Người làm đất, người phụ trách phân bón, người lại lo bộ phận cây giống… đó là không khí buổi ra quân giúp đỡ gia đình bà Nguyễn Thị Tường (xóm Nam Văn, xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên) cải tạo, chỉnh trang vườn hộ. Gia đình neo người, vườn rộng, hai ông bà không thể quán xuyến hết mọi việc. Vì thế, phần lớn mọi việc liên quan đến quy hoạch, chỉnh trang vườn hộ và nhất là định hướng, đầu tư thực hiện kinh tế vườn… đều phải nhờ đến nguồn nhân lực của tổ phát triển theo mô hình nhà sạch, vườn đẹp của Hội LHPN xã.
Phụ nữ xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Là những con người thạo việc, lại quen với từng mô hình, từng địa thế đất đai… nên chỉ trong một thời gian ngắn, mảnh vườn của bà Tường đã được chị em phân tích, bàn bạc, lựa chọn từng loại cây trồng phù hợp theo từng mùa khác nhau. “Do chưa có kinh nghiệm làm vườn nên gia đình tôi rất khó khăn, lúng túng trong việc trồng cây gì, trồng như thế nào. Nay được tổ phụ nữ giúp đỡ quy hoạch lại vườn, trồng loại cây phù hợp với đất, đảm bảo đầu ra thị trường, tôi rất yên tâm”, bà Nguyễn Thị Tường vui vẻ nói.
Còn tại xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh), thời điểm này, hầu như tuần nào cũng có những cuộc cải tạo, chỉnh trang và phá bỏ vườn tạp. Với sự chủ công của chị em phụ nữ, sự tham gia nhiệt tình của các tổ chức đoàn thể và sự sâu sát của chính quyền địa phương... chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hàng trăm vườn hộ được chuyển đổi, nhanh chóng đưa lại hiệu quả kinh tế theo hướng “mỗi làng quê, mỗi sản phẩm”. Ông Phan Công Tài – Trưởng thôn Đông Hà (xã Kỳ Hà) cho rằng, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư mẫu là trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể và của mỗi người dân. Không chỉ vườn đẹp, xóm đẹp mà kinh tế trong từng gia đình cũng được cải thiện rõ rệt.
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều việc, nhiều cách làm hay, sáng tạo mà chị em phụ nữ tại các địa phương hưởng ứng phong trào “5 không, 3 sạch” thời gian qua. Bắt đầu từ việc hướng đến những tiêu chí cụ thể như “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”, phấn đấu vì gia đình không đói nghèo, không bạo lực, không vi phạm pháp luật, không sinh con thứ 3, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học... chị em đều có ý thức sâu sắc, có định hướng rõ ràng những việc phải làm. Từ đó, góp phần thực hiện tốt công tác gia đình, đảm bảo an sinh xã hội, tạo nền tảng thúc đẩy KT-XH tại các địa phương phát triển.
Nhiều mô hình kinh tế (chăn nuôi thỏ, đà điểu) tại các xã vùng thượng Kỳ Anh phát triển từ các phong trào của chi em phụ nữ.
Từ 8 tiêu chí này, chính người phụ nữ sẽ tham gia hoạch định, có kế hoạch trong việc xây dựng và quản lý tài chính, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tham gia xây dựng NTM... Với những hoạt động, cách thức tổ chức và hướng đi phù hợp... sức lan tỏa của phong trào “5 không, 3 sạch” đã được khẳng định. Thêm những mô hình hiệu quả, thêm nhiều vườn tạp được cải tạo, thêm mối cố kết cộng đồng và hơn hết, mỗi làng quê đã thực sự đổi thay nhờ những việc làm đầy thiết thực như vậy.
Không chỉ là kinh tế vườn, không chỉ là “3 sạch”, xây dựng gia đình “5 không” còn là mục tiêu ý nghĩa, có vai trò và hiệu quả lớn tại các địa phương hiện nay. Thông qua hoạt động của các CLB như: “Khi mẹ vắng nhà”, “Tình thương và trách nhiệm”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Bình đẳng giới”, “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình hạnh phúc sống tốt đời, đẹp đạo”, “Không sinh con thứ 3”…. đã thực sự phát huy được nhiều giá trị bền vững vốn có của những “tế bào” trong xã hội. Những buổi sinh hoạt CLB đã góp phần xóa bỏ mọi kỳ thị, rào cản giữa những gia đình, người thân và các đối tượng. Bằng sự yêu thương, tận tình, thân ái, chị em đã luôn đồng hành để giúp nhau vượt qua mọi khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống.
Có thể nói, từ phong trào “5 không, 3 sạch”, với những cách làm cụ thể, thiết thực ở mỗi địa phương, các cấp hội phụ nữ đã thực sự nỗ lực, trở thành điểm sáng với sự năng động, quyết liệt của những gia đình tiêu biểu, những CLB, chi hội, tổ hợp tác, HTX. Hướng đi đúng, cách làm hay và hiệu quả gắn với từng mô hình thực tiễn... đó là cách để các giá trị của NTM ngày càng có tính bền vững.
Theo Bá Tân/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn