Tiêu chí thứ… 20 và 21
Tiêu chí 20 của Hà Tĩnh khá tiến bộ, mang tầm nhìn dài hạn, Khu dân cư mẫu, vườn mẫu; và tiêu chí 21 là sự hài lòng của người dân. Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh Trần Huy Oánh tâm sự, qua thực tế từ 7 xã đạt chuẩn (đạt 19 tiêu chí), năm 2013, tỉnh rất băn khoăn bởi nguy cơ bê tông hóa nông thôn rất cao, trong khi vườn tược, hàng rào xanh truyền thống thưa dần, văn hóa sinh hoạt sau nông thôn mới có nguy cơ “đèn nhà ai nấy rạng”.
Chị Võ Thị Châu, thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc bên vườn cam tiền tỷ của mình |
Ảnh: Lê Tùng |
“Bê tông hóa không phải là mục tiêu nông thôn mới của Hà Tĩnh. Đã mới thì phải mới trên mọi khía cạnh, từ khu dân cư đến vườn tược, hàng rào xanh, văn hóa ứng xử, tình làng nghĩa xóm, môi trường luôn phải xanh - sạch - đẹp, đặc biệt phải phát huy kinh tế ngay từ vườn hộ. Chính từ những câu hỏi “tại sao” luôn được đặt ra như thế, tỉnh đã nhất trí để ngành nông nghiệp xây dựng tiêu chí Khu dân cư (KDC) mới kiểu mẫu, vườn mẫu”, ông Oánh chia sẻ. “Đường to đẹp, vườn nhà được quy hoạch chỉn chu, những cánh đồng mẫu lớn thẳng cánh cò bay giờ đã quen mắt với người dân Hà Tĩnh. Điều mà tỉnh quan tâm là nông dân phải sống được và sống tốt với nông thôn mới. Bởi vậy tiêu chí thứ 21 - nhân dân hài lòng vô cùng quan trọng và thiêng liêng”.
Thêm nhiều “Giám đốc” nông thôn mới
“Tỉnh không chấp nhận chính quyền cấp nào được phép thỏa mãn sau nông thôn mới. Phong trào là cái đà rất tốt để người dân Hà Tĩnh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thoát cái nghèo đói đeo đẳng lâu nay. Chúng tôi luôn có niềm tin vào tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm mà lớp cán bộ trẻ trưởng thành sau 10 năm xây dựng nông thôn mới. Cả hệ thống chính trị, từ vị trí cao nhất của địa phương, đang nêu cao tinh thần trách nhiệm đó!”. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ĐẶNG QUỐC KHÁNH |
Đại diện Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh đưa chúng tôi thực tế KDC kiểu mẫu, vườn mẫu tại thôn Tân An (xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên), nơi mà sau này khách mới cảm nhận tột cùng cụm từ “miền quê đáng sống”. Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đặng Quốc Hải đón đoàn, tay bắt mặt mừng. “Ở Tân An, các anh vào thăm vườn nhà ai cũng được. Mỗi người dân đều sẵn sàng trở thành một đại sứ nông thôn mới cho địa phương và cho tỉnh!”.
Con đường bê tông thẳng tắp, mướt mắt với nào bí, nào hoa, gấc, mướp… dẫn tới vườn của lão nông Nguyễn Văn Trung (77 tuổi). Nhóm thợ từ thị trấn Thiên Cầm đang lắp cho ông hệ thống tưới nước tạo mưa mới. Xong hệ thống này, không mét đất nào trong khu vườn hơn 5.000m2 của ông Trung “thoát” khỏi tầm kiểm soát của gần 30 vòi nước. “Mất 3 năm, theo 3 giai đoạn tôi mới hoàn thiện quy trình khép kín của khu vườn. Một tay “Giám đốc” Hải tham mưu, giám sát hết!”. Thấy tôi ngớ người, ông Trung chỉ ông Đặng Quốc Hải cười phà phà: “Giám đốc nông thôn mới của chúng tôi đấy!”. Sau này, khi đi thực tế thêm mới biết, cả xã Cẩm Bình ai cũng gọi ông Đặng Quốc Hải là… Giám đốc cả.
Ông Nguyễn Văn Trung là người đầu tiên ở Tân An tiên phong xóa vườn tạp, quy hoạch vườn theo mô hình VAC trên tinh thần: Cung cấp sản phẩm thị trường cần chứ không nuôi trồng những gì mình có. Các loại cây cũ chặt bỏ, thế chỗ là mướp đắng, bí xanh, cả nghìn đầu gà, vịt, lợn. Xen kẽ là hai cái ao nhỏ chuyên cá rô và chép. Ông Trung khoe, hoàn tất 3 giai đoạn đầu tư, mỗi năm ông cầm về ít nhất 200 triệu đồng, gấp 10 lần trước nông thôn mới. Vừa rồi, tỉnh hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tạo mưa, vừa tiết kiệm được công, vừa tiết kiệm tiền. Giờ thì cả thôn thi nhau xây dựng theo vườn mẫu của ông Trung, cho thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cuộc sống khá lên từng ngày.
“Phải có HTX anh ạ, không cách nào khác! Vì HTX mới có tư cách pháp nhân để ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo chuỗi” - Giám đốc Hải tâm sự. Có 2 thực tế mà Giám đốc lo nhất ở Cẩm Bình. Thứ nhất là đầu ra cho nông sản, và thứ hai là nguồn cán bộ trẻ, giàu tri thức, nhiệt huyết, đủ sức đương đầu với thị trường. Sau nông thôn mới, yếu tố thị trường giờ là mối lo hàng đầu của lãnh đạo địa phương. Bài học giải cứu lợn vẫn còn nóng hổi. Cẩm Bình sẽ không để người dân phụ thuộc bất cứ vào sản phẩm… “chủ lực” nào mà chia đều cho mọi ngành nghề. Muốn “tham lam” như vậy, họ thật sự cần lớp cán bộ trẻ, năng động hơn nữa để tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu. Nhưng khi thanh niên bỏ ruộng đi làm ăn xa còn phổ biến như hiện tại thì tình trạng thôn, xã không tìm đâu ra… cán bộ Đoàn vẫn làm đau đầu cấp ủy.
Chất vấn Chánh Văn phòng điều phối Trần Huy Oánh về câu chuyện Giám đốc, mới hay không chỉ Cẩm Xuyên, mà khắp các huyện, thị xã ở Hà Tĩnh đang hình thành cuộc đua ngầm giữa các Chủ tịch UBND xã. Gần dân, cầm tay chỉ việc, diện mạo quê hương thay đổi, giờ là lúc các Giám đốc phải tìm được đầu ra cho nông sản. Ở địa phương mà phong trào nông thôn mới sôi động như Hà Tĩnh, ai giúp dân, vì dân thì cả tỉnh biết ngay. Hãnh diện lắm chứ! Sinh thời Bác Hồ từng nói: Cán bộ nào, phong trào nấy. Đó có là lời giải thích chính xác nhất cho câu hỏi: Vì sao Hà Tĩnh thành công đến vậy khi xây dựng nông thôn mới!?
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn