm văn hóa rộng 2.500 m2, sân bóng đá hơn 10.000 m2, hội trường 250 chỗ ngồi, mỗi ấp phải có nhà văn hóa riêng…
Để xây dựng trung tâm văn hóa cần kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, quá sức so với cấp xã trong khi không phù hợp với thói quen sinh hoạt văn hóa của người dân An Giang (ví dụ đồng bào Khmer sinh hoạt ở chùa, đồng bào Chăm sinh hoạt ở thánh đường Hồi giáo…). Đồng thời, mỗi ấp đều xây dựng nhà văn hóa là rất lãng phí.
Theo ông có những tiêu chí nào cần điều chỉnh cho phù hợp ở An Giang?
Tương tự, tiêu chí số 7 quy định mỗi xã phải có chợ loại 3, tiêu chí 17 quy định mỗi xã phải xây dựng nghĩa trang nhân dân là không cần thiết, dễ gây lãng phí nếu triển khai thực hiện. Những tiêu chí về xây dựng trung tâm văn hóa, chợ, nghĩa trang nhân dân… chỉ cần thực hiện theo quy hoạch của tỉnh là đạt.
Còn chỉ tiêu trong tiêu chí số 3 có quy định về tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa (tức trạm bơm nổi) là không phù hợp với đặc thù kênh mương bơm tưới ở ĐBSCL, có thể chỉ phù hợp với một số vùng miền Trung, Tây Nguyên.
Để xây dựng NTM thật sự có hiệu quả, đúng bản chất và mục đích, yêu cầu đề ra là phát triển nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân thì các tiêu chí, chỉ tiêu của Trung ương cần phải phù hợp với đặc thù, điều kiện thực tế của từng địa phương chứ không nền dựa vào “bộ khung khô cứng” áp dụng chung cho cả nước.
Xin cám ơn ông!
Trong 3 năm (2011-2013) tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng NTM ở An Giang trên 4.000 tỷ đồng. Tính đến nay các xã thuộc nhóm 1 chưa có xã nào đạt 19 tiêu chí NTM. Còn xã nhóm 2 đạt từ 14 - 18 tiêu chí. Nhóm 3 đạt từ 9 - 13 tiêu chí, trong đó 63 xã đạt, chiếm 52,5%. Nhóm 4 đạt từ 5 - 8 tiêu chí, trong đó 51 xã đạt, chiếm 42,5% (24 xã đạt 8 tiêu chí, 17 xã đạt 7 tiêu chí, 5 xã đạt 6 tiêu chí, 5 xã đạt 5 tiêu chí). Nhóm 5 đạt dưới 5 tiêu chí có 2 xã, chiếm 1,67%. Phấn đấu đến cuối năm 2013 có 4 xã đạt 17 tiêu chí, 14 xã đạt 15 tiêu chí và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Dự kiến năm 2015 có 17/120 xã đạt tiêu chí NTM, chiếm 14,16% so tổng số xã toàn tỉnh. |
Lê Hoàng Vũ
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn