Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) đòi hỏi nguồn vốn đầu rất lớn từ ngân sách nhà nước và tư nhân. Theo ước tính, để thực hiện đầy đủ 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) cấp xã trong Bộ tiêu chí quốc gia thì tổng nhu cầu vốn bình quân cho 1 xã khoảng 153,6 tỷ đồng. Mục tiêu là đến năm 2020 có 50% số xã trong toàn quốc hoàng thành và đạt chuẩn xã NTM (khoảng 5.000 xã/tổng số 9.071 xã), thì tổng nhu cầu vốn ước tính là 1.460 nghìn tỷ đồng. Bình quân mỗi năm từ 2011-2020 cần khoảng 14.600 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn còn rất hạn chế (Ảnh minh họa)
Giai đoạn 2010-2015 tổng yêu cầu vốn theo kế hoạch là 314.178 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 174.378 tỷ đồng, chiếm 55%; bình quân mỗi năm ngân sách cần đáp ứng khoảng 62.800 tỷ đồng, riêng ngân sách Trung ương mỗi năm cần có khoảng 34.800 tỷ đồng, do đó nguồn ngân sách rất khó có khả năng đảm bảo chi cho Chương trình xây dựng NTM đến 2020.
Theo kết quả tổng hợp từ 11 xã điểm, đến tháng 7/2011 tổng vốn thực hiện Chương trình thí điểm xây dựng NTM đã đạt gần 1.350 tỷ đồng.
Năm 2014, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình là 157.814 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 5.255 tỷ đồng, chiếm 3,3%; ngân sách lồng ghép là 23.517 tỷ đồng, chiếm 15%; ngân sách địa phương là 20.089 tỷ đồng, chiếm 13%; nguồn tín dụng là 85.033 tỷ đồng, chiếm 53.6%; doanh nghiệp là 5.851 tỷ đồng, chiếm 3,71%; dân cư là 18.075 tỷ đồng, chiếm 11,45%.
Như vậy, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng NTM là rất lớn, trong khi Chương trình thí điểm xây dựng NTM do Ban bí thư trực tiếp chỉ đạo nguồn vốn huy động của doanh nghiệp đạt 9,07%; thì năm 2014, triển khai thực hiện của Chương trình NTM toàn quốc chỉ đạt 3,71%. Con số này khá khiêm tốn so với kế hoạch đề ra của Chương trình là huy động từ doanh nghiệp và vốn khác là 20%.
“Có thể thấy, sự vào cuộc của doanh nghiệp trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM còn rất hạn chế”, Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp – Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn: Doanh nghiệp với nông thôn mới do Ban chỉ đạo TW Chương trình xây dựng NTM phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng 22/5 tại Hà Nội.
Theo ông Tiến, tình trạng này là do nông nghiệp – nông thôn là lĩnh vực đầu tư rủi ro cao và lợi nhuận thấp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố năm 2013, cả nước có 3.635 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, chỉ chiếm 1% tổng số doanh nghiệp toàn quốc.
Sản xuất nông nghiệp của nước ta chủ yếu dựa trên sản xuất quy mô hộ nhỏ lẻ, kinh tế hợp tác chập phát triển, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ít, liên kết sản xuất chậm pháp triển là những nguyên nhân chính làm cho hiệu quả sản xuất thấp, thu nhập của người nông dân chưa cao. Trong đó, sự thiếu vắn của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị là nguyên nhân chủ yếu của hiện trạng trên.
Mặt khác, sự thiếu vắng của doanh nghiệp trong nông nghiệp – nông thôn làm cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chậm, lao động dư thừa đang tạo sức ép rất lớn cho các địa phương và khu vực nông thôn.
Ông Tiến cho rằng: Để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, cần tuyên truyền chủ trương, chính sách đến với nông dân và doanh nghiệp để tạo sự liên kết hợp tác; đồng thời cần tôn vinh những doanh nghiệp có thành tích trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn thay vì kỳ thị doanh nghiệp và hoạt động thương mại như thời kỳ cũ.
Ngoài ra, cần có các quy hoach đề án, dự án cụ thể để doanh nghiệp có thể tiếp cận, tham gia và thấy khả năng có lãi thì họ mới đầu tư.
Nguyên An
Theo dantri.com.vn