Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết, hiện toàn thành phố đã có 19/19 huyện phê duyệt đề án cấp huyện, 100% số xã phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM, 236/401 xã đạt cơ bản và cơ bản đạt 14-18 tiêu chí xây dựng NTM. Cụ thể, trong đó có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, 91 xã đạt và cơ bản đạt 14-18 tiêu chí, 133 xã đạt và cơ bản đạt 10-13 tiêu chí, 134 xã đạt và cơ bản đạt 5-10 tiêu chí, 31 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bên cạnh đó, kết quả thực hiện các tiêu chí NTM cũng đã đạt được kết quả cao. Cụ thể: Đến nay tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hóa trên toàn địa bàn thành phố đã đạt 75% (chiếm 86,2% kế hoạch). Số trạm y tế được kiên cố hóa đạt chuẩn quốc gia chiếm trên 97% theo chuẩn cũ và đạt chuẩn khoảng 30% theo chuẩn mới (chiếm 60% kế hoạch). Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 86% (đạt 86% KH), trong đó, tỷ lệ được dùng nước sạch 33% (đạt 55% KH). Tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư đạt tiêu chuẩn làng văn hóa 57,8% (đạt 85% KH); tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa - thể thao đạt 45% (đạt 49% KH). 100% số cơ sở đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cũng theo Sở NN&PTNT Hà Nội, nhờ triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn tích cực, hiện hầu hết các xã điểm của Trung ương và Thành phố đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM. Đơn cử như: xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ là một trong những xã thực hiện mô hình điểm trung ương, đến nay Thụy Hương đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; Xã Song Phượng, huyện Đan Phượng đã có 18/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt; còn 1/19 tiêu chí chưa đạt là thu nhập; xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn đến nay đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; xã Đại Áng, huyện Thanh Trì đến nay có 15/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt; còn 4/19 tiêu chí chưa đạt là: thủy lợi, thu nhập, chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa… Đánh giá quá trình thực hiện mô hình NTM trên địa bàn thành phố, Phó Bí thư thường trực thành ủy Hà Nội, Nguyễn Công Soái cho rằng, mặc dù thành phố đã triển khai rất nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển, xây dựng chương trình NTM, tuy nhiên kết quả triển khai chương trình ở các địa phương vẫn chưa thực sự đồng đều. Để chương trình NTM có kết quả cao, các địa phương cần nhìn vào thực tiễn, trao đổi, học tập mô hình NTM tại các xã điểm đã thực hiện tốt để áp dụng vào xã mình. Xác định dồn điền đổi thửa là một trong những khâu mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, Phó Bí thư thường trực thành ủy Hà Nội, Nguyễn Công Soái cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các địa phương cũng nên tiếp tục thành lập các tổ công tác dồn điền đổi thửa, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cơ sở. Đối với các nơi đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, cần tiếp tục làm tốt công tác thủy lợi, giao thông nội đồng…/. Như Lực |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn