Nhằm góp phần đưa Tiền Giang đạt mục tiêu 20% số xã đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới vào năm 2015 và 50% số xã đạt chuẩn vào năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tiền Giang đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng các chương trình, dự án khuyến công.
Trung bình mỗi năm, trung tâm đầu tư khoảng 4,7 tỷ đồng cho hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng bền vững, hiệu quả. Hiện tại, trung tâm đang triển khai có hiệu quả nhiều chương trình khuyến công trọng điểm về sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long như: đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho lao động nông thôn; nâng cao năng lực quản lý công nghiệp nông thôn; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin; hỗ trợ đầu tư và sau đầu tư...
5 năm qua, hoạt động khuyến công Tiền Giang đã đầu tư trên 12,2 tỷ đồng hỗ trợ hàng trăm cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc đào tạo nghề, truyền nghề, kiện toàn máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ. Ngoài ra, trung tâm cũng hỗ trợ đầu tư và sau đầu tư nhằm mục tiêu thu hút lao động, việc làm, mở rộng thị trường tiêu thụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm mới với thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động nông thôn. |
Với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đợt 1 năm 2013 được hỗ trợ là 1,38 tỷ đồng, tỉnh đã thực hiện các đề án: “Đào tạo nghề may công nghiệp” cho 200 lao động và “Đào tạo nghề chế biến thủy sản” cho 250 lao động trên địa bàn. Đồng thời, nguồn kinh phí này cũng được hỗ trợ cho mô hình ở các địa phương như TP. Mỹ Tho, huyện Tân Phước, Chợ Gạo trong các ngành nghề bao gồm: kỹ thuật sản xuất phân bón hóa sinh, kỹ thuật xử lý nước thải, kỹ thuật sản xuất dây nhựa, hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất bao bì, túi PE và sản xuất bao nilon. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã mở các lớp đào tạo nghề may công nghiệp, chế biến thủy sản xuất khẩu... thu hút gần 500 lao động nông thôn. Thông qua các chương trình khuyến công trọng điểm, trung tâm đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ, thu hút lao động nông thôn, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm không chỉ thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển mạnh mà còn giúp tỉnh đẩy nhanh tiến độ Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Điển hình là cơ sở cơ khí Chí Hùng ở phường 6, TP. Mỹ Tho được hỗ trợ 300 triệu đồng từ quỹ khuyến công địa phương, với lãi suất là 0%, thời gian hoàn vốn 3 năm, đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, đưa tỷ lệ sản xuất bằng máy móc lên tới 90%. Nhờ vậy mà năng suất lao động của cơ sở đã tăng lên gấp đôi, đồng thời tận dụng được nguồn nguyên liệu, góp phần làm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp tư nhân SD (khu công nghiệp Trung An - TP Mỹ Tho) chuyên sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu, được hỗ trợ 50% lãi suất vay từ ngân hàng đã đầu tư xây dựng thêm cơ sở nhà xưởng, văn phòng. Nhờ đó, doanh nghiệp có thêm nhiều bạn hàng. Ông Nguyễn Văn Tấn - Phó giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Tiền Giang khẳng định: Với sự hỗ trợ kịp thời của kinh phí khuyến công, năng suất lao động các doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể, sản phẩm làm ra tiêu thụ được nhiều hơn. Thu nhập bình quân của người lao động ở Tiền Giang cũng tăng từ 3 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng/người/tháng.