Những năm qua, Thu Cúc là thôn điển hình của Thụy Hưng trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trưởng thôn Vũ Xuân Sứng khoe với chúng tôi: Khi chưa có chủ trương xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã tích cực góp công, góp của cứng hóa 100% đường làng ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang nhất nhì xã trị giá 400 triệu đồng.
Đến năm 2010, sau khi xã được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, nhân dân ai cũng phấn khởi coi đây là cơ hội để đổi thay cuộc sống. Chi bộ Đảng, chính quyền thôn dồn mọi nỗ lực chỉ đạo thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, mở rộng diện tích trồng cây màu, cây vụ đông, tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm nên đời sống người dân từng bước được cải thiện. Đến nay, thôn còn 3,9% hộ nghèo (thấp nhất xã). Từ năm ngoái, Thu Cúc tiếp tục vận động nhân dân bê tông hóa những ngõ xóm đã xuống cấp, kết quả đã làm được 2 ngõ, năm nay sẽ làm thêm 3 ngõ và phấn đấu đến hết năm 2014 sẽ cứng hoá 100% ngõ xóm theo tiêu chí nông thôn mới.
Chung niềm vui với ông Sứng, Chủ tịch UBND xã - Lại Huy Khôi chia sẻ: Lợi thế lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Thụy Hưng những năm qua là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân luôn đoàn kết một lòng vì mục tiêu “Đời sống sung túc, diện mạo sạch đẹp, thôn xóm văn minh, quản lý dân chủ”. Minh chứng rõ nhất là trong thời gian chưa đầy 6 tháng cuối năm 2011, xã đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, bình quân còn 1,53 thửa/hộ; vận động nhân dân góp công, góp đất đào đắp toàn bộ các tuyến giao thông, thủy lợi nội đồng với số tiền 1,94 tỷ đồng. Sau đó, địa phương tiếp tục huy động bà con đóng góp, kết hợp nguồn hỗ trợ của tỉnh, nguồn cấp bù thủy lợi phí, ngân sách xã đầu tư xây dựng 1.230 m kênh mương, 1.856 m đường giao thông nội đồng, 2 bãi xử lý rác thải, cải tạo chợ… với tổng vốn đầu tư 6,1 tỷ đồng đã phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và phục vụ đời sống dân sinh.
Xác định xây dựng nông thôn mới không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng nên thời gian qua Thụy Hưng đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, hàng năm HTX dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn xã viên sản xuất theo vùng đã quy hoạch, chấp hành tốt lịch thời vụ, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng cả về năng suất, hiệu quả, giá trị thu nhập. Vì vậy, Thụy Hưng luôn là xã có phong trào thâm canh lúa, trồng cây màu, cây vụ đông điển hình của Thái Thụy. Năm 2012, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 132,6 tạ/ha, tổng sản lượng thóc đạt 4.103 tấn, tăng 126 tấn so với năm 2011.
Ngoài cấy lúa, nông dân Thụy Hưng rất giỏi trồng màu, cây vụ đông cho giá trị kinh tế cao như dưa hấu, dưa hồng, dưa lê, bí và rau màu các loại…với diện tích trung bình hàng năm đạt từ 135 đến 150 ha. Trong đó, 30 ha chuyên màu luân canh từ 4 đến 5 vụ/năm cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/ha. Cùng với trồng trọt, Thụy Hưng cũng là một trong những xã dẫn đầu của Thái Thụy về phát triển chăn nuôi. Toàn xã có 76 ha đất cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang xây dựng mô hình VAC, hình thành 107 trang trại, gia trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao; tổng đàn gia súc đạt khoảng 29 nghìn con, đàn gia cầm khoảng 70 nghìn con.
Năm 2012, sản lượng trứng gia cầm xuất chuồng toàn xã đạt 4,8 triệu quả, sản lượng cá bán ra thị trường đạt 108 tấn. Một số trang trại chăn nuôi vài trăm đầu lợn, hàng ngàn gia cầm thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân Thụy Hưng cũng tranh thủ mọi thời gian nông nhàn làm nghề mây tre đan, móc sợi, thêu, sản xuất nhựa tái sinh. Khoảng 750 lao động của địa phương tích cực đi xây, làm mộc, làm cơ khí, xuất khẩu lao động… tạo nguồn thu nhập đáng kể. Toàn xã có 117 hộ kinh doanh buôn bán, 116 phương tiện gồm ô tô và máy cơ khí phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh. Nhờ sự cần cù, chịu khó luôn nỗ lực vươn lên nên hiện nay 90% lao động trong độ tuổi của xã có việc làm. Năm 2012, tổng giá trị sản xuất của Thụy Hưng đạt 109 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2011, thu nhập bình quân của người dân đạt 20,5 triệu đồng/ người.
Về Thụy Hưng hôm nay, vóc dáng nông thôn mới đã dần hiện hữu. 100% nhà văn hóa; thôn những năm trước được xã và nhân dân chung sức đầu tư xây dựng đến nay đã đạt chuẩn. Trường Mầm non, Trường Tiểu học và Trạm Y tế đã đạt chuẩn. Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, 97,6% nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Ngoài ra, bà con cũng tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường. Cả 5/5 thôn đều duy trì tốt tổ vệ sinh môi trường. Năm 2012, toàn xã có 86,5% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 9 khu dân cư đạt tiên tiến xuất sắc, 3/5 thôn đạt danh hiệu thôn làng văn hóa. Đảng bộ, chính quyền xã nhiều năm liền đạt danh hiệu TSVM.
Ông Khôi cho biết thêm: Hiện nay, Thụy Hưng còn 5 tiêu chí nữa phải thực hiện gồm: giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa và hộ nghèo… Xã đã xây dựng kế hoạch, đưa ra giải pháp huy động nguồn lực thực hiện từng tiêu chí theo hướng dễ làm trước, khó làm sau. Trước mắt, trong năm 2013 địa phương đã phân loại, tìm nguyên nhân đồng thời giao nhiệm vụ cho từng đoàn thể hỗ trợ hộ nghèo về giống, vốn, tập huấn KHKT, hướng dẫn cách làm kinh tế để đạt tiêu chí hộ nghèo.
Ngoài ra, Thụy Hưng sẽ huy động các nguồn vốn từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất bãi, đấu thầu bến bãi kinh doanh vật liệu và phà qua sông, tiết kiệm ngân sách xã, huy động nhân dân đóng góp kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, của huyện để xây dựng 15 phòng học Trường THCS, các tuyến kênh mương, giao thông, nhà văn hóa trung tâm…. Phấn đấu năm 2013 đạt thêm 2 tiêu chí là trường học, hộ nghèo và quyết tâm để hết năm 2014 sẽ về đích trong xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Nguyễn Hình ()