02:48 EST Thứ hai, 23/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Vai trò cấp ủy Đảng trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Thứ hai - 08/04/2013 20:14
Triển khai thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội "Về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân" bước đầu tạo chuyển biến trên mọi mặt đời sống nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội.

Đổi thay trên quê hương Song Phượng (Đan Phượng, Hà Nội) sau hơn ba năm thực hiện phong trào toàn dân xây dựng nông thôn
Triển khai thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội "Về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân" bước đầu tạo chuyển biến trên mọi mặt đời sống nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội.

 

Thực tiễn cho thấy, địa phương nào có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, có cách làm sáng tạo; cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiền phong gương mẫu, thì ở đó, phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu.

Chọn hướng đi phù hợp

Có dịp tham quan những cánh đồng mẫu lớn, mô hình trang trại tại các xã nông thôn mới (NTM) Đại Thắng (huyện Phú Xuyên), Liên Mạc (huyện Mê Linh), Minh Trí (huyện Sóc Sơn)..., tận mắt chứng kiến các khâu làm đất, gieo cấy đều được thực hiện bằng máy, người nông dân vào vụ cấy không còn cực nhọc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", chúng tôi cảm nhận ý nghĩa tích cực của công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Phó Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hùng Vỹ cho biết, triển khai Chương trình 02, Huyện ủy chỉ đạo xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp đặc điểm, tình hình kinh tế-xã hội của địa phương; mỗi năm chọn một khâu đột phá. Năm 2012, huyện tập trung công tác DĐĐT, làm tiền đề cho năm 2013 triển khai các chương trình áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng quy ước NTM... lấy xã Đại Thắng làm điểm, để nhân rộng mô hình. Đại Thắng được chọn bởi sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt của cấp ủy trong công tác DĐĐT đã giúp địa phương này đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí còn lại, nhất là về công tác quy hoạch sử dụng đất. Sau khi hoàn thành dồn ruộng, từ chỗ mỗi hộ có bảy, tám thửa, thậm chí là 11 thửa ruộng, nay chỉ còn một, hai thửa. Thành công này tạo động lực để xã thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Vụ xuân 2013 là vụ thứ ba Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng đưa sáu máy làm đất, tám máy cấy vào phục vụ sản xuất, bảo đảm hơn 30% diện tích gieo cấy toàn xã, dự kiến vụ sau sẽ đạt hơn 50% diện tích. Khi bắt tay xây dựng NTM, xã chỉ có một tiêu chí đạt yêu cầu, sau hai năm thực hiện, Đại Thắng đã đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí.

Lĩnh vực mà Đảng ủy xã Liên Mạc chỉ đạo trong công tác xây dựng NTM hai năm qua là tập trung đầu tư xây dựng hệ thống trường học và công tác DĐĐT. Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Mịch lý giải, người dân Liên Mạc vốn năng động, chịu khó, ngoài việc đồng áng còn tranh thủ chạy chợ, do đó cần đầu tư cho con em có chỗ học tập tốt, để bố mẹ yên tâm làm ăn. Với số tiền hơn 6,8 tỷ đồng, Liên Mạc đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đến nay cả năm trường học trên địa bàn xã, từ mầm non đến THCS đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Sự khởi đầu này đã góp phần khai thông nhận thức của nhân dân, rằng thành quả xây dựng NTM là hướng tới quyền lợi của chính nhân dân. Việc huy động các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng NTM cũng nhờ đó mà thuận lợi hơn. Bà Lê Thị Năm ở khu 10 thôn Bồng Mạc phấn khởi nói: "Thực hiện NTM người dân được hưởng lợi nhiều, nhất là sau DĐĐT, việc làm nông đỡ cực nhọc hơn, thời gian làm nông rút ngắn một nửa". Hơn bốn tháng triển khai, Liên Mạc đã dồn đổi 400 ha, vượt kế hoạch hơn 20 ha. Khoảng 100 ha trước đây chỉ cấy một vụ, sau khi dồn ghép, nhờ hệ thống tưới tiêu tốt đã thành đất hai vụ lúa. Sau DĐĐT, diện tích đất dôi dư cộng với hơn 4,4 ha do người dân tự nguyện hiến, được sử dụng mở rộng giao thông, kênh mương nội đồng, sân vận động và ba khu tập kết rác thải. Điều quan trọng nhất là việc thay đổi tập quán canh tác đã giải phóng phần lớn sức lao động, người dân có thêm thời gian để làm việc phụ, góp phần tăng thu nhập của người dân Liên Mạc từ 13,6 triệu đồng/người/năm (2010) lên 26 triệu đồng/người/năm (2012), trở thành một trong những xã có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Hà Nội.

Với địa hình bán sơn địa, đất đồi gò chiếm đến 80% tổng diện tích đất tự nhiên, cơ cấu nông nghiệp chỉ khoảng 30%, người dân chủ yếu sống bằng nghề dịch vụ và làm ăn xa, Đảng ủy xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) lại chọn việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thôn xóm, cải tạo môi trường và xây dựng đời sống văn hóa làm bước đột phá. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Sơn Đông là xã dẫn đầu phong trào thu gom rác thải của thị xã, có tổ thu gom với 20 xe và 35 công nhân. Người dân đổ rác theo giờ và đúng nơi quy định. Dẫn chúng tôi tham quan quanh làng, Bí thư chi bộ thôn Đại Quang Phùng Văn Thành cho biết, chỉ trong khoảng 14 ngày ngay trước Tết Quý Tỵ, thôn đã hoàn thành hơn 1,2 km cho 15 ngõ xóm. Thành quả trong xây dựng NTM như luồng gió thay đổi thói quen, lối tư duy cũ, tạo bước chuyển đáng kể thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đảng ủy xã đã ban hành các quy định cụ thể cùng các chế tài xử phạt nếu vi phạm. Gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành. Tổ chức tiệc trà trong lễ cưới, không ăn cỗ trong đám ma đã trở thành nếp sinh hoạt thường ngày ở Sơn Đông.

Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu

Sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện và vận động người thân, gia đình thực hiện chương trình NTM đã góp phần thúc đẩy phong trào. Trong câu chuyện về DĐĐT ở Liên Mạc, đồng chí Nguyễn Văn Chăm, Phó Chủ tịch UBND xã nhớ lại, công tác vận động nhân dân DĐĐT ban đầu rất khó khăn, nhiều ý kiến trái chiều. Đảng ủy xã chỉ đạo phải bắt đầu từ việc làm tốt công tác tư tưởng cho các đảng viên trong chi bộ. 11 chi bộ nông thôn tổ chức quán triệt, tới khi nào tất cả đảng viên thông suốt mới triển khai họp dân. Các gia đình có đảng viên khi bắt thăm chia ruộng đều nhường cho bà con gắp phiếu trước.

Câu chuyện đảng viên Nguyễn Văn Tiến, đội trưởng đội sản xuất thôn An Mỹ (xã Đại Thắng) tự nguyện nhận khu đất xấu ở gần nghĩa trang, vẫn được người dân nhắc đến như tấm gương "đảng viên đi trước". Sau khi nhận đất, anh Tiến đầu tư nhiều tiền của, công sức, cải tạo khu đất thành trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Hiện, trang trại của anh Tiến là một trong những điển hình trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người đến học tập và nhân rộng. Hay như ở xã Văn Hoàng (huyện Phú Xuyên), bản thân đồng chí Chủ tịch UBND xã đã thuyết phục gia đình nhận tám sào đất thùng, vũng, đầu tư hơn 10 triệu đồng san lấp để cấy lúa...

Theo đồng chí Nguyễn Long Giang, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông, xây dựng NTM là công việc vừa mới, vừa khó. Việc thay đổi thói quen làm ăn, sinh hoạt, lối tư duy cũ của người dân cần sự nhận thức đầy đủ và kiên trì thực hiện. Nhưng muốn người dân làm theo, trước hết cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước, có khi phải vượt qua nhiều sức ép, áp lực dòng họ, cộng đồng. Phong trào thực hiện việc cưới, việc tang văn minh ở địa phương đã xuất hiện những nhân tố tiêu biểu như đồng chí Bí thư Chi bộ đồng thời là trưởng thôn Đậu, khi có người thân mất, đã trực tiếp cùng ban lễ tang của xã đến nhà, vận động gia đình mai táng người thân ở khu nghĩa trang đã quy hoạch mà không đưa ra đồng như phong tục cũ. Hay đảng viên trẻ Đào Xuân Trường, sinh năm 1980, Bí thư Chi bộ thôn Chợ đã tổ chức lễ cưới của mình theo nếp sống mới... Họ thật sự là những tấm gương tiền phong, gương mẫu góp phần khơi dậy và thúc đẩy phong trào.

Những kinh nghiệm và hướng đi

Từ thực tiễn quá trình xây dựng NTM ở Hà Nội cho thấy đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự thành, bại của phong trào. Địa phương nào có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý, cách làm sáng tạo, sẽ đạt hiệu quả cao. Thực tiễn ở xã Văn Hoàng là một minh chứng. Trước thời điểm 2012, Huyện ủy Phú Xuyên nhận định, Văn Hoàng là một Đảng bộ yếu, do trình độ, năng lực của một số cán bộ chủ chốt hạn chế, tác phong làm việc luộm thuộm, thiếu khoa học. Điển hình là việc cán bộ UBND xã để tồn đọng 1.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhiều năm, không cấp cho các hộ dân. Mạnh dạn đổi mới công tác cán bộ, tháng 6-2012, Huyện ủy luân chuyển đồng chí Chánh Văn phòng UBND huyện về làm Bí thư Đảng ủy xã. Nhận nhiệm vụ mới với quyết tâm vực dậy phong trào, đồng chí bí thư chủ động bàn bạc với đội ngũ cán bộ tại chỗ rà soát, bổ sung quy chế làm việc; chấn chỉnh, sắp xếp lại đội ngũ; khắc phục các việc tồn đọng; lãnh đạo, chỉ đạo bằng các nghị quyết chuyên đề... Đội ngũ cán bộ được kiện toàn, Đảng ủy đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phong trào xây dựng NTM, đưa Văn Hoàng trở thành một trong những xã dẫn đầu huyện về công tác DĐĐT và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ xã được công nhận trong sạch, vững mạnh năm 2012.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm của huyện Mê Linh, Bí thư Huyện ủy Lưu Tiến Long cho rằng, trước hết, cần tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về NTM. Quá trình thực hiện cần làm rõ vai trò chủ thể của người dân. Mọi việc cần được trao đổi, thảo luận dân chủ; lắng nghe và kịp thời giải đáp hợp tình, hợp lý những thắc mắc, kiến nghị của nhân dân. Nếu người dân chưa đồng thuận thì chưa làm. Đồng chí lấy thí dụ, để hoàn thành công tác DĐĐT ở Liên Mạc, cấp ủy và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã đã tổ chức 113 cuộc họp với nhân dân. Cấp ủy các cấp đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm đổi mới cách tiếp cận nội dung NTM như tổ chức hội thảo "Vai trò của phụ nữ trong xây dựng NTM"; biên soạn nội dung dạy và học về xây dựng NTM trong nhà trường; phát động xây dựng mô hình chi đoàn NTM... giúp người dân nhận thức, xây dựng NTM là một chủ trương lớn, đem lại lợi ích cho chính họ, để từ đó, mỗi cá nhân, hộ gia đình tự nguyện hưởng ứng phong trào bằng những việc làm cụ thể.

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu trong phong trào xây dựng NTM, tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng bộc lộ một số bất cập cần sự chỉ đạo tháo gỡ của cấp ủy các cấp. Trước hết là khó khăn về kinh phí. Tại một số địa phương, việc đầu tư nhiều công trình trong chương trình xây dựng NTM chủ yếu phụ thuộc vào việc đấu giá đất xen kẹt. Tuy nhiên, thời gian qua, do biến động của thị trường bất động sản, việc đấu giá hầu như không hiệu quả, trong khi cấp ủy một số nơi thiếu năng động, còn tâm lý ỷ lại, trông chờ nguồn ngân sách cấp trên, cho nên không chỉ các tiêu chí về hạ tầng nông nghiệp, nông thôn không đạt mà các tiêu chí khác cũng khó thực hiện. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản hàng hóa chưa được các cấp ủy quan tâm đúng mức, chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thật sự điển hình để nhân rộng... Một số tiêu chí như tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động làm nông nghiệp... ở một số địa phương tuy được đánh giá là đạt, nhưng chưa thực chất và không bền vững. Thực tế này cho thấy cần thay đổi phương thức đào tạo nghề cho nông dân, gắn với nhu cầu sử dụng của từng địa phương, nâng cao khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 cho biết, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo đã ra các thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, với nhiều giải pháp cụ thể, trong đó nhất trí với đề nghị bổ sung có mục tiêu cho các huyện, thị xã thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, theo nguyên tắc: ưu tiên cho DĐĐT, giao thông, thủy lợi nội đồng, sau đó mới đến giao thông thôn xóm. Các xã hoàn thành khối lượng công việc năm 2012, đủ điều kiện triển khai thực hiện trong năm 2013 và các xã tích cực triển khai các khâu trong NTM được thành phố ưu tiên tạm ứng kinh phí.

Định hướng chỉ đạo đã rõ với quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, hy vọng thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội sẽ đạt mục tiêu mà Chương trình 02 đã đề ra, xây dựng khu vực nông thôn của Thủ đô thành vùng ngoại thành trù phú, có nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống người dân ngày một thu hẹp khoảng cách với khu vực nội thành.

 

KIỀU HƯƠNG và TIỂU PHƯƠNG
Theo hanoimoi.com.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 289


Hôm nayHôm nay : 28973

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 980002

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72662711