Ông Trần Ngọc Uyển – Chủ tịch Hội Làm vườn xã Xuân Phương cho biết: “Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 10ha diện tích trồng cam Canh và bưởi Diễn, trong đó cam Canh chỉ còn khoảng 6ha với gần 10 hộ trồng. Nguyên nhân khiến diện tích cam Canh giảm mạnh là do quá trình đô thị hóa và cam liên tục mất mùa trong những năm gần đây.
“Cam Canh năm nay được mùa, nhưng diện tích ít, nên số lượng chẳng đáng là bao. Hộ nhiều cũng chỉ được 6-7 tấn là cùng, còn lại đa số các hộ chỉ đạt vài ba trăm kg hoặc vài tấn thôi. Ước tính, cả xã chỉ được 35-40 tấn thôi” – ông Uyển khẳng định.
Anh Nguyễn Duy Cường - một trong những người còn giữ được vườn cam Canh nhiều nhất xã chia sẻ: “Trận mưa năm 2010, nước sông Nhuệ tràn đê ập vào, làm chết gần 500 cây cam Canh của tôi. Tôi vừa phục tráng lại được hơn 400 gốc, năm nay cam sai, giá nhỉnh hơn trước (60.000 – 80.000 đồng/kg), nhưng cũng không có mà bán. Hiện hầu hết cam trong vườn đã được khách quen đến đặt hàng từ vài tháng trước rồi”.
Theo anh Cường, cam Canh vỏ rất mỏng, màu đỏ, bóng đẹp, vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng, mà không loại cam nào có được. Hiện ở các huyện như Thanh Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng và một số tỉnh như Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương… đang có một diện tích khá lớn cam Canh. Tuy nhiên, về chất lượng thì không thể bằng cam Canh chính hiệu (trồng ở làng Canh). Việc diện tích cam Canh chính hiệu sụt giảm diện tích, sản lượng đang là cơ hội để cam Canh ở các vùng khác “lên ngôi” và việc người tiêu dùng có thể mua nhầm cam Canh “tứ xứ” là điều khó tránh khỏi.
Chị Nguyễn Thị Mai - người chuyên bán hoa quả ở chợ Bưởi (Hà Nội) nói: “Mấy năm gần đây, lượng cam Canh ngày một giảm, năm thì mất mùa, năm thì bị ngập lụt… Năm nay, mang tiếng là cam được mùa, thế mà tôi đặt trước hơn 2 tháng trời mà cũng chỉ được 3 tấn cam Canh chính hiệu, còn lại là cam Canh ở khắp nơi”.
Việt Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn