Tam Phúc là xã đầu tiên của Vĩnh Phúc hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đến thời điểm này, Vĩnh Tường có 3 xã điểm: Tam Phúc, Thượng Trưng, Ngũ Kiên đã đạt 19 tiêu chí; trong đó, Tam Phúc là xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong 3 năm (2011 - 2013), các xã điểm của huyện Vĩnh Tường tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng số vốn 597,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách của tỉnh gần hơn 63 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 130 tỷ đồng; vốn đầu tư của nhân dân trên 300 tỷ đồng; vốn tín dụng gần 71 tỷ đồng,..
Cùng với công tác huy động vốn đầu tư, các xã làm điểm đã làm tốt công tác xã hội hóa huy động, đầu tư kinh phí xây dựng nông thôn mới. Các xã đã vận động nhân dân và con em quê hương đi công tác, làm việc ở bên ngoài đóng góp, hiến tặng hơn 40.730m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nội đồng và xây dựng nhà văn hóa thôn; đóng góp, ủng hộ hơn 1,839 tỷ đồng để xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn.
Như nhân dân xã Thượng Trưng đã hiến tặng hơn 24.000m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn và đóng góp 210 triệu đồng mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa; xã Tam Phúc hiến tặng 3.030m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nội đồng, đóng góp 610 triệu đồng mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn và trạm y tế; xã Ngũ Kiên hiến 14.662m2 đất nông nghiệp mở rộng đường giao thông nội đồng và đóng góp trên 1 tỷ đồng xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn. Tất cả các nguồn vốn trên đều được quản lý và sử dụng vào các công trình xây dựng cơ bản đảm bảo dân chủ, công khai và đúng mục đích.
Để đạt được những kết quả đó, công tác chỉ đạo, điều hành của huyện Vĩnh Tường được tiến hành một cách sâu sát, quyết liệt, trong đó sự phân công trách nhiệm cho mỗi cấp ủy viên, đoàn thể chịu trách nhiệm về một tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng công tác tuyên truyền để toàn thể nhân dân, cán bộ và đảng viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa về chương trình xây dựng nông thôn mới. Đây là chương trình phát triển kinh tế xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài với mục tiêu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong đó, chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới là nhân dân, huy động nội lực từ xã hội hóa là chính với một phần hỗ trợ của nhà nước.
Tiếp đó là công tác huy động các nguồn vốn đầu tư. Đầu tư xây dựng nông thôn mới đòi hỏi nguồn vốn và đất đai lớn, do đó tùy thuộc vào điều kiện mỗi địa phương có cách làm sáng tạo, phù hợp. Việc đóng góp vào các công trình phải được bàn bạc dân chủ và thống nhất và có sự giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch.
Công tác lựa chọn cán bộ có năng lực, tâm huyết vào những vị trí chuyên trách. Thực tiễn cho thấy, địa phương nào có cán bộ chủ chốt, thông hiểu, trách nhiệm, tâm huyết được tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức cơ bản thì công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao.
Cuối cùng là tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Qua đó, rút ra được những kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho những năm tiếp theo.
Tam Phúc là xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, khởi sắc từng ngày. Bà Trần Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để có được kết quả đó, ban chỉ đạo xã lấy công tác tuyên truyền, vẫn động làm khâu đột phá. Qua đó, nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, đồng thuận và nỗ lực xây dựng nông thôn mới.
Tổng nguồn vốn Tam Phúc đầu tư thực hiện Chương trình gần 105 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng; ngân sách xã gần 19 tỷ đồng; vốn vay tín dụng gần 29 tỷ đồng... cùng với nguồn vốn tự có của nhân dân đầu tư xây dựng, chỉnh trang nhà cửa sân vườn, công trình vệ sinh.
Những kinh nghiệm rút ra từ trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở 3 xã điểm là cơ sở để Vĩnh Tường tiếp tục triển khai và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo đúng kế hoạch.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn