Ba năm qua, tỉnh Hưng Yên đã huy động các nguồn lực đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình này là hơn 959 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án khác hơn 915 tỷ đồng; vốn tín dụng khoảng 4.142 tỷ đồng; vốn huy động từ các doanh nghiệp; cộng đồng dân cư và các nguồn khác là 2.500 tỷ đồng.
Ðể sử dụng các nguồn vốn hiệu quả, tỉnh Hưng Yên tổ chức nhiều chương trình khuyến nông, như mở hàng nghìn lớp tuyên truyền, tập huấn, dạy nghề cho gần 280 nghìn lượt người với các nội dung về kiến thức pháp luật, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các chuyên đề về xây dựng nông thôn mới... Các xã trong tỉnh cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới; làm mới hơn 300 km đường giao thông và năm cây cầu, duy tu bảo dưỡng hơn 263 km đường; xây dựng bảy trạm bơm, nạo vét hơn 1,3 triệu m3 bùn, đất; cải tạo, nâng cấp 13 chợ nông thôn; cải tạo hơn 2.000 km đường điện trung, hạ thế, xây mới, cải tạo gần 400 trạm biến áp các loại,... Trong tỉnh đã có hai xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 43 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 100 xã đạt từ năm đến chín tiêu chí; 100% số xã đạt tiêu chí về quy hoạch và tiêu chí về an ninh trật tự xã hội.
Tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2015 có 37 xã cơ bản đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
* Thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tỉnh Phú Yên đã cụ thể hóa thành nhiều chương trình hành động cụ thể. Năm năm qua, tỉnh đầu tư cho ngành văn hóa 144,3 tỷ đồng; cải tạo hạ tầng du lịch 128 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã cung cấp thiết bị cho 17 xã đặc biệt khó khăn, 77 thôn, buôn, khu phố, 36 nhà văn hóa xã; hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa cho 36 thôn, buôn, khu phố, 10 nhà văn hóa xã,...
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được các cấp ủy đảng tỉnh Phú Yên gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết T.Ư4 về xây dựng Ðảng, qua đó góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, có tác dụng bồi dưỡng nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vừa tập trung xây dựng nếp sống mới văn hóa, các địa phương vừa chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các thiết chế văn hóa, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển rộng khắp và đi vào chiều sâu. Năm 2012, toàn tỉnh có gần 200 nghìn hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 86,05%; 370 thôn, buôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ 61%.
Theo nhandan.org.vn