Thực hiện bảo hiểm cây lúa theo quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Tĩnh chọn đã chọn 3 huyện đại diện cho 3 vùng, gồm: Hương Khê, Cẩm Xuyên, Đức Thọ để làm thí điểm. Đến nay, đã có trên 5.000 giấy yêu cầu bảo hiểm kiêm giấy uỷ quyền của 32 xã ký hợp đồng bảo hiểm cho diện tích sản xuất lúa 1.212 ha (Hương Khê: 299 ha; Cẩm Xuyên: 566 ha; Đức Thọ: 347 ha). Doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 2,1 tỷ đồng, trong đó đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ phí 1,9 tỷ đồng.
Qua quá trình triển khai thực hiện đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc, như: việc thực hiện bồi thường bảo hiểm chưa sát với mức độ thiệt hại của từng hộ dân nên khó khăn cho người dân thực hiện; mức phí bảo hiểm 5,08% là quá cao so với các tỉnh khác; người dân chưa có thói quen mua bảo hiểm; thu nhập của các hộ dân sản xuất nông nghiệp thấp, vì vậy, việc bỏ ra một khoản tiền đối với người dân là khó khăn.
Để giải quyết những khó khăn vướng mắc, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng như các địa phương thực hiện bảo hiểm có một số kiến nghị, đề xuất với Bộ Tài chính trong việc xác định năng suất bình quân, mức độ bồi thường thiệt hại; xem xét điều chỉnh giảm mức phí bảo hiểm trong các mùa vụ sắp tới nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận; hỗ trợ kinh phí thực hiện tuyên truyền…
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Xuân Hà ghi nhận kết quả bước đầu của Hà tĩnh trong việc triển khai thực hiện bảo hiểm cây lúa, đặc biệt công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền. Để thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bảo hiểm cây lúa cũng như chủ trương của Đảng và nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Thứ trưởng Trần Xuân đề nghị Hà Tĩnh trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn đến tận cán bộ, đảng viên và nhân dân; rà soát, thống kê chính xác diện tích, sản lượng, năng suất để có cơ sở đánh giá chính xác. Các sở, ngành liên quan rà soát lại quy trình kỹ thuật sản xuất lúa và có hướng dẫn theo quy trình; ban hành quy trình công bố, xác nhận thiên tai dịch bệnh.
Thanh Hoài
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn