Hôm nay (17/3) tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo lấy ý kiến Dự thảo cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Tham dự có đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, các chuyên gia và lãnh đạo Sở nông nghiệp một số địa phương khu vực phía Bắc.
Sau hơn 3 năm tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã xây dựng Đề án và Kế hoạch chuyên đề trên 6 lĩnh vực gồm: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm sản và nghề muối. Kết quả tái cơ cấu mặc dù góp phần duy trì tăng trưởng toàn ngành những năm qua nhưng lại chưa rõ rệt và đồng đều giữa các địa phương, vùng miền; tăng trưởng của ngành chưa vững chắc, mô hình tăng trưởng còn chậm đổi mới.
Một số ý kiến cho rằng, Dự thảo cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 cần đặt ra mục tiêu cũng như giải pháp thực hiện trong khung thời gian cụ thể đối với những khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ nông sản, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đất đai, tín dụng ưu đãi trong nông nghiệp, chất lượng và an toàn thực phẩm nông sản…
Ông Bùi Như Ý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ở địa phương này chỉ chiếm 10%, nhưng kết quả thực hiện tái cơ cấu thời gian qua thì chưa rõ rệt. Thực tế, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả lâu nay nhưng cơ chế chính sách thì vẫn chưa có.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dự thảo cần xác định rõ thị trường và chế biến sâu cho sản phẩm nông nghiệp, bởi đây là 2 khâu yếu nhất hiện nay trong chuỗi tiêu thụ nông sản.
Ban soạn thảo Dự thảo cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 cho biết, sẽ tiếp thu những đóng góp của các đại biểu. Trước khi trình lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ sẽ lấy ý kiến rộng rãi của 63 địa phương và các Bộ, ngành liên quan.
Dự thảo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 -2020 hướng đến mục tiêu đến năm 2020, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất.
Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tốc độ tăng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt tối thiểu 3%; tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản bình quân hàng năm đạt trên 3,5%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%, tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông đạt trên 35%..
Tác giả bài viết: V.O.V
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn