Sau 5 năm triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, đến nay Trấn Yên có 3 xã Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành đã đạt chuẩn, 12 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên và 5 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí.
Trấn Yên tích cực kiên cố hóa mạng lưới giao thông nông thôn
Có được kết quả này, nhờ Trấn Yên vận dụng một cách sáng tạo việc phát huy vai trò chủ thể của người dân. Qua đó góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Hợp ở thôn 6, xã Đào Thịnh chia sẻ: “Là một người dân lại được tham gia bàn thảo, dân chủ, công khai về các khoản đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, chúng tôi thấy rất thoải mái và thấy phù hợp với khả năng của gia đình mình, nên chúng tôi rất nhiệt tình ủng hộ”.
Cùng với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, Trấn Yên tăng cường chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ban hành các văn bản hướng dẫn về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất. Tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất lên tới 28,43 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trực tiếp từ chương trình 2,84 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác dồn điền, đổi thửa được chỉ đạo quyết liệt và đã hoàn thành 6.482ha, tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Trấn Yên cũng tập trung chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn liền với chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh trên địa bàn.
Như vùng sản xuất lúa chất lượng cao 1.500 ha; mô hình trồng tre măng Bát Độ trên 2.000 ha, giá trị thu nhập trên 40 tỷ đồng/năm; mô hình trồng dâu nuôi tằm trên 200 ha, giá trị thu nhập trên 24 tỷ đồng/năm; mô hình trồng chè chất lượng cao với diện tích gần 600 ha, giá trị thu nhập trên 50 tỷ đồng/năm...
Các mô hình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, định hình vững chắc được một số vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến. Đối với xã Việt Thành đến nay vùng trồng dâu nuôi tằm đã lên tới trên 50 ha, đem lại thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, Trấn Yên đã huy động tổng nguồn vốn trên 889,65 tỷ đồng. Đối với xã Báo Đáp sau 5 năm đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM đạt gần 54 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 20%.
Đến nay diện mạo xã Báo Đáp đã đổi thay rõ nét, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Nhiều tập thể, cá nhân đã hiến công, hiến kế, hiến đất và tiền của để làm đường giao thông nông thôn.
Ông Ngô Đức Tòng, thôn Đồng Bưởi, xã Báo Đáp tâm sự: “Tôi thấy xây dựng NTM thiết thực đấy, vì chính chúng tôi là người được hưởng lợi nên tôi hoàn toàn tự nguyện hiến những phần đất của gia đình và góp thêm công lao động, tiền, nguyên vật liệu để lam đường, làm nhà văn hóa thôn”.
Cùng với 3 xã được công nhận đạt chuẩn là Báo Đáp, Việt Thành và Tân Đồng, đến nay Trấn Yên đã có 12 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, 5 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, chỉ còn 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí là Kiên Thành.