Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Tiêu chí về môi trường còn thấp
Theo TS. Bùi Đức Hùng, Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ, quá trình sản xuất nông nghiệp từ trước đến nay ở khu vực hầu như chỉ tập trung vào mục tiêu gia tăng năng suất mà chưa quan tâm nhiều đến khía cạnh phát triển bền vững, nhất là những tác động xã hội và môi trường ở khu vực nông thôn; mối quan hệ giữa phát triển nông nghiệp, nông thôn và chất lượng cuộc sống chưa được chú trọng xử lý thoả đáng.
Kết quả đánh giá sau thời gian triển khai thực hiện xây dựng NTM cho thấy các tiêu chí về môi trường là một trong những nhóm tiêu chí khó triển khai thực hiện nhất. Việc triển khai các tiêu chí về môi trường thuộc Chương trình chỉ đạt 26,8%, so sánh với các nhóm tiêu chí khác thì nhóm này nằm trong nhóm 3 tiêu chí có tỉ lệ thấp nhất.
Cụ thể, năm 2015, tỉ lệ xã nông thôn đạt tiêu chí môi trường ở Bắc Trung Bộ chỉ đạt khoảng 22% và vùng duyên hải Nam Trung Bộ là khoảng 32%. Đây là một tỉ lệ khá thấp so với vùng khác trong cả nước khi mà ở Đông Nam Bộ đạt khoảng 65% và đồng bằng sông Hồng đạt 42%. Bắc Trung Bộ là vùng có tỉ lệ dân số được tiếp cận nước hợp vệ sinh thuộc vùng thấp nhất cả nước, trong khi đây là vùng có số hộ ở nông thôn cao thứ 4 cả nước.
Ngoài ra, các nhà khoa học đặc biệt lo ngại về nuôi trồng thủy sản - ngành thế mạnh của vùng - đang đứng trước những vấn đề nhức nhối tác động lớn lên thu nhập, đời sống nhân dân khu vực ven biển của vùng.
TS. Hoàng Văn Long, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, nhận định ngành nuôi trồng thủy sản của khu vực đang gặp phải những vấn đề về lạm dụng hóa chất vô cơ, thuốc kháng sinh, ô nhiễm môi trường; không có hệ thống xử lý trước và sau khi nuôi; dịch bệnh xảy ra mức độ ngày càng cao, tốc độ nhanh, không có khả năng xử lý kịp thời, gây nhiều thiệt hại về năng suất nuôi trồng thủy sản…
Mặc dù năng suất nuôi trồng thủy sản của vùng có cao hơn so với trung bình cả nước nhưng tỉ lệ rủi ro tồn tại trong mô hình nuôi trồng thủy sản tại khu vực rất cao, khó dự báo.
Làm đường NTM tại xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Minh Trang |
Xây dựng nông thôn sinh thái
Theo bà Nguyễn Hoàng Yến, Viện KHXH vùng Trung Bộ, công tác xã hội hoá nước sạch và vệ sinh môi trường đã được đề cập từ giai đoạn 1 của chương trình xây dựng NTM, nhưng quá trình chỉ đạo vẫn hạn chế, các công tác quản lý, vận hành của các cấp còn chồng chéo và kết quả thấp.
Để khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý, bà Yến cho rằng cần có chế tài xác định rõ trách nhiệm và phân công hợp lý nhiệm vụ quản lý và bảo vệ môi trường; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, cơ chế quản lý dựa vào cộng đồng để nhân dân giám sát có hiệu quả việc quản lý khai thác tài nguyên.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường, tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường. Chú trọng xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư ở khu vực nông thôn.
Để giảm thiểu rủi ro cho ngành nuôi trồng thủy sản, Th.s Phạm Quốc Trí, Viện KHXH vùng Trung Bộ, cho rằng chính quyền địa phương cần phải quy hoạch hệ thống thủy lợi, kênh cung cấp nước một cách hợp lý, gần với khu vực nuôi với nguồn nước an toàn, động viên các hộ nuôi trồng thủy sản dành 1-2 sào đất nuôi trồng để xây dựng hồ xử lý nước trước và sau khi nuôi trồng.
“Các cấp chính quyền cũng cần cân nhắc kỹ giữa lợi ích-chi phí và khả năng ứng dụng trước khi sử dụng ngân sách trước khi đầu tư cho các công trình thuỷ lợi”, ông Phạm Quốc Trí lưu ý.
Các chuyên gia cũng gợi mở những hướng phát triển mới, đó là nuôi trồng thủy sản theo vùng sinh thái. Ví dụ: Kết hợp nuôi tôm với cá rô phi, cá kèo, cá măng, cá đối, cua, đồng thời thả bèo hoa dâu với số lượng ít trên mặt nước để vừa tạo độ che phủ bóng mát cho tôm, vừa tạo môi trường cho các loài sinh vật phát triển với số lượng ít, cân bằng hệ sinh thái trong môi trường hồ nuôi.
Đây là mô hình nuôi trồng thủy sản dễ áp dụng để chuyển đổi các mô hình có sẵn trên thực tế hơn so với nuôi trồng theo hướng VietGap vì vốn đầu tư ít, chi phí thấp, dễ thực hiện và hiệu quả mang lại rất rõ, trong khi nuôi trồng theo hướng VietGap tốn kém nhiều chi phí, cơ sở nuôi trồng cần đạt nhiều tiêu chuẩn và máy móc hiện đại.
Theo Minh Trang/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn