Về thôn Vĩnh Trung hỏi nhà anh Nguyễn Văn Tuynh, ai cũng biết. Không chỉ là thanh niên nhiệt huyết, Tuynh còn là chủ của một xưởng sản xuất đồ gỗ hạt có tiếng trong vùng. Vốn xuất thân từ phong trào Đoàn nên khi Đại Áng được chọn làm xã điểm XDNTM, anh đã ủng hộ phong trào bằng việc hiện thực hóa những dự định mà mình ấp ủ về một ngành nghề đang theo đuổi. Tháng 5/2011, trên diện tích 422m2 đất ao, xưởng sản xuất gỗ hạt của anh đã được dựng lên với số vốn ban đầu 500 triệu đồng gồm 2 máy dập và 1 máy cưa. Tới nay, cơ sở của anh đã có 6 máy dập, 2 máy cưa. Tuy mới thành lập nhưng với phương châm "Uy tín, chất lượng là hàng đầu", Tuynh nhanh chóng đưa sản phẩm đồ gỗ hạt có chỗ đứng trên thị trường. Cuối năm 2011, anh nhận được hợp đồng lên tới 350 triệu đồng. Những nỗ lực tìm kiếm thị trường của anh không chỉ giúp việc kinh doanh có hiệu quả mà còn tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương với mức thu nhập ổn định 150.000 đồng/người/ngày. Dù làm chủ doanh nghiệp nhưng với bất kỳ phong trào nào của Đoàn, Tuynh đều tham gia tích cực. Anh là một trong số những thanh niên góp phần đưa phong trào XDNTM phát triển ngày càng sâu rộng trên địa bàn thông qua những lần đi tuyên truyền, vận động đoàn viên tham gia. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hường ở thôn Vĩnh Trung cũng là một trong những gia đình tiêu biểu trong phong trào XDNTM ở Đại Áng. Mới ngoài 30 tuổi nhưng gần 10 năm nay, cơ sở may khẩu trang của chị đã tạo việc làm cho nhiều lao động. Khi chương trình XDNTM được triển khai, chị Hường đã tích cực đầu tư thêm máy móc để mở rộng sản xuất, trở thành cơ sở duy nhất của địa phương có máy dệt. Hiện, cơ sở sản xuất Linh Hường có 45 công nhân làm việc tại xưởng, 40 công nhân nhận hàng về nhà làm, chủ yếu là thanh niên. Khẩu trang mang thương hiệu Linh Hường đã có mặt ở nhiều cửa hàng tại Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An. Thu nhập bình quân của gia đình chị đạt 20-30 triệu đồng/tháng, công nhân có tay nghề cao thu nhập 140.000 đồng/người/ngày. Anh Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đại Áng cho biết, xã đang thí điểm mô hình trồng nấm và đã nhận được nhiều đơn đăng ký tham gia lớp tập huấn trồng nấm của thanh niên trên địa bàn. Chương trình "Cơ giới hóa đồng bộ" trên diện tích 24ha với chủ trương của thành phố hỗ trợ máy móc, giống lúa, đào tạo nghề được người dân hưởng ứng. Trong tương lai, còn nhiều mô hình mới ra đời từ chính sức trẻ, sự nhiệt huyết của lực lượng thanh niên. Họ sẽ góp phần giúp Đại Áng sớm về đích trên hành trình XDNTM. Thành Vinh - Mai Thảo |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn