Có thể khẳng định phong trào làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới trên cơ sở huy động “sức người sức của” đã nhận được sự đồng thuận nhất trí cao của người dân. Thành quả này có một phần đóng góp của đề án “Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020” được triển khai tại xã từ cuối năm 2011 đến nay. Là một xã thuần nông thuộc vùng bán sơn địa của huyện Triệu Sơn – Thanh Hóa với hơn 1.800 hộ và khoảng 7,2 nghìn nhân khẩu nhưng cả xã Vân Sơn hiện chỉ có 839,3 ha đất nông nghiệp, trong đó đất canh tác là 419 ha. Diện tích đất eo hẹp, sản xuất manh mún nhỏ lẻ nên nhiều năm qua nền kinh tế xã Vân Sơn phát triển chậm và thiếu bền vững, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn với thu nhập bình quân đầu người thấp, trong năm 2011 mới chỉ đạt 10,5 triệu đồng. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải đổi mới cách tổ chức sản xuất để phát triển nông nghiệp, nông thôn; sớm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ, phân tán, đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh tập trung sản xuất hàng hóa quy mô lớn và thực hiện các mô hình quản lý tiên tiến nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả cho người nông dân. Được sự thống nhất của Thường vụ huyện ủy, UBND huyện Triệu Sơn và Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn, năm 2011, UBND xã Vân Sơn đã đề xuất xây dựng mô hình doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông dân góp hoặc cho doanh nghiệp thuê đất lâu dài từ 20 năm trở lên để hình thành Công ty cổ phần nông công nghiệp dịch vụ thương mại Vân Sơn. Với mô hình này, Công ty sẽ đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật và cùng tham gia quản lý còn người nông dân xã Vân Sơn được tham gia sản xuất, bảo vệ hoa màu, nâng cao giá trị và thu nhập trên diện tích đất đai của gia đình đóng góp hoặc cho công ty thuê. Với sự chỉ đạo quyết tâm của Thường vụ huyện ủy, HĐND, UBND huyện Triệu Sơn và đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của trên 1.500 hộ nông dân, xã Vân Sơn đã đi đến nhất trí cao phương án tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa, công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Sau khi thuê đất của nông dân xã Vân Sơn, đến nay Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn đã quy hoạch lại sản xuất, quy hoạch những cánh đồng lớn, liền vùng, liền khoảnh từ 30 ha trở lên và xây dựng bờ vùng, bờ thửa; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện để cơ giới hóa đồng bộ và tổ chức trồng mía theo quy trình kỹ thuật cao với năng suất mía vụ 2011 – 2012 đạt từ 120 – 150 tấn/ha, chất lượng mía từ 12 CCS (chữ đường) trở lên với tỷ suất lợi nhuận từ 50 – 60%. Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn, bước đầu lợi nhuận được chia theo tỷ lệ: 30 – 40% cho người có đất cho thuê, tương đương khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng/sào; 30% cho xây dựng nông thôn mới tại địa phương; 20 – 30% tích lũy phát triển doanh nghiệp lâu dài và 10% còn lại trích quỹ khen thưởng và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên tỷ lệ này có thể thay đổi do hội đồng cổ đông thường niên quyết định. “Với 30% lợi nhuận được hưởng, xã sẽ có khoảng 18 triệu đồng/ha. Như vậy với 100 ha trồng mía, mỗi năm xã Vân Sơn có khoảng 1,8 tỷ để phục vụ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn mới như: điện, đường...”, ông Tam cho hay. Về công tác xây dựng hạ tầng nông thôn mới, ông Đặng Minh Ân, Bí thư Đảng ủy xã Vân Sơn cho biết, để xây dựng đường giao thông nông thôn, thời gian qua xã đã cho khảo sát, hạch toán chi phí, đưa ra chi bộ thống nhất và họp bàn với nông dân. Do hưởng lợi từ kết quả bước đầu của đề án, trong năm 2012, bà con đã đồng thuận cao và thống nhất mức đóng góp từ 500.000 đồng/khẩu trở lên (căn cứ vào điều kiện từng hộ và chiều dài đường phải làm trong từng thôn). “Với mức đóng góp này, xã giao cho các thôn làm chủ đầu tư, dân vừa là người giám sát, vừa tham gia lao động và được trả công theo quy định. Đến nay toàn xã đã bê tông hóa được 18 km đường. Đường được nâng cấp là do sức dân được huy động, đó là tài sản toàn dân, được bà con bảo vệ bằng hương ước, quy ước làng xã. Từ thực tế này có thể khẳng định là huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng đường giao thông là cách làm “lợi cả đôi đường”, ông Ân cho biết. Tuy mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2011 đến nay nhưng mô hình Công ty đã bước đầu gặt hái được những kết quả khả quan như nói trên còn những người nông dân “chân lấm tay bùn” đã được hướng dẫn khoa học kỹ thuật và đào tạo bài bản để có thể tiếp cận với phương thức sản xuất mới. Ngoài ra, với những hộ có từ 3 ha đất cho thuê trở lên sẽ được mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo cơ chế tự nguyện, còn địa phương có điều kiện tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm cho nông dân và hằng năm lại có thêm một phần kinh phí từ lợi nhuận kết quả trồng mía để xây dựng nông thôn mới. Từ những kết quả bước đầu cùng với các mục tiêu mà Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn đang triển khai từ nay đến năm 2015, chắc chắn mục tiêu mà nghị quyết Đảng bộ và nhân dân xã Vân Sơn đưa ra sẽ hoàn thành, góp phần thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương; tăng thu nhập cho nông dân, ổn định trật tự xã hội. Đây là những tiền đề quan trọng để xã Vân Sơn sớm hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương mình./.
Nguyễn Tiến Dũng |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn