Từ bao đời nay, truyền thống yêu nước, đoàn kết chung tay xây dựng quê hương đã tồn tại trong tâm thức của mỗi người dân Nậm Cang. Những câu chuyện về các bà Chảo Mùi Phẩu, Lý Tả Mẩy một thời vận động dân công thồ gạo giúp bộ đội từ Nậm Cang đi Lai Châu trong những năm kháng chiến chống Pháp chính là "liều thuốc" tinh thần giúp các thế hệ con cháu thêm quyết tâm, vươn lên xây dựng xã ngày càng giàu đẹp. Với tinh thần ham học, hay làm, tận dụng lợi thế về diện tích đồi rừng, bà con nơi đây đã tìm cho mình hướng phát triển kinh tế mới, đó là trồng thảo quả dưới tán rừng. Ông Tẩn Văn Phiên, người dân trong xã cho biết, đặc tính của thảo quả là sống dưới tán rừng già, từ độ cao 800m trở lên, nơi có ánh sáng yếu, vì vậy, để trồng thảo quả, người dân Nậm Cang đã tích cực bảo vệ rừng để lấy tán che cho cây dược liệu quý bên dưới ra hoa kết trái. Hiện, thị trường tiêu thụ thảo quả khá ổn định, giá bán bình quân 130.000 - 160.000 đồng/kg quả khô, có thời điểm lên tới 200.000 đồng/kg. Ông Tẩn Vần Phẩu, Phó chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Trước đây, đời sống của người dân Nậm Cang rất khó khăn, sau khi được hỗ trợ từ Chương trình 135, được Nhà nước hỗ trợ giống và cán bộ khuyến nông hướng dẫn trồng thảo quả, chăn nuôi gia súc, người dân mới hết đói, nghèo. Hiện, toàn xã có hơn 600ha thảo quả, trong đó có gần 300ha đang cho thu hoạch". Song song với việc trồng thảo quả dưới tán rừng, người dân nơi đây còn mạnh dạn phát triển kinh tế trang trại. Theo thống kê, toàn huyện Sa Pa có trên 90 trang trại thì riêng xã Nậm Cang có tới 55 trang trại, nhỏ nhất là 1ha, lớn nhất 20ha, tiêu biểu như trang trại của gia đình các ông Tẩn Sành Quẩy, thu nhập bình quân 350 triệu đồng/năm; Tẩn Sành Chiêu, thu nhập 500 triệu đồng/năm… Chỉ với hơn 10ha vườn rừng trồng thảo quả, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá, những năm qua, gia đình ông Chiêu đã trở thành hộ có mức thu nhập cao nhất xã. Ông Chiêu tâm sự: "Tôi bắt đầu trồng thảo quả từ những năm 1977- 1978. Ngày đó, tôi phải lặn lội lên tận Tả Phìn lấy giống, ban đầu chỉ mua 30 gốc, sau 3 năm thì cây cho quả, tôi không bán mà để nhân giống, đến giờ đã có hơn 3.000 gốc, mỗi năm thu về gần 2 tấn quả khô. Nhờ trồng thảo quả mà gia đình có vốn đầu tư chăn nuôi gia súc và thả cá, nhờ đó tăng thêm thu nhập". Với sự quyết tâm của người dân cộng với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở Nậm Cang đã giảm đáng kể. Với những thành tích đạt được, cán bộ và nhân dân xã Nậm Cang vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và trở thành xã dẫn đầu huyện Sa Pa trong phát triển kinh tế, XDNTM. Phạm Lan
| ||
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn