02:08 EST Thứ hai, 23/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Sức bật vùng nông thôn mới

Thứ tư - 16/01/2013 03:13
Chúng tôi đi trên đường đê số 3 đã được tôn cao, trải nhựa phẳng lì, mặt đường rộng hơn 6m thênh thang xe cộ ngược xuôi, từng nhóm học sinh tan học về rộn rả tiếng cười vui vang trên thôn xóm. Hàng phi lao vươn cao đã xây tàng mát rượi, công trình của Xã đoàn TNCS Tân Nhựt (Bình Chánh, TPHCM) góp phần xây dựng nông thôn mới.

Gọi là đường đê, vì mấy năm trước nó chính là bờ đê nhỏ xíu làm ranh giới giữa các thửa ruộng, cũng là con đê để bà con lui tới làm đồng. Vây mà nay trở thành con đường giao thông nội đồng, cũng là tuyến giao thông nông thôn, xe cơ giới chạy tới ruộng, vận chuyển nông sản hàng hóa thuận lợi, không còn cảnh nước ngập lênh láng, chống xuồng mò mẫm vượt qua từng vạt ruộng.

Toàn xã có 37 tuyến đường đều đã nâng cấp, tráng nhựa. Để có được những con đường đê làm giao thông nội đồng như vầy cũng như những đường trục xã, liên xã, thậm chí đến những đường trục liên thôn xóm khang trang thông thoáng, phải nói tinh thần của bà con nông dân nơi đây rất đáng trân trọng, đã sẵn lòng hiến đất làm đường, làm thủy lợi, phần của bà con đóng góp trị giá tới 74 tỷ đồng. Không chỉ có những con đường đẹp mà Tân Nhựt còn có hệ thống điện chiếu sáng khắp tuyến đường nội đồng. Các ngôi trường trong xã đều bề thế, khang trang. Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, lực lượng y bác sĩ và các trang thiết bị y tế đủ yêu cầu phục vụ công tác khám chữa bệnh, tạo cho người dân yên tâm đến khám chữa bệnh ban đầu.

Lão nông Nguyễn Văn On tại cánh đồng đang thu hoạch lúa của mình.

2- Tôi ngang qua chợ Tân Nhựt, dù không có ý định mua sắm thứ gì, nhưng cũng phải dừng lại trầm trồ ngắm ngôi chợ của một xã ngoại thành xinh xắn, nhộn nhịp người mua kẻ bán, hàng hóa ê hề, phong phú đủ các mặt hàng. Chợ khá rộng lớn, diện tích xây dựng khoảng 1.200m2, có 21 kiốt, 32 quầy bán rau, cá, thịt, trái cây… cách bày trí ngăn nắp, trật tự, sạch sẽ. Lâu lắm tôi mới về thăm lại Tân Nhựt, hình ảnh của một ngôi chợ quê nghèo nàn, nước ngập nhếch nhác khi trời đổ mưa hay lúc thủy triều lên nên bà con buôn bán nhỏ lẻ tự dời ra ngoài lề đường, chợ nhóm đến khi nắng lên là vắng hoe, buổi sáng mà buồn hiu hắt đã lùi vào quá khứ.

Bây giờ đứng trước quang cảnh ngôi chợ Tân Nhựt thời kỳ nông thôn mới, làm tôi không khỏi ngỡ ngàng, xúc động trước sự thay đổi quá nhanh chóng của một xã ngoại thành. Cái nét văn hóa chợ nông thôn bàn bạc sự chân chất mà lịch sự từ những nụ cười, câu nói mời chào ngã giá, sao mà thân thương, gần gũi như có sức níu chân người. Người mua dễ dàng chấp nhận giá cả, ít khi kỳ kèo bớt một thêm hai, vì họ biết người bán cũng không nói thách giá trên trời dưới đất. Thuận mua vừa bán.

Bà Tám Thơ, bán hàng công nghệ phẩm nơi đây, bỗ bã: “Tôi ở quận 6 chớ đâu phải dân địa phương, thấy nơi đây buôn bán được, nên đăng ký một kiốt. Coi vậy cũng được lắm, kiếm chút cháo khỏe re.” Một cô gái bán kế bên nhoẻn miệng cười tươi tắn góp ý đượm chút khôi hài: “Sao dì Tám khiêm nhường vậy, phải nói là kiếm cơm và còn chút… bia bọt cho vui”. Cả hai cùng cười xòa, làm khách cũng cười theo, nụ cười thân thiện làm sao.

 

3- Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Nhựt Hồ Minh Hoàng và Phan Thị Kim Mỹ, hai người hướng dẫn tôi đi tham quan xã nông thôn mới Tân Nhựt, không giấu niềm tự hào lẫn vui mừng giới thiệu đôi nét về địa phương của mình: “Xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh nằm về phía Tây - Tây Nam của ngoại thành TPHCM, cách trung tâm thành phố 15km. Là xã lớn nhất của huyện Bình Chánh, có diện tích tự nhiên 2.344,07ha, trong đó cánh đồng Tân Nhựt chiếm 1.913ha. Trên địa bàn xã có nhiều kênh rạch chằng chịt (31 con kênh, rạch lớn với tổng chiều dài 48,635km), phân bổ đều ở các ấp. Đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Dựa vào những đặc điểm thuận lợi đó, Tân Nhựt là một trong 12 xã, phường được UBNDTP chọn xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Và ngày 5-3-2010, Tân Nhựt tiếp tục được UBND TPHCM chọn là 1 trong 5 xã điểm của thành phố thực hiện thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBMTTQ VN xã Phan Thị Kim Mỹ nói như khoe: “Sau 3 năm thực hiện, đến nay Tân Nhựt đã đạt đầy đủ 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới mà UBNDTP đã ban hành. Trong đó phần xây dựng nhà ở dân cư cũng “đau đầu” lắm. Toàn xã có 6.640 nhà, trong đó có tới 300 căn nhà tạm bợ, có nhiều hộ xây dựng từ những năm 1975 với kết cấu tạm bợ, lại xây dựng gần bờ sông, nên tình trạng ngập xảy ra thường xuyên khi thủy triều lên cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Qua công tác tuyên truyền vận động với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, được bà con đồng tình hưởng ứng. Nhờ vậy mà người dân tự sửa chữa 218 căn nhà, còn lại 82 căn xã vận động kinh phí của các Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm, đơn vị hỗ trợ với tổng kinh phí 862 triệu đồng. Đúng như người xưa đã nói, có an cư mới lạc nghiệp. Sau khi cơ ngơi ổn định, giúp người dân an tâm đầu tư sản xuất, mạnh dạn thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, thoát nghèo, đời sống được nâng cao. Từ thu nhập đầu người bình quân là 12 triệu đồng/năm nay đã đạt 24 triệu đồng/người/năm. Có nhiều trường hợp thu nhập 100 - 200 triệu đồng/người/năm.

4- Dọc theo những đường đê là cánh đồng vàng ươm màu lúa chín, nào là máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy phóng đang nổ ầm ào, nhộn nhịp một góc cánh đồng Tân Nhựt vào mùa thu hoạch. Lão nông Nguyễn Văn On, ngụ tại ấp 1 Tân Nhựt, thong dong đi tới đi lui trên bờ đê, nhìn cảnh máy gặt đập liên hợp đang hoạt động, chưa đầy nửa ngày mà đã thu hoạch xong 5 công lúa. Cũng công việc này, nếu như phải gặt tay rồi dùng trâu đạp lúa, ít ra cũng gần cả chục ngày, lại dang nắng dầm mưa cực nhọc. Ông On ngồi lên bao lúa sau khi máy gặt đập liên hợp vừa thảy xuống, cười hả hê: “Làm nông dân thời nông thôn mới sướng vậy đó. Thời gian làm đồng để đầu tư thay đổi vật nuôi cây trồng theo sự hướng dẫn của mặt trận xã để sinh lợi, cải thiện đời sống, mỗi năm bỏ túi vài chục triệu đồng sống ngon cơm”.

Để có một xã nông thôn mới như Tân Nhựt hôm nay, tất nhiên đó là sự chung sức của nhiều người, nhưng phải nói, vai trò của công tác mặt trận đóng góp không nhỏ. Chính những người làm công tác mặt trận là nhịp cầu nối, giúp người dân nắm rõ chương trình, mục tiêu, nội dung các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đã tạo được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân, mới có chuyện bà con sẵn lòng hiến đất làm đường, làm thủy lợi, kể cả đóng góp nhiều công sức và tiền bạc.

Chủ tịch UBMTTQ VN xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh Hồ Minh Hoàng vui vẻ: “Cái quan trọng là làm sao để công tác mặt trận tạo thành sức bật, chung sức chung lòng cùng bà con đưa Tân Nhựt luôn vững vàng, xứng danh là nông thôn mới”.

Nguyễn Tường Lộc

Theo SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 172


Hôm nayHôm nay : 26790

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 977819

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72660528