Kết quả từ mô hình cánh đồng mẫu lớn Năm 2011, Phú Cần bắt tay vào thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn ở 2 ấp Cầu Tre và Đại Trường, với diện tích 300,26ha. Trong quá trình triển khai mô hình, bà con được cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang trực tiếp hướng dẫn quy trình sản xuất, từ khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng, xuống giống đồng loạt, cùng một loại giống đến việc phòng ngừa sâu bệnh và chăm sóc lúa…, tất cả đều áp dụng theo quy trình "3 giảm, 3 tăng". Qua 4 vụ, năng suất lúa trong mô hình tăng từ 6 - 7 tấn/ha lên 9 - 9,5 tấn/ha. Đặc biệt là trong vụ đông xuân 2011-2012, bà con tham gia mô hình gieo 2 loại giống OM 4218 và OM 6976, sau khi thu hoạch, nhiều hộ đạt năng suất 10 tấn/ha. Ông Thạch Minh ở ấp Cầu Tre phấn khởi nói: "Chưa khi nào làm lúa mà tôi thu được năng suất cao như vụ đông xuân vừa qua, lên tới 1,1 tấn/công (1 công = 1.000m2). Bán với giá 5.400 đồng/kg, tôi thu được 6 triệu đồng/công, trừ chi phí, lãi 3,5 triệu đồng". Thực tế sản xuất ở Phú Cần cho thấy, mô hình cánh đồng mẫu lớn không chỉ đem lại lợi nhuận cao cho nông dân mà còn sản xuất ra lúa chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Thắng lợi của mô hình còn khiến nông dân nơi đây hết sức phấn khởi và tin tưởng vào sự liên kết "4 nhà", tăng cường sản xuất lúa theo quy trình VietGAP; tích cực gắn kết và có trách nhiệm với nhau trong suốt quá trình sản xuất. Nâng mức thu nhập lên 14 triệu đồng/người/năm Nhằm đẩy mạnh chương trình XDNTM, năm 2011, xã Phú Cần đã xây dựng tuyến đường nhựa dài 8km dẫn ra khu sản xuất tập trung của ấp Cầu Tre, với tổng vốn đầu tư 12,8 tỷ đồng; một trường mẫu giáo 7 phòng học, vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng; khu văn hóa thể thao 6 tỷ đồng; 6 nhà sinh hoạt cho 3 ấp trị giá 2 tỷ đồng; 40 nhà tình thương theo Quyết định 167; bãi xử lý rác tập trung với kinh phí 2,7 tỷ đồng; nghĩa trang nhân dân 1,7 tỷ đồng và 2 trạm cấp nước ở Đại Trường và Cây Hẹ, với tổng vốn đầu tư khoảng 14 tỷ đồng. Ngoài ra, xã còn có chính sách hỗ trợ bà con sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao; hỗ trợ trồng màu, chăn nuôi bò… Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tám, Bí thư Đảng uỷ, Trưởng ban chỉ đạo XDNTM xã Phú Cần cho biết: "Nhờ sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự năng động của người dân mà đến nay, bộ mặt nông thôn đã cải thiện rõ rệt. Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm 2012, thu nhập bình quân đạt 14 triệu đồng/người/năm. Hộ khá, giàu chiếm 75%; nhà kiên cố, bán kiên cố chiếm 85%; 99% số hộ được sử dụng điện; giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; 100% cơ quan, trường học, trạm y tế, cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng đạt tiêu chuẩn văn minh; có ít nhất 80% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Phấn đấu có 98% số hộ trở lên được sử dụng nước sạch; 95% số hộ có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh; 90% số đường liên ấp, khu dân cư được bê-tông hóa; 95% số hộ thực hiện tốt các quy định về vệ sinh, cảnh quan môi trường…". Trong đợt kiểm tra về XDNTM ở Phú Cần, cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về XDNTM Lê Huy Ngọ chia sẻ: "Lãnh đạo xã Phú Cần nên tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, tạo điều kiện cho người dân tham gia đóng góp xây dựng hạ tầng theo phương châm xã hội hóa. Mọi vấn đề ở địa phương cần đưa ra bàn bạc công khai, cụ thể với nhân dân để lấy ý kiến đóng góp, xem cái nào nên làm trước, cái nào làm sau; làm đến đâu chắc đến đó; không nên làm dàn trải, nhiều việc mà không đem lại kết quả tốt". Phương Nghi Theo kinhtenongthon.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn