Bí thư Đảng ủy xã Đinh Văn Hải còn nhớ, cách đây mấy năm, đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy về trao quà tết ở thôn Đông Mỹ buộc phải để xe ngoài đường rồi đi bộ hơn 1 km vì đường quá hẹp. Khi bắt đầu thực hiện nghị quyết “tam nông”, Sơn Hòa chỉ có 800m đường nhựa dự án; từ thôn này sang thôn khác chỉ đi được bằng xe máy, xe đạp chứ không như giờ.
“Đường trong thôn ngày trước chỉ rộng 1,5m, bụi cây um tùm, giờ mở rộng có nơi 6 - 8m; đường xã giờ đẹp hơn cả đường huyện. Từ chỗ các hộ có nhiều thửa đất, mỗi thửa dăm ba thước, giờ mở rộng thửa, làm đường cứng bờ vùng trông đẹp hơn. Vậy nên, con em đi xa lâu ngày, giờ về quê nhiều người bị lạc” – ông Đinh Văn Hải - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hòa (Hương Sơn, Hà Tĩnh) mở đầu câu chuyện về những đổi thay nhờ Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển tam nông.
Ông Thái Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Trung Mỹ kể: “Cách đây 9-10 năm, làng xóm nhếch nhác, đi trong thôn phải chui từ nhà này sang nhà khác chứ đường rất hẹp, tre pheo um tùm. Người ta nói, nhìn vào thôn xóm là biết đói nghèo, thật đúng. Nay nhờ đường rộng, người dân đầu tư nhà cửa khang trang, có cổng, tường rào thẳng tắp. Vừa rồi, mấy thanh niên làm ăn xa về quê bị lạc ngõ, có chị về vào đêm khuya bằng taxi phải gọi người nhà ra đầu làng đón”.
Không phải ngẫu nhiên, cán bộ xã, thôn đều kể về bộ mặt nông thôn Sơn Hòa với tâm trạng chung nếu trước đây họ không mang trong mình tâm lý: xã mình là xã nghèo, vùng trũng lụt. Những gì cán bộ, nhân dân Sơn Hòa làm được là cả sự vươn dậy lớn lao, được tiếp sức từ các chủ trương về “tam nông” của các cấp. Ông Thái Sơn - Bí thư Chi bộ thôn Trung Mỹ và ông Nguyễn Xuân Châu (74 tuổi, Đại tá về hưu ở thôn Bình Hòa) đều nhìn nhận sự đổi thay của quê hương là “kỳ tích”, nhất là việc đạt chuẩn NTM năm 2017. Cũng từ nhìn nhận này mà huyện đã chọn Sơn Hòa làm điểm hội nghị tổng kết nghị quyết.
Địa hình tựa con thuyền với 2 đầu là núi Tháp và núi Thiên Nhẫn, giữa là vùng trũng, Sơn Hòa đã tiếp cận rất tốt chủ trương cấp trên để phát triển dê, hươu, trâu bò ở vùng đồi, cánh đồng lúa và thương mại – dịch vụ ở vùng trũng. Có nằm mơ, người Sơn Hòa cũng không nghĩ rằng, quê mình lại có chợ trung tâm (chợ Gôi) thu hút người dân 18 - 20 xã từ Hương Sơn và cả ở Nghệ An, nhiều hộ kinh doanh hàng năm thu lợi hàng chục tỷ đồng như hộ anh Đức. Cũng không ai nghĩ, trên đất vùng trũng lụt lại mọc lên cơ sở liên kết sản xuất với người dân, đó là Công ty TNHH Thắm An thu mua mỗi ngày 20-30 tấn lạc cho người dân 14 xã; sơ chế, đóng gói sản phẩm lạc, đậu; chế biến tinh dầu lạc tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh, tham dự các hội chợ do UBND tỉnh tổ chức. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 31 triệu đồng, tăng 18 triệu đồng so với năm 2009.
Theo đúc kết của đảng ủy, xã có sự đổi thay là nhờ nhận thức của cán bộ, người dân về “tam nông”; cách thức nêu gương của đội ngũ hơn 230 đảng viên toàn xã. Sự thấm nhuần ấy thể hiện trong nhận thức của đảng viên. “Tôi cho rằng, nghị quyết “tam nông” ra đời đúng thời điểm. Khi đó, khủng hoảng kinh tế, giá cả leo thang nên bàn về “tam nông” là chuẩn. Từ huyện đến xã tổ chức học tập, tuyên truyền bằng nhiều cách nên người dân biết rõ, nhớ kỹ. Quan trọng hơn, người dân được hưởng một loạt chính sách như: Hỗ trợ tập huấn học nghề, ưu đãi lãi suất, hỗ trợ phát triển kinh tế; xã cũng ban hành một loạt chính sách hỗ trợ chuyển đổi ruộng đất, chăn nuôi, cải tạo vườn…” - ông Sơn khẳng định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn