Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, UBND tỉnh Tuyên Quang đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2010-2020, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; thành lập văn phòng điều phối chương trình, gồm 25 thành viên là chuyên viên các sở, ban, ngành liên quan. Các huyện, thành phố cũng thành lập Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực điều phối giúp việc cho Ban chỉ đạo cấp huyện. Ở các xã, thành lập ban chỉ đạo xã, ban quản lý XDNTM cấp xã và thành lập ban phát triển thôn bản. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo Sở Xây dựng cùng các ban ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát quy hoạch hiện có và triển khai công tác lập quy hoạch XDNTM cho 129 xã trên địa bàn; tham mưu lựa chọn 7 xã để triển khai làm điểm. Tính đến hết tháng 7/2012, 100% số xã đã được phê duyệt đề án. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ biên soạn, phát hành tài liệu với 49 câu hỏi và đáp về XDNTM, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành tài liệu này đến các cấp, ngành nhằm thực hiện tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; thường xuyên phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang xây dựng các nội dung thiết thực, cụ thể về chương trình XDNTM nhằm phổ biến đến nhân dân. Trên cơ sở các tài liệu hướng dẫn của Trung ương, Văn phòng điều phối tỉnh đã biên soạn bộ tài liệu chung để tập huấn ở địa phương. Đến nay, tỉnh đã tổ chức được 138 lớp tập huấn với 12.320 học viên tham gia, trong đó cán bộ cấp tỉnh là 120 người, cấp huyện 140 người và cấp xã, thôn bản 12.060 người. Là một trong những xã điểm của tỉnh, sau hơn 1 năm triển khai chương trình XDNTM, đến nay An Khang (TP. Tuyên Quang) đã đạt 8/19 tiêu chí. Ông Phan Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tuy mới bắt tay vào thực hiện XDNTM nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời của chính quyền các cấp, cùng sự nỗ lực không ngừng của toàn thể nhân dân, đến nay, chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Trong đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến gần 3.000m2 đất để mở đường, đóng góp hơn 100 triệu đồng làm đường bê-tông, nhờ đó, xã đã làm được 40km đường giao thông nông thôn. An Khang phấn đấu từ nay đến cuối năm đạt 12/19 tiêu chí”. Theo thống kê, trong năm 2011, năm đầu thực hiện đề án bê-tông hóa đường giao thông nông thôn, toàn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện được 664,84km đường bê-tông, vượt 21,3% kế hoạch. Năm 2012, các huyện đăng ký làm 470km đường bê-tông, nhưng chỉ trong 5 tháng đầu năm đã thực hiện được 264,8km. Như vậy, chỉ trong gần một năm rưỡi thực hiện, tỉnh đã bê-tông hóa được 929km đường, bằng 42,57% kế hoạch. Điều đáng mừng là trong quá trình bê-tông hóa đường giao thông nông thôn, Tuyên Quang đã huy động được sự tham gia của cả cộng đồng, từ việc tuyên truyền chủ trương đến triển khai thực hiện. Do vậy, ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, nhân dân địa phương đã đóng góp hơn 200 tỷ đồng bằng công lao động, vật liệu, tiền mặt… Đây là nguồn lực rất lớn để xây dựng hạ tầng giao thông. Điều đáng học tập ở đây là trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, tỉnh đã phân cấp triệt để cho UBND cấp xã phê duyệt dự toán, quyết toán; mọi thủ tục được tiến hành nhanh, gọn, công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Ngay sau khi công trình hoàn thành, mọi khoản chi, đóng góp cũng được công khai một cách chi tiết. Chính điều này đã làm tăng niềm tin và sự đồng thuận của dân, đồng thời còn khơi dậy được sức dân, vì thế mà có tới 73 xã, thị trấn vượt chỉ tiêu kế hoạch làm đường. Tuy nhiên, với những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đa phần các hộ dân có mức thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao thì việc đóng góp rất hạn chế, do đó, Tuyên Quang rất cần sự quan tâm hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng của Nhà nước. Hoàng Văn Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn