Nông thôn mới từ những điều giản dị
Về giáo xứ Vạn Thành (Cẩm Thạch - Cẩm Xuyên) chúng tôi được nghe chuyện cụ Nguyễn Tuân, một giáo dân bỏ tiền làm đường, kênh mương, cơ sở vật chất văn hóa, trang thiết bị đóng góp cho phòng ốc, trụ sở làm việc của xã... Tính ra, đến lúc này, theo ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch thì: Số tiền mà cụ già 84 tuổi này ủng hộ làm NTM đã lên đến trên cả tỷ đồng. Bao năm qua, từ một vùng thấp trũng với những con đường lầy lội... thì giờ đây, thôn giáo toàn tòng Đại Tăng đang khởi sắc từng ngày.
Xứ đạo Lộc Thủy (Thạch Long, Thạch Hà). Ảnh: Giang Nam
Giáo dân Nguyễn Tuân cũng trở thành một nhân tố tích cực gây dựng mọi phong trào ở cơ sở. Với cụ, “làm NTM không có gì cao xa, vĩ đại, mà thực ra là làm cho mình, con cháu mình và cho vùng quê này được đổi mới từng ngày”. Cũng vì thế, theo cụ, trách nhiệm này “từ lương đến giáo đều một lòng vì lợi ích chung”.
Còn tại xã Cẩm Minh, vườn hoang, cây tạp, thu nhập chỉ trông vào nghề phụ nhưng lại không đều công... Đó là câu chuyện vài năm trước của gia đình ông Lê Văn Huê (giáo xứ Lạc Sơn). Vừa là một con chiên hiếu đạo, ông Huê còn là một nông dân SXKD giỏi, điển hình trong phong trào làm kinh tế vườn của địa phương. Đi đầu bước trước, mạnh dạn thay đổi tư duy, nắm bắt cơ hội, tiếp nhận chính sách, ông trở thành một trong 10 hộ làm vườn mẫu đầu tiên của xã Cẩm Minh được văn phòng NTM đánh giá cao.
Đường vào xứ đạo Cam Lâm (Xuân Liên, Nghi Xuân)
Làm nông thôn mới cũng là "phụng đạo, yêu nước"
Ông Trần Văn Khiên - Chủ tịch UBND xã Cẩm Minh cho hay: “Với bà con công giáo, một vai hai gánh giữa việc đạo và đời, có được thành quả này, là một sự nỗ lực không hề đơn giản”. Nhiều hành động, việc làm, sự nỗ lực của bà con công giáo đã thực sự trở thành những câu chuyện xúc động đối với mỗi cán bộ làm NTM, nhất là mỗi dịp gặp gỡ, trò chuyện hoặc thẩm định NTM.
Có mặt tại giáo xứ Cam Lâm (Xuân Liên, Nghi Xuân), chứng kiến một buổi chuyện trò thân mật giữa linh mục và các con chiên, cán bộ biên phòng và một số thành viên trong hội đồng mục vụ mới hiểu hơn về điều này. Linh mục Thân Văn Chất, ngoài những vấn đề của giáo phận, thì chuyện phát triển sản xuất, xây dựng môi trường, hiến đất mở đường, tạo cảnh quan... luôn được ông đề cập thường xuyên.
Linh mục Chất chia sẻ với PV cách ông cùng con chiên xây dựng NTM
Những con đường, trước đây chật hẹp, chỉ là tranh tro, bụi rậm; nhà cửa, vườn tược... theo truyền thống xưa cũ, nay đã được bà con giáo dân mạnh dạn chỉnh trang. Không phải ngẫu nhiên, giáo xứ Cam Lâm được chọn làm mẫu trong quá trình xây dựng NTM của xã Xuân Liên. Theo vị linh mục này, “các tiêu chí trở thành một trong những thước đo đánh giá mức độ hoàn thành việc giáo họ của mỗi con chiên. Làm đẹp giáo xứ cũng là đẹp chung... Vì thế, làm NTM thực chất cũng đang làm những điều mà giáo lý đã răn dạy”.
Trở lại giáo xứ Vạn Thành, nơi có những giáo dân hết lòng vì NTM như cụ Tuân, nay lại được đón tiếp linh mục Nguyễn Tiến Dũng - người đã có thời gian lăn lộn ở Cự Lâm (thôn 10) để đưa Vượng Lộc cán đích NTM. Hình ảnh một vị linh mục xắn quần, lội ruộng, làm đường... đã quen thuộc đối với nhiều giáo dân trong giáo xứ. Ông Trần Xuân Cậy - nguyên Trưởng ban hành giáo giáo xứ Vạn Thành cho biết: “Thấy bộ mặt của khu dân cư mẫu Na Trung, đích thân Cha đã đưa bà con đến tận từng tuyến đường, khu vườn tham quan để có cách làm đẹp cho giáo xứ”.
Một mùa Giáng sinh nữa lại về! Tiếng chuông nhà thờ mỗi xứ đạo lại càng ngân vang. Những ánh mắt, nụ cười và những nguyện cầu, tạ ơn bởi sự an lành, hạnh phúc. Và chúng tôi biết, trong đó, bà con thực sự thấm thía những thành quả được hiện hữu từ chương trình NTM mà họ đã dày công vun đắp, dựng xây!
Theo Thuận Huế/báohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn