Ông có thể sơ qua đôi nét mà Hà Tĩnh đã bứt phá thành công trong năm 2012? |
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự |
Hà Tĩnh từng là một tỉnh nghèo “nổi tiếng” cả nước. Thế nhưng, kể từ đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII (nhiệm kỳ 2010-2015) đến nay, được sự quan tâm của các Bộ, ngành TW, sự nổ lực của cả hệ thống chính trị, chúng tôi đã bứt phá vượt lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong khu vực: Thu ngân sách năm 2012 đạt trên 4.100 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 14%; đứng thứ 7 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); trong đó, nông, lâm, ngư nghiệp 3,8%; công nghiệp - xây dựng 20,4%; thương mại, dịch vụ 10,8%. GDP bình quân đầu người đạt 19,6 triệu đồng/năm. Đặc biệt, trong 2 năm triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM, Hà Tĩnh luôn được đánh giá là tỉnh đi đầu cả nước; bộ mặt nông thôn, đời sống dân sinh ngày càng được khởi sắc rõ rệt.
Yếu tố nào có được thành công trên, thưa ông? Để thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm trên, trước hết, công tác cán bộ luôn được đặt lên hàng đầu. Từ tỉnh, huyện, xã đến tận thôn xóm, người cán bộ phải luôn đầu tàu, gương mẫu; phẩm chất, đạo đức trong sáng, nói phải đi đôi với làm. Có như vậy nói mới lọt tai dân. Tiếp tục thực hiện phương án tinh giảm bộ máy hành chính các cấp.
Bước đột phá mà chúng tôi có được là tập trung mọi nguồn lực để thu hút các dự án đầu tư lớn vào các khu công nghiệp như KCN Vũng Áng, khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo; xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng... Đặc biệt, chú trọng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng bền vững để làm bà đỡ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng...
Ông có thể chia sẻ về những kinh nghiệm trong công cuộc Xây dựng NTM? Nói thực ra, xây dựng NTM đối với Hà Tĩnh ban đầu tưởng chừng như không thể làm nổi, bởi Hà Tĩnh chúng tôi là tỉnh nghèo, mọi cơ sở, vật chất hạ tầng, đời sống nông dân còn thấp nên việc xây dựng NTM đòi hỏi phải có nguồn tài chính đầu tư ban đầu. Trong lúc đó, thu ngân sách tỉnh chỉ đạt hơn ngàn tỷ đồng, thu không đủ chi. Vì thế, Nghị quyết HĐND tỉnh, UBND tỉnh đề ra phải tuyên truyền thấu tận đến mỗi người dân xây dựng NTM là xây dựng cuộc sống mới cho mình. Khi người dân đã thấu tận trách nhiệm, nghĩa vụ của mình thì mọi phong trào trở nên rầm rộ như phong trào hiến đất mở đường, đóng góp tiền của, công lao động… Đồng thời, kêu gọi các tổ chức xã hội, con em xa quê cùng chung sức xây dựng NTM, trở thành một cuộc cánh mạng toàn dân tham gia.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi luôn giao quyền tự chủ cho người dân bằng cách phân bổ nguồn vốn Trung ương, tỉnh hợp lý để họ tự bàn bạc, quyết định thực hiện tiêu chí nào trước, tiêu chí nào sau sao cho bền vững.
Có thể nói, đến nay, Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, trong đó 3 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí đề ra. Năm 2013 phấn đấu 13 xã hoàn thành 19 tiêu chí như kế hoạch đã định.
Bước sang năm mới 2013, Hà Tĩnh ưu tiên nguồn lực như thế nào cho công cuộc xây dựng NTM, thưa ông? Ngoài nguồn vốn TW ưu tiên cho Hà Tĩnh, chúng tôi tiếp tục tiết kiệm ngân sách đầu tư 105 tỷ đồng, phân bổ cho tất cả các địa phương nằm trong diện thực hiện chương trình xây dựng NTM. Trong đó, ưu tiên cho những xã về đích sớm nhất. Đồng thời, khuyến khích các địa phương nhân rộng các mô hình điển hình trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Dành một phần kinh phí cho công tác tuyên truyền như tập huấn, hội thảo nhân rộng mô hình kinh tế, sản xuất cánh đồng mẫu; đặt mua các ấn phẩm như báo NNVN cho các xã, thôn xây dựng NTM. Ngoài ra, năm nay Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tạo bước đột phá trong xây dựng NTM bằng cách đầu tư từ 30-50 nghìn tấn xi măng hỗ trợ 235 xã xây dựng giao thông, thuỷ lợi nội đồng phấn đấu đến 2014 toàn tỉnh hoàn thành tiêu chí giao thông, góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển bền vững trong khu vực.
Xin cảm ơn Chủ tịch! Chúc Hà Tĩnh năm mới Qúy Tỵ giành được nhiều thắng lợi mới hơn nữa.