Hơn 25 năm đổi mới, thực hiện CNH, HĐH đất nước, mặc dù Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư công cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn ("tam nông"), nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của khu vực này.
Đầu tư cho "tam nông" vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Vấn đề trên thu hút khá nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong buổi thảo luận tại hội trường ngày 5/6.
Chỉ đáp ứng 60% yêu cầu
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho "tam nông" của UBTVQH cho thấy, giai đoạn 2006 - 2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.787 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, đáp ứng được khoảng 55 - 60% yêu cầu. Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng so với đóng góp hàng năm GDP đạt tới 20% và tỷ lệ trên 70% dân số Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông thôn.
"Cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho "tam nông", tạo điều kiện, khuyến khích huy động thêm nguồn lực của xã hội, của doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và thực hiện theo kế hoạch trung hạn thay vì hàng năm cùng với sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này." - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát "Thời gian tới, Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tăng tỷ trọng đầu tư cho "tam nông". Bên cạnh đó, các công cụ về thuế, tín dụng, phí... cũng được áp dụng tổng thể để phục vụ cho mục tiêu này. Đối với các DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn tùy theo mức độ ưu đãi mà được giảm hoặc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Bộ Tài chính đang chủ trì thực hiện 2 đề án là sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách và Đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Các đề án này đều được xây dựng với định hướng: Ưu tiên phục vụ phát triển “tam nông”. - Bộ trưởng Tài chính - Vương Đình Huệ |
Thống nhất với nhận định của UBTVQH, nhiều ĐB cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực thiếu thì công tác quy hoạch lại chưa sát thực tế, tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, công tác giải ngân mục tiêu quốc gia còn chậm, nặng cơ chế xin - cho, một số văn bản còn chồng chéo, lồng ghép, cơ chế phân cấp thiếu đồng bộ... Theo ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), đầu tư cho khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả cao cho người nông dân còn ít, phần lớn người dân tự làm giống, chất lượng và canh tranh với khu vực chưa cao.
Trăn trở về chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, xuất khẩu kém giá so với sản phẩm tương tự của Thái Lan, ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) chỉ ra nguyên nhân là do chưa có quy hoạch sản phẩm mũi nhọn theo vùng miền và kiến nghị sớm hoàn thành quy hoạch vùng, rà soát lại đào tạo nghề, đầu tư các nguồn lực phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún.
Nhiều ĐB quan tâm đến vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng như thủ tục còn rườm rà, khó khăn, nhất là với người dân các dân tộc thiểu số, tuy quy định cá nhân vay 50 triệu đồng không cần thế chấp, nhưng thực tế có thế chấp cũng khó tiếp cận. Đã thế, thiên tai, dịch bệnh và lạm phát tăng cao khiến giá cả các mặt hàng đầu vào trong ngành nông nghiệp tăng theo gây nhiều khó khăn cho các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều ĐB cũng đề cập tới việc nâng cao công tác dự báo.
Kiến nghị tăng thời hạn giao đất
Trong số 42/72 ý kiến đăng ký được phát biểu, câu chuyện về đất đai được nhắc nhiều nhất. Việc quy định thời hạn sử dụng đất đến nay đã gần hết thời hạn giao đất nhưng chưa có chủ trương cụ thể nên nông dân không mạnh dạn và an tâm đầu tư.
Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) phát biểu ý kiến tại Hội trường ngày 5/6. Ảnh: TTXVN
Theo các ĐB, thời hạn 20 năm là quá ngắn cho đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, vì vậy, Quốc hội sớm rà soát sửa đổi bổ sung hoàn thiện Luật Đất đai theo hướng tăng thời hạn giao đất, tăng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp như: Quy định thời hạn giao đất nông nghiệp (50 năm) cho cả đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm để người được giao chủ động trong sản xuất. Đối với các loại đất khác (phi nông nghiệp): căn cứ từng dự án để quy định về thời gian (không phân biệt thành phần kinh tế); hết thời hạn nếu doanh nghiệp có nhu cầu, trong quá trình sử dụng đất không vi phạm pháp luật đất đai, được giao tiếp tục sử dụng với thời gian theo yêu cầu của dự án. Ngoài ra cần quy định chặt chẽ, cụ thể, rõ trách nhiệm hơn về bảo vệ đất trồng lúa, thu hồi đất nông nghiệp, việc bồi thường, hỗ trợ và chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống của người dân có đất bị thu hồi; giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo.../.
Tìm chính sách tín dụng phù hợp cho nông thôn Ngày 5/6, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp xung quanh vấn đề tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng bình quân mỗi năm 24% là tốt. Nhưng, còn một bộ phận người dân chưa tiếp cận được, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tiền vay, thủ tục vay… Đặc biệt là đối với người sản xuất nhỏ lẻ, người nghèo, người dân sinh sống ở miền núi, phải cân nhắc và nghiên cứu cho phù hợp. Đảm bảo an toàn vốn cho hoạt động tín dụng ngân hàng, chính là an toàn vốn cho người tiếp cận vốn. Chứ không phải nới lỏng, hay giảm bớt các điều kiện tín dụng, để không giải quyết được lợi ích gì cho nền kinh tế và lợi ích cho nông dân, mà còn gây tác hại cho ngành tín dụng. Nguyễn Vũ |
Theo ktdt