Từ những chuyến ra khơi được mùa…
Những đợt không khí lạnh liên tiếp tràn về, biển động khiến hầu hết các đội tàu đánh bắt xa bờ đều phải cập bến, chỉ có những đội tàu công suất nhỏ khai thác ở khu vực gần bờ vẫn duy trì được một số phiên biển. Tranh thủ lúc nhàn rỗi ngồi trò chuyện với bạn chài, tôi được nghe ngư dân Lê Thương Tiến (thôn Lâm Hoãn) tâm sự: “Đấy là do mấy hôm nay thời tiết không thuận lợi, chứ đầu năm đến nay, thuyền của tôi đã có 3 chuyến ra khơi, mỗi chuyến cũng thu được xấp xỉ 30 triệu đồng, chủ yếu là bắt được cá đục”.
\Những người bạn chài của anh Tiến còn cho biết thêm: Tết năm nay, nhờ thời tiết nắng ấm nên ngay từ mùng 2 tết, ngư dân ở đây đã đồng loạt ra khơi và thu về những mẻ cá nặng đầy khoang. Đặc biệt, nghề lộng cho thu nhập khá, hứa hẹn một năm đánh bắt được mùa. Vừa đưa tay chỉ trỏ, ngư dân Nguyễn Tiến Huy (thôn Xuân Nam) vừa hồ hởi: “Trong 4 ngày ra tết, có tàu của anh Hoàng, anh Sơn, anh Tiến (thôn Lâm Hoãn) đi nghề lộng, trừ chi phí nhiên liệu vẫn cho thu nhập hơn 200 triệu đồng”.
Bình minh trên chợ cá Cồn Gò - Cẩm Nhượng. Ảnh: Hương Thành |
Ngư dân Cẩm Nhượng lâu nay vẫn quen với nghề “đi mành” và “câu khơi” - những nghề đánh bắt ở tầm trung và tầm khơi, nhưng năm nay, nghề “đi lộng” lại cho tín hiệu vui hơn cả. Nghề lộng gần bờ, đi về trong ngày, lại không phải đầu tư tàu thuyền nhiều nên với những ngư phủ già đã chồn chân, mỏi gối sau nhiều năm “ăn sóng, ngậm gió”, với những đứa trẻ miền biển chập chững rẽ sóng mưu sinh, thì đây thực sự là “đất diễn” màu mỡ. Cũng nhờ “đi lộng”, từ đầu năm đến nay, toàn xã đánh bắt gần 60 tấn cá, hải sản các loại, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng, chủ yếu là các loại cá mú, cá đục, tôm, ghẹ, ốc…
Toàn xã Cẩm Nhượng hiện có 178 tàu thuyền các loại (trong đó có 8 thuyền công suất 60 CV) với hơn 900 lao động, sản lượng khai thác mỗi năm dao động từ 3.500 – 3.600 tấn. Từ khi có chính sách hỗ trợ cho ngư dân theo chương trình nông thôn mới của tỉnh, ngư dân Cẩm Nhượng như được tiếp thêm gió mới. Trong các đội tàu thuyền đánh cá, Cẩm Nhượng có 8 đội thuyền làm ăn khấm khá hơn cả. Riêng đội thuyền của anh Nguyễn Huy Hoàng - Tổ trưởng Tổ hợp tác đánh cá Thành Tâm (thôn Lâm Hoãn) có 2 tàu với 10 nhân công, doanh thu mỗi năm khoảng 1,3 tỷ đồng. Anh cho biết: “Cẩm Nhượng hiện có 17 tổ hợp tác đánh cá trên biển, mỗi tổ 5 – 6 tàu, được hỗ trợ 10 triệu đồng. Các tổ vừa giúp nhau phát triển kinh tế, vừa có nhiệm vụ phòng chống tai nạn, cứu hộ, cứu nạn. Mọi phương tiện về thông tin và các phương tiện bảo vệ đều được trang bị đầy đủ”.
Được biết, năm 2014 này, Cẩm Nhượng chủ trương thành lập 3 HTX đánh bắt xa bờ và đóng 2 tàu lớn có công suất trên 140 CV, trong đó xã hỗ trợ mỗi tàu khoảng 50 triệu đồng để khuyến khích nhân dân vay vốn sản xuất, huyện hỗ trợ mỗi tàu 1 giàn đèn trị giá 40 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng trong vòng 2 năm theo Quyết định 24/2011 của UBND tỉnh.
Đến các sản phẩm nức tiếng gần xa!
Dẫn chúng tôi đi thăm khu Cồn Gò, anh Nguyễn Sỹ Huyền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng tâm sự: “Tại khu Cồn Gò này, hàng năm có khoảng 800 tàu thuyền trên địa bàn và 300 – 500 tàu thuyền các tỉnh vào cập bến, giao thương buôn bán. Nhờ thế, các ngành nghề dịch vụ - thương mại ở đây cũng rất phát triển. Cẩm Nhượng nổi tiếng với nghề chế biến nước mắm và nướng cá thơm ngon”.
Sát cánh bên nhau. Ảnh: Trọng Tuệ |
Quả thật, nước mắm Nhượng Bạn ngon nổi tiếng và đã có thương hiệu từ xa xưa. Loại nước mắm ngon đặc biệt, dân địa phương hay gọi “nước mắm lù” trong cơ chế thị trường này vẫn không bị mai một. Khác với cách làm nước mắm của người dân Phan Thiết (Bình Thuận) hay Phú Quốc (Kiên Giang) là dùng tỷ lệ muối cao (2 - 3 kg muối/10 kg cá), nước mắm lù chỉ có 1 - 1,2 kg muối/10 kg cá. Thính để chế biến nước mắm làm bằng gạo lứt hoặc ngô đem rang chín vàng, hoặc cháy đen, giã nhỏ thành bột. Từ thương hiệu nước mắm Nhượng Bạn mà Ban tổ chức Hội chợ quốc tế đã tặng Huy chương vàng cho sản phẩm “Nước mắm bà Thắm - Nhượng Bạn”.
Ngoài nước mắm lù, Cẩm Nhượng còn có mắm chợp, mắm tôm và nghề nướng cá. Xưa kia, nướng cá ở Cẩm Nhượng cũng là một nghề, bởi kỹ thuật không hề đơn giản, mỗi nhà lại có bí quyết riêng. Cá nướng phải tươi, đòi hỏi kỹ thuật nướng cao và khéo tay, khâu nướng xem như quyết định chất lượng. Trước đây, cá cơm Cẩm Nhượng được nướng rồi kho trong niêu đất và đem ra chợ bán, nổi tiếng ngon nên dù giá cao hơn cá cơm các vùng khác nhưng vẫn rất đắt hàng. Nghề nướng cá ở Cẩm Nhượng cũng nổi tiếng như nghề làm nước mắm nhưng rất vất vả, phải thức khuya, dậy sớm, đòn gánh đè oằn vai nên đã mai một từ lâu.
Để đưa thương hiệu hải sản đi khắp mọi miền đất nước, năm 2013, xã Cẩm Nhượng đã thành lập “Làng nghề truyền thống đánh bắt - chế biến hải sản”. Theo đó, làng nghề có 2 cơ sở: Hiệp hội Làng nghề chế biến nước mắm Cẩm Nhượng và HTX Hải sản Thu Hùng. Năm 2013, HTX đã thu mua và chế biến trên 100 tấn hải sản: cá, mực, tôm, ruốc (mắm tôm) và nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, HTX đã thành công trong lĩnh vực chế biến nước mắm sạch với trên 11.000 lít, tiêu thụ khoảng 30 tấn cá các loại, doanh thu gần 800 triệu đồng, GQVL thường xuyên cho 12 lao động với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Niềm hân hoan khi ngư dân thắng lợi trong những chuyến ra khơi đầu năm, khi nghề chế biến nước mắm và hải sản đã lấy lại thương hiệu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Nguyễn Sỹ Huyền chia sẻ: “Để lấy lại ngôi vị đánh bắt, chế biến hải sản, về lâu dài, Cẩm Nhượng rất cần được đầu tư xây dựng cảng cá tại Cồn Gò. Trước mắt, nhằm tạo điều kiện cho tàu thuyền cập bến giao thương, xã trình UBND tỉnh tờ trình “Về việc khảo sát, thiết kế, nạo vét cửa lạch và xây dựng kè cánh hàn” và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn để thực hiện”.
PHAN TRÂM
theo: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn