Cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp là thực sự cần thiết, là xu hướng tất yếu hiện nay, nhưng CGH cần áp dụng đồng bộ các khâu trong sản xuất, có như vậy người lao động mới thật sự giảm được sức lao động, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất.
Chẳng hạn, qua khâu sấy khô bảo quản, chắc chắn sẽ đem lại những hạt gạo có chất lượng cao hơn, đáp ứng tiêu chí xuất khẩu. Nhưng CGH cần áp dụng trên diện tích lớn, trong khi đồng ruộng khu vực ĐBSH còn nhỏ lẻ, manh mún, nên muốn CGH đạt hiệu quả, cần gắn liền với việc dồn điền đổi thửa.
Lợi ích đã thấy rõ
Các đại biểu địa phương tham dự Diễn đàn @ nông nghiệp với chuyên đề “Phát triển tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp” rất mong muốn được áp dụng những công nghệ hiện đại của việc CGH trên thửa ruộng của mình. Vì vậy, các câu hỏi đa phần về chính sách ưu đãi khi mua máy móc, điều kiện trở thành hội viên tổ hợp tác, điều kiện thành lập tổ hợp tác dịch vụ được quan tâm nhiều nhất.
Đến từ tỉnh Thanh Hóa, anh Bùi Tiến Lực, chủ cơ sở dịch vụ ở xã Định Hòa, huyện Yên Định chia sẻ kinh nghiệm tổ chức quản lý hợp tác xã dịch vụ CGH sản xuất nông nghiệp: Từ năm 2012, được tiếp cận với CGH qua các lớp tập huấn, tham quan, hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Thanh Hóa, thấy được lợi ích của CGH, tôi đã mạnh dạn đầu tư máy móc , nhà xưởng, thực hiện cổ phần hóa với người lao động từ 30- 45% tùy từng loại máy, như vậy họ vừa được hưởng lương sản phẩm vừa được chia lợi nhuận từ cổ phần của mình nên rất yên tâm trách nhiệm gắn bó với công việc. Tổng doanh thu hàng năm làm dịch vụ trừ 70% giá trị đầu tư cho vật liệu+ nhân công + khấu hao còn lợi nhuận 30%.
Anh Nguyễn Văn Thiệu, thôn Hương La, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, Bắc Ninh bộc bạch: Gia đình đang tìm hiểu, đợi cơ chế hỗ trợ mua máy gặt của tỉnh thông qua Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh sẽ được giảm 30%, đồng thời mua máy gặt Nhật Bản, hiệu Kubota sẽ được khuyến mãi thêm một máy cấy và phun thuốc sâu. Hiện tại, qua thuê dịch vụ của các tổ hợp tác, trừ chi phí, năng suất thu hoạch tăng 20% so với làm thủ công.
Nhân rộng mô hình
Thăm mô hình tổ hợp tác dịch vụ tại thôn Tam Tảo, Xã Phú Lâm, Tiên Du, Bắc Ninh (chiếc máy gặt Kubota với 3 người điều khiển, từ khâu gặt, đóng bao gọn gàng chỉ trong 10 phút đã xong 1 sào lúa), chúng tôi mới thấy hết được sự phấn khởi của người dân khi được tham gia sản suất theo mô hình CGH.
Bà Nguyễn Thị Nga - Trưởng thôn Tam Tảo phấn khởi: Là 1 trong 40 hộ tham gia mô hình tổ hợp tác dịch vụ này với diện tích 4,2 ha trong vụ đông xuân này, chúng tôi được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ 100 triệu đồng khi mua 1 máy gặt của Nhật. So với sản xuất thủ công, chi phí ngang nhau, nhưng năng suất thu hoạch cao hơn từ 1,8 tạ/sào lên đến 2,5 tạ/sào.
CGH là cần thiết, nhưng việc áp dụng CGH đồng bộ mới thực sự đem lại hiệu quả kinh tế nhất trên đơn vị đất canh tác. Mô hình CGH đồng bộ tại thôn Mộ Đạo, Quế Võ, Bắc Ninh là điển hình cần nhân rộng. Hình thành từ năm 2012, từ tổ dịch vụ chỉ gồm 3 hộ, với sự hỗ trợ của Trung tâm KN-KN Bắc Ninh 100% máy cấy, khay gieo mạ, gieo hạt, phun thuốc trừ sâu, 50% máy gặt, máy cày. Từ vụ đầu làm thử 3 mẫu, kết quả lúa sinh trưởng tốt, năng suất cao hơn so với lúa cấy, đến nay, diện tích cấy bằng máy của tổ mỗi vụ 5-7 ha, với 30-35 hộ tham gia.
Bàn giải pháp đẩy mạnh tổ hợp tác dịch vụ CGH, các đại biểu tán thành với ý kiến cần có sự hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước trong việc ưu đãi vay vốn, giảm giá mua máy, chính sách cho thuê đất lâu dài và cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp có như vậy mới giải quyết được bài toán CGH đồng bộ nông thôn.
Phát biểu kết thúc Diễn đàn, ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Muốn hoạt động các tổ hợp tác dịch vụ CGH tốt thì phải làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng hàng hóa hoặc vùng làm giống, cùng giống, cùng thời vụ gieo. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tăng cường phổ biến, tuyên truyền mô hình điển hình, tập huấn, đào tạo, tham quan cho nông dân tiếp cận có điều kiện tham gia vào công cuộc CGH nền nông nghiệp hiện nay.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn