Những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã tạo nên những khởi sắc, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực. Văn hóa truyền thống được khai thác triệt để theo hướng loại bỏ hạn chế, tiêu cực, phát huy mặt tốt đẹp, tích cực, phù hợp với nhu cầu văn hóa của người dân trong giai đoạn mới. Điều này thể hiện trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai có hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay, mặt trái của quá trình đô thị hóa cùng với những tác động xấu của kinh tế thị trường đã và đang dần đánh mất nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp. Trong quá trình xây dựng NTM, nhiều địa phương chưa chú ý đến xây dựng các công trình văn hóa. Tiêu chí 06 trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM quy định, các xã xây dựng NTM phải có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đề ra. Đó là nơi diễn ra nhiều hoạt động chung của cộng đồng nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa mỗi vùng quê.
Thực tế cho thấy, vẫn còn tình trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, không ít nhà văn hóa thường xuyên đóng cửa. Người dân ngày càng “nhạt” dần với các hoạt động, phong trào mang tính tập thể.
Thậm chí, một số địa phương không quan tâm đến việc quy hoạch đất đai cho việc xây dựng nhà văn hóa; ngược lại, một số địa phương đua nhau xây dựng nhà văn hóa hoành tráng nhưng không tổ chức hoạt động, gây lãng phí.
Bên cạnh xây dựng các công trình văn hóa, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của cha ông là vô cùng quan trọng. Làng xã là nơi lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc từ nghìn đời nay; cây đa, bến nước, sân đình… là linh hồn của làng quê. Tuy nhiên, theo thời gian, nhà cửa mọc lên, đường sá bê tông hóa đang làm mất dần vẻ đẹp vốn có của nó. Vấn đề đặt ra là làm sao xây dựng bộ mặt NTM hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc?
Thực tế cho thấy, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có tác động rất lớn đến việc xây dựng NTM. Nhiều phong trào như xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa… ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần thay đổi bộ mặt văn hóa nông thôn, nâng cao nhận thức của nhân dân và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Tuy nhiên, danh hiệu văn hóa đang ngày càng trở nên “tràn lan”, không phản ánh đúng thực chất. Một số địa phương chưa có sự thống nhất; có nơi bình xét quá đơn giản, lỏng lẻo; có nơi lại cho rằng, gia đình văn hóa phải thật sự tiêu biểu nên đặt ra những “chuẩn” quá cao, không dựa vào tiêu chuẩn chung mà Bộ VH-TT&DL đề ra…
Gia đình văn hóa là một trong những tiêu chuẩn để xây dựng dòng họ văn hóa, khu dân cư văn hóa, làng văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh bị cắt danh hiệu làng văn hóa bởi có nhiều hộ gia đình vi phạm các vấn đề an ninh nông thôn, vệ sinh môi trường, vi phạm kế hoạch hóa gia đình…
Ông Phan Hữu Lộc, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa, Sở VH-TT&DL Nghệ An cũng thừa nhận hiện nay việc bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa chưa chặt chẽ.
Trong quá trình xây dựng NTM, việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống thông qua các hình thức sinh hoạt tại cộng đồng là vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Muốn làm được điều đó, cần sự chung tay của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Có như vậy mới phát triển được NTM hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc riêng của nông thôn Việt Nam.
Theo Phan Tuyết/langmoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn