Năm 2018, cả nước phấn đấu có ít nhất 37% số xã (khoảng 3.300 - 3.400 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5% so với năm 2017.
Gần 3.500 xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2018, cả nước phấn đấu có ít nhất 37 - 38% số xã (khoảng 3.300 - 3.400 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng gần 400 xã so với năm 2017 (khoảng 5 - 6%); có ít nhất 53 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 10 đơn vị so với năm 2017; bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 100 xã. Tính đến hết năm 2017, cả nước đã có 3.069 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với cuối năm 2016 (vượt mục tiêu phấn đấu năm 2017 có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới). Đáng chú ý, các địa phương đã chủ động xây dựng các giải pháp và đề ra kế hoạch, lộ trình cụ thể để xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình. Đến nay, tổng số nợ đọng đã giảm được 9.373 tỷ đồng (hiện còn khoảng 5.845 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản). Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, trong hơn 6 năm qua, giao thông nông thôn đã hoàn thành khối lượng gấp hơn 5 lần giai đoạn 2001 - 2010. Đến cuối năm 2016, có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã. Mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã và 97,8% số thôn; 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 4.498 xã có công trình nước sạch tập trung... Trong thời gian qua, các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển được khoảng 3.854 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” từ bước đầu thành công tại tỉnh Quảng Ninh đang lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố và được xác định là một trong những trọng tâm trong chỉ đạo phát triển kinh tế nông thôn. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vận động và phát huy vai trò của các cấp Hội và hội viên tham gia thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn và phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó, vận động, giới thiệu phụ nữ tham gia đào tạo nghề và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, điều hành kinh doanh cho các đối tượng phụ nữ có nhu cầu; hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Bên cạnh đó, xây dựng điểm các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ theo hướng liên kết, sản xuất an toàn; nghiên cứu xây dựng mô hình sinh kế cho phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ kết nối các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn do phụ nữ quản lý với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ðáng chú ý, trong xu hướng lao động nam giới ngày càng chuyển sang các công việc phi nông nghiệp và di cư ra thành phố tìm việc làm thì phụ nữ đang giữ vị trí trung tâm và đóng vai trò quyết định trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, cộng đồng, tham gia trực tiếp, tích cực và vận động người thân trong gia đình tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần và quản lý cộng đồng./. Theo Thành Chung/bnews.vn