Sáng 27/11 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đây được đánh giá là Hội nghị “Diên Hồng” về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. |
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 750 đại biểu đầu cầu Hà Nội, là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, các bộ, ban ngành, khách mời quốc tế, các tấm gương tiêu biểu, các nhà khoa học; lãnh đạo 63 tỉnh thành cả nước tại các đầu cầu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết 26 là Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất, cả hệ thống chính trị đồng tình ủng hộ.
Tại hội nghị, các đại biểu đều chung nhận định, Nghị quyết 26 về “tam nông” đã thực sự đi vào cuộc sống ở các địa phương, giúp nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, việc thực hiện Nghị quyết là cơ hội “vàng” cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Hà Tĩnh đã nghiên cứu và áp dụng thành công mô hình hiệu quả là “khu dân cư kiểu mẫu” và “vườn mẫu”. Hiện có gần 300 khu dân cư kiểu mẫu và gần 2.700 vườn mẫu, là vùng quê đáng sống, an lành, nâng cao vai trò tự chủ, tự quản trong nông thôn.
Trong thời gian tới, ông Lê Đình Sơn đề nghị: "Về vấn đề tích tụ và tập trung ruộng đất, vấn đề thách thức đang rất khó khăn ở nông thôn, nhưng cần thể chế hóa, cụ thể hóa trong Nghị quyết để thực hiện vấn đề này. Có tích tụ tập trung ruộng đất mới có cơ hội cho hợp tác xã, cho doanh nghiệp, có cơ hội cho khoa học công nghệ, và có cơ hội cho nguồn lực tín dụng hỗ trợ, từ đó có sản phẩm tốt để xuất khẩu".
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn, cần tổ chức sản xuất theo chuỗi để tạo ra giá trị gia tăng, trong đó, cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp và HTX, nhất là HTX kiểu mới, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, tính đến tháng 7/2018, cả nước mới có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước phải cùng với nông dân, sống trong lòng nông dân, để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn. |
Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, làm chuyển mình nền nông nghiệp và phát triển mạnh mẽ; làm thay đổi diện mạo nông thôn nước nhà theo hướng văn minh, giàu đẹp hơn. Vai trò chủ thể của người nông dân ngày càng được khẳng định, cùng đời sống của đại bộ phận người dân nông thôn được nâng lên.
Để thực hiện Nghị quyết, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động, trong đó nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện, từ việc xây dựng thể chế chính sách đến thường xuyên đôn đốc thực hiện.
Nêu lên kết quả của việc thực hiện Nghị quyết, Thủ tướng đánh giá, tổ chức sản xuất nông nghiệp đổi mới mạnh mẽ phù hợp hơn với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn và nâng cao tính cạnh tranh. Đặc biệt là hình thành các chuỗi giá trị từ chế biến, bảo quản đến bao tiêu sản phẩm. Cả nước đã triển khai hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới và đến nay đã có 42% số xã và 58 huyện đạt chuẩn. Đặc biệt, vai trò chủ thể của người dân nông thôn đã được phát huy với phương “châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại cần khắc phục trong quá trình triển khai Nghị quyết 26, như đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao với 48%, trong khi nhiều nước chỉ từ 2-6%; đóng góp của nông nghiệp cho GDP còn thấp.
Cả nước có 33 vạn km2 đất nông nghiệp, trong đó có 14 triệu ha rừng và đất rừng, nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn quá thấp.
Thủ tướng cũng chỉ ra thực tế là huy động vốn tín dụng vào nông nghiệp nông thôn vẫn hạn chế, chi phí vốn còn cao, còn ½ số hộ gia đình nông thôn không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng phi chính thức. Đây là nguyên nhân dẫn đến tín dụng đen, nhất là khu vực nông thôn và cũng chính là bài toán dành cho các tổ chức tín dụng.
Với việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất còn hạn chế, Thủ tướng cho rằng, điều đó khiến tỷ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp của nước ta chưa cao.
Qua các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân đã nêu ra các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, qua đó góp phần thực hiện Nghị quyết 26 về “tam nông”.
Về vấn đề tích tụ ruộng đất, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng cho biết, sản xuất nông nghiệp của nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún, trung bình mỗi hộ gia đình có 2,5 thửa đất. Chính vì vậy, dù ngay tại đồng bằng sông Cửu Long, lợi nhuận cho người nông dân là 30%, nhưng vì diện tích đất của mỗi hộ nhỏ, nên lợi nhuận thực còn thấp, và việc lấy công làm lãi vẫn là phổ biến.
Do đó, Thủ tướng cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu về vấn đề tích tụ ruộng đất sẽ xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013 một cách phù hợp.
"Tồn tại mà các đồng chí nêu, Thủ tướng và Ban chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khoá X tiếp thu, đó là Luật Đất đai 2013 có tác động tích cực, tuy nhiên chính sách giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp trở nên mạnh mún, quy mô nhỏ, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn. Quy mô trang trại của Việt Nam nhỏ nhất trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, hàng triệu mảnh ruộng, vườn khác nhau, khó có thể sản xuất lớn. Trong sản xuất lớn của Việt Nam thì đây là vấn đề cần nghiên cứu", Thủ tướng nêu thêm.
Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương của Đảng, Nhà nước là tiếp tục đẩy mạnh giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, coi đây nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trước hết là phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần được giải quyết đồng bộ gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục đổi mới tư duy trong nhận thức về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn để tạo những đột phá và thành quả to lớn hơn nữa trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước phải cùng với nông dân, sống trong lòng nông dân, để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp và nông thôn. Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Hội Nông dân Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, sự tham gia của người dân trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Kinh nghiệm chúng ta rút ra được trong 30 năm đổi mới và thực hiện Nghị quyết, đó là ở đâu cấp ủy Đảng và đặc biệt là người đứng đầu quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt, thì ở đó nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, diện mạo nông thôn mới khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Nhắc lại mục tiêu đưa nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và hội nhập sâu rộng của nông nghiệp Việt Nam.
Chính vì vậy, theo Thủ tướng, việc nhận diện thật rõ cơ hội và thách thức trong bối cảnh tình hình mới, để đề xuất các định hướng chiến lược là rất quan trọng. Điều đầu tiên là sớm khắc phục các tồn tại yếu kém trong phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay.
"Các đồng chí đều nói kỷ nguyên số của công nghiệp 4.0 sẽ được áp dụng mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp. Vấn đề viễn thám, máy bay không người lái, internet vạn vật, thanh toán điện tử mà chủ yếu thông qua điện thoại thông minh cần được các bộ, ngành, địa phương vận dụng", Thủ tướng phân tích thêm.
Thủ tướng cũng quán triệt việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp sạch là định hướng sản xuất quan trọng của nông nghiệp Việt Nam. Nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam không có doanh nghiệp, không có HTX thì không thành công, Thủ tướng chỉ đạo việc bổ sung cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp và HTX./.
Theo Vũ Dũng/vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn