Với phương châm "việc nào dễ làm trước, việc khó, cần tiền để làm sau", sau hơn ba năm triển khai xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã dần hoàn thành các tiêu chí "dễ".
Cụ thể, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có một xã đạt 13 tiêu chí, hai xã đạt 12 tiêu chí, ba xã đạt 10 - 11 tiêu chí, 46 xã đạt 5- 9 tiêu chí, 81 xã đạt từ 3- 4 tiêu chí.
Ông Đỗ Tấn Sơn, Phó Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho biết, cơ bản các xã đều tăng tiêu chí đạt được so với năm 2010. Riêng 40 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015, mỗi xã tăng bình quân từ 1- 2 tiêu chí.
Ngoài kết quả thấy được qua các con số, thành công lớn nhất của việc xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang, đến thời điểm này, chính là sức mạnh của thực hiện dân chủ ở cơ sở qua việc người dân tự nguyện hiến gần 500 nghìn m2 đất, đóng góp 845.021 ngày công, mở mới trên 316 km đường đất, đá.
Đồng thời, chương trình cũng góp phần giúp chuyển biến nhận thức của một số cán bộ, nhân dân về tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới, cho họ thấy chương trình không chỉ quan tâm đến việc xây dựng hạ tầng nông thôn mà còn chú ý đều đến các mảng nông nghiệp, việc làm, y tế, giáo dục... Những điều này sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Việc Hà Giang sớm đạt "chiến thắng kép" trong bước đầu xây dựng nông thôn mới đã khẳng định hướng đi đúng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tuy nhiên, đây cũng là lúc bắt đầu hiện rõ những trở ngại trong chặng đường trước mắt, như một cán bộ xã bộc bạch "những tiêu chí dễ, khó hơn dễ một tí mình đều làm cả rồi. Những tiêu chí còn lại phần lớn đều khó, rất cần đến tiền. Hay nói khác đi, nếu thiếu tiền thì khó bảo đảm tiến độ".
Vẫn biết, xây dựng nông thôn mới chủ yếu dựa vào sức dân. Song, có một thực tế dễ nhìn thấy là nguồn lực nhân dân ở Hà Giang rất khó huy động, nhất là khi phần lớn người dân hiện đang sống, sinh hoạt bằng các nguồn trợ cấp của Chính phủ.
Dân nghèo, nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang đành phải trông vào nguồn ngân sách địa phương vốn đã rất hẹp. Bởi vậy, trong tổng số gần 2.000 tỷ đồng đã đầu tư xây dựng nông thôn mới qua ba năm 2010, 2011, 2012 thì nguồn vốn cộng đồng dân cư đóng góp chỉ đạt hơn 140 tỷ đồng, số còn lại là vốn từ Trung ương, vốn lồng ghép từ các chương trình dự án khác, vốn tín dụng, vốn huy động từ doanh nghiệp...
Theo thống kê của Ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang, tổng vốn ngân sách bố trí xây dựng nông thôn mới qua sáu tháng đầu năm 2013 mới chỉ đạt 1/3 kế hoạch, chưa đủ để bảo đảm kế hoạch đột phá.
Để hoàn thành kế hoạch, ngoài việc đề nghị UBND tỉnh tiếp tục bố trí nguồn vốn theo kế hoạch, ông Đỗ Tấn Sơn, Phó Ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho biết, về phía tỉnh đã đề xuất Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm bổ sung kinh phí cho tỉnh triển khai thực hiện thí điểm một số nội dung về xây dựng nông thôn mới theo văn bản số 8190/VPCP -KTT ngày 17-11-2011 của Văn phòng Chính phủ.
Ngoài ra, Ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Trung ương sớm có nguồn kinh phí cấp theo Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 8/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020; trong đó quy định mức hỗ trợ đối với những xã của huyện nghèo thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, và các xã nghèo không thuộc xã nghèo theo Nghị quyết 30a.
Quang Tiến
Theo nhandan.org.vn