Tăng thu nhập cho nông dân và chuyển đổi cơ cấu lao động là những tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của chương trình xây dựng NTM. Để thực hiện mục tiêu lớn này, tỉnh ta xác định, phát triển kinh tế nông thôn hiện nay không chỉ coi trọng việc phát triển nông nghiệp mà phải đa dạng hoá các ngành nghề.
Trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá đi đôi với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, từng bước chuyển đổi cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân.
Về phát triển nông nghiệp, UBND tỉnh đã nhanh chóng ban hành Đề án 06 được đánh giá là động lực nội sinh cho sự phát triển, bảo đảm xây dựng NTM bền vững.
Thông qua Đề án, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống như: Chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông, xây dựng cánh đồng mẫu, sản xuất giống lúa chất lượng cao, chương trình khuyến nông hỗ trợ cơ giới hoá, chương trình liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để thực hiện các chương trình trên, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng thực hiện việc dồn điền đổi thửa, hình thành những ô thửa lớn tạo tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Tiêu biểu cho phong trào này là 2 xã Khánh Nhạc và Khánh Thành (Yên Khánh).
Điều đáng ghi nhận qua 2 năm thực hiện các tiêu chí về phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân là tỉnh đã tổ chức thực hiện có hiệu quả 4 mô hình phát huy lợi thế phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM; 353 mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao.
Tiêu biểu như: Đề án nuôi trồng thuỷ sản; nuôi tôm sú công nghịêp, cua xanh, cá bống bớp; nuôi tôm thẻ chân trắng; nuôi cá nước ngọt (huyện Kim Sơn); mô hình trồng chuối tiêu hồng; hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển nghề sinh vật cảnh; xây dựng mô hình canh tác VAC trên đất lầy thụt hiệu quả kinh tế cao phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; mô hình nghiên cứu, duy trì, phát triển và từng bước xây dựng thương hiệu hoa đào phai Tam Điệp… (thị xã Tam Điệp); hỗ trợ gà giống; hỗ trợ dê giống; sản xuất lúa theo phương pháp IPM (huyện Hoa Lư); các mô hình lúa gieo thẳng, trồng cà chua ngọt, nấm, thêu ren, đan bèo… (huyện Yên Mô).
Việc triển khai công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng nông thôn thông qua những mô hình kinh tế đã giúp cho đời sống người nông dân thay đổi đáng kể. Người dân không chỉ có được một nguồn lợi kinh tế ổn định mà còn từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều mô hình nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu đã xuất hiện làm tăng thêm niềm tin của người nông dân vào chương trình xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ người nông dân có thêm kiến thức về sản xuất, phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, các ngành, địa phương đã phối hợp tổ chức được 146 lớp đào tạo nghề cho 8.895 học viên, chuyển giao kỹ thuật cho 37.360 lượt người.
Để hỗ trợ các địa phương, các ngành triển khai thực hiện các đề án phát triển sản xuất, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình mẫu, mô hình khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ dạy nghề, hỗ trợ cơ giới hoá sản xuất… trong 2 năm tổng kinh phí thực hiện đạt 47.730 triệu đồng. Riêng năm 2012 là 28.428 triệu đồng.
Một trong những dấu ấn của công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân phải kể đến việc phát triển mạnh mẽ các mô hình công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đẩy mạnh, nâng cấp các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp để tạo tính đa dạng, phong phú, nhằm phục vụ cho dân sinh và xuất khẩu...
UBND các xã đã quy hoạch và được phê duyệt khu phát triển CN-TTCN. Nhiều xã khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân mở thêm các ngành nghề và phát huy làng nghề truyền thống như: làng nghề đan cói ở huyện Kim Sơn, chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân, thêu ren ở Ninh Hải (Hoa Lư), phát triển các dịch vụ du lịch ở các xã liền kề các khu du lịch như Khu du lịch Bái Đính- Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, Vân Long, Nhà thờ đá Phát Diệm…
Theo thống kê của các ngành chức năng, thông qua các mô hình sản xuất CN-TTCN, thương mại, dịch vụ, thu nhập của người nông dân ở tỉnh ta năm 2012 đã tăng khoảng 22% so với năm 2010. Như vậy, giá trị sản xuất của các sản phẩm TTCN tuy không lớn song lợi nhuận của nó đã góp phần xóa nghèo rất hiệu quả ở các huyện, xã khó khăn và thu hút nhiều lao động.
Cần phát huy các lợi thế vùng, miền
Bên cạnh những kết quả đạt được như giá trị sản xuất đạt 86 triệu đồng/ha canh tác, sản xuất CN-TTCN được khôi phục và mở rộng tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người nông thôn thì vẫn còn không ít những tồn tại.
Đó là việc chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm. Liên kết 4 nhà, công tác dạy nghề, dồn điền đổi thửa còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp một số nơi còn rất nhiều khó khăn. Vốn vay cho sản xuất nông nghiệp còn thiếu. Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân còn phụ thuộc vào thị trường tự do, chưa có nhiều doanh nghiệp, HTX bao tiêu theo hợp đồng…
Để khắc phục những tồn tại trên, trong năm 2013 và những năm tiếp theo của giai đoạn 2011-2015, Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn.
Trong đó đặc biệt chú trọng việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển sản xuất, đào tạo nghề, nước sạch và vệ sinh môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới; nhân rộng phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Đẩy mạnh thực hiện các chương trình giống vật nuôi, cây trồng, khuyến nông, khuyến ngư, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản theo mô hình trang trại với một số con nuôi có giá trị kinh tế cao.
Tăng cường hỗ trợ cơ giới hoá sản xuất theo kế hoạch như: hỗ trợ mua máy làm đất, trạm bơm vô ống, máy cấy, gặt, đập liên hoàn, máy sấy.
Một trong những giải pháp để phát triển kinh tế được tỉnh đề cao đó là việc phát huy mô hình các xã có lợi thế về phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới như: vùng các xã ven biển như Kim Đông (Kim Sơn); vùng có ngành nghề thủ công phát triển như Ninh Vân (Hoa Lư); vùng có du lịch phát triển như Gia Sinh (Gia Viễn); vùng miền núi dân tộc như Yên Quang (Nho Quan)…
Từng bước thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với giao thông thuỷ lợi. Mục tiêu trong năm 2013 là giảm ít nhất 1,6% tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 31 xã điểm xây dựng NTM trong giai đoạn 2011-2015.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm (baoquangninh.org.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn