Đường giao nội đồng dài hơn 2km này tại xã Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội mới được xây dựng hoàn toàn bằng ngân sách và sức dân. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Đây là thông tin được đưa ra tại diễn đàn “Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới” diễn ra ngày 23/8 tại Hà Nội.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay để hiện thực hóa chương trình, mọi nguồn lực cần được huy động một cách hiệu quả, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Mặc dù, nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp vào khu vực này song kết quả chưa được như mong đợi.
Về phía doanh nghiệp, các đại biểu đều cho rằng đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực nông thôn còn rất hạn chế do khu vực này nhiều rủi ro, giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp hàng hóa (cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) còn thấp, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản.
Hiện nay số lượng doanh nghiệp tập trung ở khu vực thành thị chiếm tỷ lệ cao, số lượng doanh nghiệp ở khu vực nông thôn chiếm khoảng trên 30%. Trong khi đó, doanh nghiệp nông thôn thường có quy mô nhỏ hơn và lợi nhuận thấp hơn.
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Ngô Kiều Oanh, Giám đốc công ty Tư vấn đầu tư và Chuyển giao khoa học công nghệ (ATC Việt Nam) đề nghị cần có một hệ thống thông tin điện tử hay còn gọi là cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia về nông nghiệp, nông thôn và nông dân với các thông tin thật sự chất lượng để giúp các doanh nghiệp định hướng chính xác chiến lược đầu tư cũng như tạo tiền đề để hấp dẫn và thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Có thể cho doanh nghiệp tham gia vào việc đánh giá thẩm định tính kinh tế, tính thực tiễn của các đề tài khi xây dựng và qua việc ứng dụng trên thực tế.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NNPTNT khẳng định, nếu không có sự tham gia mạnh mẽ của phía doanh nghiệp thì chương trình không thể thành công được. Vì vậy, cần có chính sách mạnh mẽ hơn để giúp các doanh nghiệp nông nghiệp bớt rủi ro và nếu xảy ra rủi ro bất khả kháng (thiên tai, thị trường) thì cũng bớt khó khăn. Có như vậy họ mới yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này.
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có đặc điểm khác với đầu tư vào lĩnh vực khác, đó là phải gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, nghĩa là doanh nghiệp phải gắn kết với nông dân, các tổ chức của nông dân trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Vì thế, các chính sách phải đảm bảo cho các đối tác này có được sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Đỗ Hương
Nguồn baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn