Theo báo cáo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, trên địa bàn TP đã có 236/401 xã đạt và cơ bản đạt 10-19 tiêu chí về xây dựng NTM (trong đó có 12 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; 91 xã đạt và cơ bản đạt 14-18 tiêu chí; 133 xã đạt và cơ bản đạt 10-13 tiêu chí. Tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên tăng từ 57,85% lên 95%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 12 triệu đồng/người/năm (năm 2009) lên 21 triệu đồng/người/năm (2012); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,27% xuống còn 5,1%; hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Tuy nhiên, theo đánh giá của HĐND TP, qua giám sát cho thấy, tiến độ thực hiện xây dựng NTM ở một số huyện, thị xã còn chậm so với mục tiêu, kế hoạch đề ra. Do vậy, nếu không có biện pháp chỉ đạo quyết liệt thì khả năng đến năm 2015, có từ 140 đến 160 xã đạt chuẩn NTM theo chỉ tiêu Nghị quyết 03 của HĐND TP là khó khăn.
Bên cạnh đó, tuy công tác lập quy hoạch xã NTM hoàn thành sớm nhưng vẫn còn một số nội dung trong quy hoạch chưa sát với tình hình kinh tế, xã hội địa phương và lạc hậu so với quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, lĩnh vực của TP. Một số địa phương chưa quan tâm đến việc tổ chức lại sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn; đường giao thông, thuỷ lợi nội đồng tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cơ giới hóa; quy mô sản xuất, quy mô ruộng đất nhiều nơi còn nhỏ lẻ, mạnh mún; chưa có nhiều khu sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa.
|
Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã có 236/401 xã đạt và cơ bản đạt 10-19 tiêu chí về xây dựng NTM |
Đáng quan tâm, phương pháp tính toán, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí còn thiếu thống nhất, chưa sát thực tế, như: tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm, hình thức tổ chức sản xuất... Nguồn vốn xây dựng NTM còn thiếu, chưa bảo đảm theo cơ cấu vốn dự kiến cho từng nguồn và từng cấp ngân sách, chủ yếu vẫn là từ ngân sách nhà nước (chiếm 87,4%); vốn huy động đóng góp của người dân và doanh nghiệp rất thấp (chiếm 3-5%); ngân sách cấp huyện và cấp xã không đủ để đối ứng vốn thi công dẫn đến nợ xây dựng cơ bản hoặc thi công kéo dài...
Báo cáo giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND ngày 5/4/2012 về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012-2016 của HĐND TP cho thấy, chính sách hỗ trợ dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) được triển khai trên diện rộng và phát huy tác động rất tích cực. Hầu hết các huyện, các xã đều tích cực triển khai và kịp thời hỗ trợ kinh phí DĐĐT, có huyện chủ động thực hiện sớm. Tính đến hết năm 2012, toàn thành phố dồn được 35.663/19.444ha (đạt 183,41% kế hoạch). Chính sách khuyến khích xây dựng kiên cố hóa đường giao thông ngõ, xóm, xây dựng kênh mương nội đồng cũng được triển khai tích cực, bước đầu đạt một số kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, như: khuyến khích đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản; đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chưa triển khai thực hiện được.