Nỗ lực đáng ghi nhận
Với lợi thế về đất đai, khí hậu cho phép phát triển nền nông nghiệp đa dạng, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và quyết tâm xây dựng NTM của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, bộ mặt nông thôn ở Sơn La hôm nay có nhiều đổi thay rõ rệt. Hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được nâng cấp, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở nhiều nơi được nâng lên, thu nhập bình quân năm 2013 ước đạt 12 triệu đồng/người, tăng gấp 1,4 lần so năm 2010 (8,55 triệu đồng/người). Các cấp, các ngành trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò của người nông dân, gắn họ với ruộng đất, quan tâm các chính sách hỗ trợ bà con gắn với chương trình NTM tại tất cả các xã, huyện, thành phố. Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh, hiện 188 xã đạt tiêu chí (TC) quy họach. Có 11 xã thuộc nhóm khá (đạt từ 9 đến 13 TC) gồm: xã Chiềng Sơn, Mường Sang (huyện Mộc Châu), Chiềng Ban, Mường Chanh, Cò Nòi (huyện Mai Sơn), Mường Trai, Chiềng Lao (huyện Mường La)... 100% các điểm triển khai người dân tự giải phóng mặt bằng, ủng hộ nguyên vật liệu, ngày công xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Ðiển hình như 425 hộ dân ở hai xã Gia Phù và Huy Bắc (huyện Phù Yên) hiến gần 19 nghìn m2 đất làm đường giao thông, nhà văn hóa. Còn tại xã Chiềng Ban (nơi được coi là "vựa" cà-phê ở Tây Bắc), người dân đã đóng góp hơn ba tỷ đồng làm 7,25 km đường bê-tông. Sau hơn ba năm triển khai, xã đạt 12/19 TC, còn TC khó là bình quân thu nhập đầu người thì sẽ cố gắng đạt trong thời gian tới. Năm 2013, mức thu nhập của người dân trong xã là 17 triệu đồng/người/năm, nếu cà-phê tiếp tục được mùa, được giá thì đến năm 2015 sẽ đạt chuẩn theo quy định ở vùng Tây Bắc là 18 triệu đồng/người/năm. Anh Lèo Văn Hinh ở bản Tong Chinh phấn khởi chia sẻ, từ khi triển khai chương trình NTM, kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể.
Còn nhiều khó khăn
Do đặc thù là tỉnh có đất đai rộng, bị chia cắt, cho nên cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thiếu và yếu. Xuất phát điểm thực hiện chương trình các xã đạt TC NTM thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. 86% số dân sống chủ yếu bằng nghề nông, trình độ hạn chế, chuyển dịch lao động sang các nghề phi nông nghiệp chậm. Nhiều chính sách hiện hành chưa phù hợp thực tế, chưa đủ hấp dẫn các nguồn lực xã hội đầu tư vào chương trình. Mặt khác, do nguồn thu ngân sách trên địa bàn thấp, trong khi nhu cầu về vốn để thực hiện là rất lớn. Nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung cân đối cho tỉnh để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tuy được thực hiện, nhưng thiếu chiều sâu, dẫn tới ít có các mô hình sản xuất tiêu biểu đạt hiệu quả kinh tế cao. Lao động tuy đã được đào tạo, tập huấn xong nhưng chưa thật sự gắn với nhu cầu tại địa phương. Số lượng TC tăng bình quân chậm (năm 2010 bình quân đạt 1,61 TC/xã, năm 2011 là 1,9 TC/xã, năm 2012 đạt 2,53 TC/xã, năm 2013 là 4,54 TC/xã); các TC đạt chưa bền vững... Nguyên nhân là do bộ máy tổ chức cán bộ làm chương trình từ tỉnh đến cơ sở chậm được kiện toàn, không có cán bộ chuyên trách, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ cấp xã phần lớn thiếu kiến thức về chuyên môn kỹ thuật, quản lý kinh tế và quản lý đầu tư... Theo Phó chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Phước, để khắc phục những khó khăn trong thực tế, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp như: Cố gắng huy động được nguồn lực tại chỗ, phát huy hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội ủng hộ, hỗ trợ, đầu tư vào địa bàn nông thôn. Tập trung giúp đỡ Ban chỉ đạo, quản lý cấp xã nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện chương trình theo quy hoạch, đề án được duyệt. Tiếp tục lựa chọn xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, ưu tiên những mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hiệu quả, có khả năng nhân rộng để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân...
Có thể nhận thấy, để đạt được kết quả nêu trên, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã nỗ lực đưa những nội dung, công việc của chương trình vào hoạt động và triển khai rộng khắp các địa bàn. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Chủ trương, chính sách về xây dựng NTM được các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân.
Tuy nhiên, nếu không tập trung làm tốt các giải pháp trên thì việc hoàn thành một số mục tiêu trong năm nay như phấn đấu đạt bình quân sáu TC/xã, trong đó có ít nhất hai xã đạt 15 - 16 TC, 20 xã đạt từ 9 đến 13 TC sẽ khó trở thành hiện thực.
Thanh Dương
Nguồn nhandan.org.vn