Đẩy mạnh công tác truyền thanh cơ sở
Phát huy thế mạnh ở lĩnh vực này, những năm qua ở tỉnh Trà Vinh, các đài truyền thanh huyện, thành phố từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau đã tập trung đầu tư phát triển các trạm truyền thanh xã, thị trấn, nhất là mở rộng hệ thống các cụm loa truyền thanh không dây ở những ấp, khóm, khu có đông dân cư, vùng có đông đồng bào Khmer. Thiết bị này gồm một bộ đầu thu - phát sóng, có gắn loa và được kết nối sẵn với nguồn điện. Khi đài huyện phát sóng và kích hoạt, thì các cụm loa tự động nhận được tín hiệu và thực hiện chức năng phát lại như một chiếc ra-đi-ô. Cùng với các trạm truyền thanh ở xã, thị trấn, cộng thêm hệ thống loa này đã truyền tải thông tin do các đài phát thanh từ Trung ương đến địa phương xuống cơ sở một cách nhanh chóng và rộng khắp. Trưởng Đài truyền thanh huyện Tiểu Cần (huyện có hơn 30% số dân là người Khmer) Lê Hồng Quân cho biết: Đến thời điểm này, huyện đã lắp đặt được 110 cụm loa không dây và bố trí ở 89/89 ấp, khóm trong huyện (đạt 100%), mỗi ấp một cụm, cá biệt đối với một số ấp có đông dân cư hoặc có đông đồng bào dân tộc thiểu số được bố trí hai cụm/ấp.
Được biết, ngoài huyện Tiểu Cần, các huyện còn lại cũng đã đẩy mạnh việc lắp đặt hệ thống loa không dây. Ngoài việc mở rộng hệ thống trang thiết bị này, Trà Vinh còn triển khai thực hiện nhiều hoạt động khác để nâng cao tính hiệu quả của công tác tuyên truyền. Cụ thể, năm 2012, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trà Vinh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác truyền thanh cho các cán bộ phụ trách truyền thanh xã, thị trấn. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trà Vinh còn chỉ đạo cho 6/8 đài truyền thanh huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện phát lại một số chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam bằng hai thứ tiếng Kinh và Khmer; một số chuyên mục của Đài Phát thanh Trà Vinh... Nhìn chung, nội dung của các chương trình phát lại đã phản ánh được bức tranh sinh động trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở mọi miền đất nước, nhằm tuyên truyền phổ biến các vấn đề có liên quan đến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phát huy những nhân tố tích cực trong xã hội để nhân rộng ra trong cộng đồng, trong đó có phong trào xây dựng NTM.
Hiệu quả bước đầu...
Bí thư chi bộ ấp Xóm Chòi xã Tập Ngãi Đoàn Hùng Khôi (một trong hai xã điểm xây dựng NTM của huyện Tiểu Cần) bộc bạch, từ khi có cụm loa truyền thanh lắp đặt ở ấp, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân ở đây rất phấn khởi. Mỗi buổi sáng, vào lúc 5 giờ, khi đài truyền thanh huyện phát sóng thì cũng là lúc nhiều gia đình thức giấc để vừa nghe đài, vừa chuẩn bị cho một ngày mới trong việc đồng áng. Nhờ vậy, gia đình ông và bà con địa phương đã kịp thời nắm bắt được những thông tin thời sự bổ ích, nhất là những vấn đề có liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Cùng tâm trạng đó, anh Thạch Bô Pha ở ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (xã có hơn 60% số dân là người Khmer, xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Trà Vinh) nhận xét: Những cụm loa truyền thanh như thế này rất có hiệu quả. Vì nhờ đó, người dân ở vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng có đông đồng bào Khmer đều có thể nghe được đài ngày hai buổi sáng, chiều. Đến giờ đài phát sóng, dù có bận công việc gia đình hay chuyện đồng áng, bà con trong ấp cũng dễ dàng nghe được tin tức qua hệ thống loa. Đây là một kênh thông tin rất hiệu quả trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, các tiêu chí về xây dựng NTM nói riêng. Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Tiểu Cần Nguyễn Phương Ngàn cũng rất tâm đắc với việc mở rộng mạng lưới truyền thanh cơ sở, bởi tính hiệu quả tuyên truyền từ các cụm loa không dây. Vì vậy, trong sáu tháng cuối năm 2013, cũng là thời điểm "nước rút" để xã Phú Cần hoàn thành 19/19 tiêu chí về NTM theo sự chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện phê duyệt bổ sung nguồn kinh phí gần 30 triệu đồng để địa phương này mua sắm và lắp đặt thêm bảy cụm loa không dây trên địa bàn xã (trước đó Phú Cần đã có 8/8 ấp được lắp đặt cụm loa không dây) nhằm tăng thêm độ phủ sóng thông tin.
Nhờ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nói chung và qua hệ thống truyền thanh cơ sở nói riêng, nên nhìn chung đến nay phần lớn người dân đã hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng NTM, nhất là đối với các xã được chọn làm điểm. Nhiều hộ dân còn góp phần cùng với địa phương tham gia xây dựng NTM bằng cách hiến những phần đất của gia đình để xây dựng các công trình đi qua địa bàn.
Hiệu quả là vậy, tuy nhiên, theo Trưởng Đài truyền thanh huyện Tiểu Cần Lê Hồng Quân cho biết: Công tác truyền thanh cơ sở hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn. Do đặc thù của địa phương vùng nông thôn, địa bàn trải rộng, một số nơi dân cư sống không tập trung nhưng phần lớn mỗi ấp chỉ bố trí được một cụm loa nên độ phủ sóng chưa giáp tuyến. Nguồn kinh phí phân bổ cho các đài truyền thanh huyện còn hạn chế nên sự phát triển hệ thống loa không dây còn chậm so với yêu cầu. Ngoài ra, cán bộ làm công tác truyền thanh cơ sở ở một số nơi còn thiếu, hoặc kiêm nhiệm nhiều việc, phải thường xuyên luân chuyển và thay đổi nên chưa có nhiều kinh nghiệm; một số xã, thị trấn còn chưa quan tâm nhiều trong công tác chỉ đạo, kiểm tra thực hiện ở lĩnh vực này nên việc vận hành, quản lý thiết bị thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng hư hỏng chưa được phát hiện và sửa chữa kịp thời, hiệu quả mang lại chưa như mong muốn.
Có thể nói, lợi thế của hệ thống truyền thanh cơ sở là tiện ích, vì vậy, mặc dù trong thời buổi bùng nổ, "cạnh tranh" của các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay, nhưng vị trí, vai trò của truyền thanh cơ sở là không thể thiếu trong công tác thông tin tuyên truyền. Việc đẩy mạnh công tác đưa thông tin về cơ sở đã làm tăng thêm tính hiệu quả và "độ phủ sóng" cho công tác tuyên truyền đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.