Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pha Long (Mường Khương) giúp người dân đổ bê tông
 đường giao thông nông thôn (Nguồn: baolaocai.vn)
 
Đến nay, chúng ta không thể phủ nhận kết quả tích cực của quá trình xây dựng NTM tại nhiều miền quê trên cả nước. Đây thực sự là một phong trào cách mạng sâu rộng, huy động được sự tham gia của toàn dân, chăm lo lợi ích thiết thực, nhiều mặt cho người nông dân.Từ quá trình xây dựng NTM đã tạo ra những “điểm sáng”, những “mô hình” và những vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung gắn với quá trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và các thiết chế văn hóa, giáo dục… Những thành quả này đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, hình thành nên một không gian sống, lao động sản xuất và hưởng thụ vật chất văn hóa, tinh thần tốt hơn cho người dân. Nhiều vùng quê đói nghèo đang dần khởi sắc, cơ sở hạ tầng được xây dựng, sửa sang nhất là đường giao thông được cứng hóa, bê tông hóa… Đó là những thay đổi rất đáng mừng.

 

Song, đó mới là kết quả bước đầu, vấn đề xây dựng NTM còn nhiều “điểm nghẽn” cũ và thách thức mới cần nỗ lực mới để vượt qua. Chúng tôi đã có cơ hội về xã Hợp Thành, Thành phố Lào Cai - một địa phương về đích NTM từ năm 2014, sớm hơn kế hoạch 1 năm của tỉnh Lào Cai. Nhưng cho đến thời điểm này, khi đến với Hợp Thành, không khó để nhận ra một bức tranh toàn diện về những gì mà một xã NTM đang phải đối mặt. Đó là đường sá đi lại của người dân vẫn chưa hết khó khăn, nghèo khó vẫn cứ tái diễn do bệnh tật, thiếu sức lao động hoặc chưa có phương án làm ăn; điện sinh hoạt vẫn chập chờn. Cùng với đó là tình trạng những tiêu chí NTM hoàn thành với chất lượng đạt ở mức tối thiểu vẫn có nguy cơ “hụt hơi”... Vì vậy, sau khi đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM, cán bộ và nhân dân xã Hợp Thành vẫn đã và đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để các danh hiệu được công nhận bền vững hơn. Tương tự như Hợp Thành, nhiều xã hoàn thành xây dựng NTM cũng đang phải nỗ lực rất nhiều sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

Đó là chưa nói đến tình trạng các địa phương “chạy theo thành tích”, “vung tay quá trán” tiền ngân sách, huy động quá mức sức dân đầu tư công trình để “sớm về đích NTM” đang diễn ra tại khá nhiều địa phương trên cả nước. Điều này đã được báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2010 - 2015 nêu rõ: Một số địa phương chạy theo thành tích nên có biểu hiện huy động quá sức dân, hoặc nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng trả, hoặc khi đánh giá chất lượng tiêu chí còn xuê xoa.

Đánh giá này không phải không có cơ sở khi theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành phố có báo cáo đã khoảng 8.600 tỷ đồng. Còn báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” cho thấy có tình trạng nợ đọng lớn, chạy theo thành tích. Vẫn theo đánh giá của đoàn giám sát, “một số địa phương áp dụng máy móc bộ tiêu chí không sát với yêu cầu thực tế gây lãng phí: chợ, nhà văn hóa, trạm y tế, đường giao thông nội đồng. Một số xã lựa chọn các nội dung chưa xác thực, chưa chú trọng các công trình người dân được hưởng lợi trực tiếp mà tập trung thực hiện cải tạo, nâng cấp các công trình phụ trợ: cổng, hàng rào, nhà vệ sinh, sân của trường học, trạm y tế... vì vậy huy động nhân dân tham gia còn hạn chế”.

Chưa hết, chắc chắn dư luận xã hội vẫn chưa thể quên chuyện các ông nguyên bí thư, chủ tịch UBND huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho huyện vay xây dựng NTM kiếm lãi hàng trăm triệu đồng. Hậu quả là huyện điểm về xây dựng NTM trở thành “con nợ chúa chổm”….

Đây là những góc khuất vẫn đang tồn tại trong công cuộc xây dựng NTM. Và đó là lý do vì sao Hợp Thành cũng như nhiều địa phương khác đã được báo chí phản ánh dù đã chạm tới con số 19/19 tiêu chí vẫn đang phải đặt ra yêu cầu “làm mới NTM” từ tư duy, cách làm nghiêm túc và thực chất hơn.

Có thể nói, xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững là hai chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội chọn để tập trung thực hiện cho giai đoạn 5 năm tới (2016 - 2020) thay cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia dàn trải trên nhiều lĩnh vực trước đây. Và việc Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động mới “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với giảm nghèo bền vững trong thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng vì mục đích cuối cùng cũng không nằm ngoài mong mỏi ấy.

Nông thôn mới và đô thị văn minh là nơi mà mỗi cá nhân muốn vươn lên, tự khẳng định mình, tạo dựng chân giá trị của chính bản thân mình trong cộng đồng, trong cuộc sống. Cùng với sự giúp sức, hỗ trợ của cộng đồng và các công nghệ hiện đại họ sẽ tạo dựng nên một NTM, đô thị văn minh ngày càng giàu đẹp. Và trên hết là đời sống của người dân, môi trường nông thôn ngày càng văn minh, đáng sống và phát triển bền vững, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Việt.

Vì vậy, phải khắc phục, tháo gỡ cho bằng được những cách làm còn hình thức, mang tính phong trào trong xây dựng NTM. Muốn vậy, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho sát hợp với thực tế. Phải kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm trong cán bộ, đảng viên để xây dựng lòng tin trong nhân dân.

Có thể nói, đích đến của NTM hay đô thị văn minh vẫn còn ở tương lai nên hơn bao giờ hết cần có được những cách nghĩ, cách làm mới trong xây dựng NTM và đô thị văn minh từ những con người cụ thể, cá nhân cụ thể, mà trong đó rất cần sự vai trò tiên phong, đi trước, dẫn đầu của đội ngũ cán bộ đảng viên./. 

Theo Thu Hà/dangcongsan.vn