Ông Nguyễn Khắc Dong (giữa) giới thiệu mô hình làm mắm với Văn phòng điều phối Xây dựng Nông thôn mới tỉnh.
 (Ảnh: Hiền Hòa)

Kỳ tích trong xây dựng mô hình

 

Về xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang (xã đặc biệt khó khăn trong diện 30b), có thể nhận thấy nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng những tiềm năng sẵn có và sự hỗ trợ của nhà nước để xây dựng các mô hình. Hiện trong xã đã có những mô hình trồng cây ăn quả có múi trên các triền đồi với hơn 80 hộ tham gia, mỗi mô hình thu nhập ít nhất 50 triệu đồng/năm; có 2 mô hình chăn nuôi lợn từ trên 600 con lợn và một số mô hình liên kết.

Đến tìm hiểu tại hộ gia đình chị Hoàng Thị Lan, một trong 2 mô hình chăn nuôi lợn, chúng tôi được biết, từ một hộ nghèo, gia đình chị đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng trại chăn nuôi lợn. Lúc đầu, chị Lan chỉ nghĩ nhà nghèo nên cứ được hỗ trợ đã là tốt rồi. Chị xác định lấy công làm lãi để trang trải cho cuộc sống. Nhưng rồi, bất ngờ đến với chị khi sau lứa lợn đầu tiên, chị đã có lãi thấy rõ và trong năm đầu tiên, chị đã thu lãi ròng khoảng hơn 150 triệu đồng. Số tiền đó quả thật như một giấc mơ đối với một hộ nghèo như nhà chị.

Chị Lan cho biết, hộ nghèo mà đi đầu thực hiện mô hình thì được hỗ trợ vay xây 1 dãy chuồng theo các tiêu chuẩn hiện đại (có máy điều hòa và hệ thống nước rửa tự động), quy trình chăn nuôi được áp dụng theo tiêu chuẩn mà theo chị kể, chính quyền và các ngành chức năng sẽ kiểm tra liên tục để đảm bảo chất lượng thịt sau khi xuất chuồng. Chị đã được đi tập huấn, hội thảo và áp dụng đúng theo quy trình. Sau 1 năm, gia đình chị chăn nuôi tốt, địa phương lại cho vay tiếp 100 triệu đồng hỗ trợ lãi xuất. Bình quân 5-6 tháng chị xuất 1 lứa lợn và được Công ty CP (Công ty Cổ phần Chăn nuôi Việt Nam) bao tiêu sản phẩm nên cũng yên tâm đầu ra. Có vốn, chị đầu tư trồng cam, hiện gia đình chị trồng được gần 300 gốc cam để phát triển lâu dài.

Chị Lan cũng cho biết, lúc đầu, ngay bản thân chị cũng e dè và nhân dân trong vùng cũng chưa hiểu quy trình, thủ tục vay vốn ra sao và nuôi rồi có tiêu thụ được không… Nhưng nay, hiệu quả thấy rõ và quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra nên nhiều hộ gia đình đã làm đơn xin xây dựng mô hình.

Chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Minh Vinh, đảng viên gần 40 năm tuổi Đảng của Đảng bộ xã cũng là gương điển hình trong phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Với diện tích đất của gia đình hoàn toàn là đồi dốc, bác đã mạnh dạn chuyển đổi trồng, cây ăn quả, đến nay, ông đã trồng được gần 2ha cam bù, trong đó phân nửa đã cho thu hoạch. Năm 2015, vườn cam của ông Vinh thu được khoảng 6 tấn quả với số tiền 400 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 300 triệu đồng, bác cũng lãi được khoảng 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông tận dụng cỏ trong đồi để chăn nuôi trâu, bò, cá. Với cách làm như vậy, mô hình của ông cũng thu được vài trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Vinh cho biết, giờ đây, giao thông thuận tiện, thương lái mua tại vườn, tại ao nên cũng thấy thuận lợi và có động lực để sản xuất, nuôi trồng nhiều hơn.

Đánh giá tình hình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, đồng chí Lê Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thọ, Vũ Quang khẳng định, phong trào xây dựng nông thôn mới đã đến được từng hộ dân, họ đã biết những cái được trước mắt và lâu dài của chương trình này và tham gia tích cực. Nhờ thực hiện phong trào, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và từng bước làm giàu chính đáng, đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa lên các triền đồi khiến việc đi lại rất thuận lợi. Là xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ của nhà nước, nhưng nhân dân trong xã cũng đã từng bước làm chủ, tự lực vươn lên từ phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới. Cuộc sống của nhân dân trong xã đã có nhiều khởi sắc.

Đến một xã đồng bằng, chúng tôi tìm hiểu mô hình kinh tế tổng hợp của hộ gia đình ông Nguyễn Khắc Dong, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Văn. Ông được biết đến với mô hình chăn nuôi cá lóc, cá trê, ếch và chế biến hải sản. Ông Dong cho biết, trước kia còn làm cán bộ cũng phải biết làm kinh tế để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, vừa để có kiến thức thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và cũng để thực hiện phương châm nói đi đôi với làm. Nghĩ thế nên ông bắt tay vào nghiên cứu và thực hiện chế biến hải sản với quy mô mỗi năm muối 10-15 tấn cá để làm mắm. Chi phí vốn đầu vào cũng mất vài trăm triệu, nhưng ông nghĩ làm chắc từng bước và làm cẩn thận như làm cho gia đình ăn thì ắt hẳn sẽ thành công và được người tiêu dùng đón nhận. Xuất phát từ kinh doanh phải có tâm, nước mắm của ông ra mẻ nào tiêu thụ hết mẻ đó nên đồng vốn được quay vòng để đầu tư tiếp. Ông cho biết, mỗi năm thu nhập 400-500 triệu đồng, lãi ròng cũng được khoảng 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình còn cấy 1 mẫu ruộng và ông chăn nuôi cá trê, ếch để tăng thu nhập. Cách làm này được nhiều người dân nghiên cứu học hỏi để nhân rộng trong vùng.

Không chỉ dừng lại ở các mô hình trên, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những mô hình tiêu biểu chăn nuôi theo hướng liên kết 300 con lợn nái, 500 con lợn thịt, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động, lợi nhuận hàng tỷ đồng của anh Nguyễn Văn Xoan ở xã Ân Phú (Vũ Quang); mô hình chăn nuôi lợn quy mô 4.700 con/lứa của ông Trần Nghệ Tịnh ở xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên), doanh thu hơn 70 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 7 tỷ đồng/năm; ông Bùi Vĩnh Dũng ở xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên), ông Nguyễn Văn Đào ở xã Thạch Khê (Thạch Hà) nuôi tôm, cua thương phẩm, doanh thu 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 4 lao động thường xuyên...

Phát huy thế mạnh vườn đồi, hàng ngàn hộ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn quả chất lượng cao như: ông Ngô Xuân Linh chủ trang trại trồng cam, chăn nuôi tổng hợp ở xã Sơn Mai (Hương Sơn), tổng diện tích 21 ha, doanh thu đạt hơn 40 tỷ đồng, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng; hộ ông Phạm Ngọc Thưởng, ở xã Sơn Mai (Hương Sơn) với tổng diện tích 7 ha, trồng cam và chăn nuôi tổng hợp doanh thu hàng chục tỷ đồng; mô hình trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Hồng Khai, ở xã Gia Phố (Hương Khê) với 30 ha, trong đó, 10 ha cam, bưởi; 4 con hươu; 4.000 con gà/lứa, thu nhập 1 tỷ đồng/năm…

Ông Trần Huy Oánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó chánh Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh và các cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển kinh tế nông nghiệp, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư SXKD, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại hướng vào sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh như chăn nuôi lợn, trâu, bò, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, rau - củ - quả trên đất cát hoang hóa ven biển với quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao.

Với cách làm huy động sức dân, tỉnh đã thành công ngay từ đầu khởi xướng phong trào, nếu năm 2011, bình quân mỗi xã mới chỉ đạt 4,1 tiêu chí, sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đã bứt phá đi lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 3 lần và không còn xã dưới 8 tiêu chí. Hà Tĩnh được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, tạo ra nhiều mô hình mới hiệu quả và bền vững gắn với chương trình mục tiêu quốc gia. Hiệu quả từ hơn 8.000 mô hình sản xuất kinh doanh được hình thành và phát triển trong 5 năm qua là minh chứng cho cách làm sáng tạo của Hà Tĩnh, tạo nên sự đột phá trong nhiệm kỳ vừa qua. Qua xây dựng nông thôn mới, người nông dân đã thay đổi cơ bản tư duy, biết tổ chức sản xuất, biết kinh doanh và biết tự giải phóng mình, đi lên bằng sức lao động, bằng tài nguyên của chính từng làng, từng xã, từng địa phương. 

 

Mô hình chăn nuôi lợn của hộ gia đình chị Hoàng Thị Lan. (Ảnh: Hiền Hòa)

 

Không vì số lượng mà dễ dãi với tiêu chí 

Dù đạt những kết quả ban đầu rất khả quan, nhưng tỉnh Hà Tĩnh cũng xác định còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới và dứt khoát không vì số lượng mà dễ dãi với tiêu chí.

Ông Trần Huy Oánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó chánh Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, quán triệt quan điểm chỉ đạo của trung ương, trên cơ sở dự thảo bộ tiêu chí huyện Nông thôn mới của Bộ NN&PTNT gồm 8 tiêu chí, Hà Tĩnh cũng đã tiến hành lấy ý kiến từ các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng đề án huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh về tiêu chí huyện Nông thôn mới phải phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thiết thực, khả thi, rõ ràng, dễ hiểu và thuận lợi cho việc đánh giá chính xác, công bằng giữa các địa phương; phù hợp việc kết nối hệ thống hạ tầng KT-XH, bảo đảm sản xuất bền vững.

Hà Tĩnh đang lựa chọn 7 huyện, thị, thành phố: Nghi Xuân, Vũ Quang, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thị xã Kỳ Anh và Thành phố Hà Tĩnh để triển khai xây dựng đề án huyện đạt chuẩn Nông thôn mới theo từng tiêu chí và khả năng cân đối nguồn lực thực hiện. Để việc xây dựng đề án đảm bảo sát thực tiễn, tính khả thi cao, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh đã có dự thảo bộ tiêu chí xây dựng huyện Nông thôn mới với 10 tiêu chí, nhiều hơn trung ương 2 tiêu chí (gồm tiêu chí thủy lợi và khu dân cư Nông thôn mới  kiểu mẫu, vườn mẫu).

Qua rà soát, đánh giá, thẩm định về kết quả thực hiện tiêu chí thuộc ngành mình phụ trách, hầu hết các sở, ngành đã cơ bản thống nhất dự thảo bộ tiêu chí xây dựng huyện Nông thôn mới. Một số ý kiến cho rằng, các tiêu chí đưa ra cần phải hợp lý, hài hòa, tránh đảo lộn giữa tiêu chí mới và cũ. Bộ tiêu chí phải đạt những nội dung, hàm lượng của các tiêu chí, dễ hiểu; các sở, ngành xây dựng tiêu chí cho ngành mình và có hướng dẫn cụ thể trên cơ sở khoa học, lý luận nhưng phải phù hợp với thực tiễn trên địa bàn tỉnh.

Bộ tiêu chí huyện Nông thôn mới đang được khẩn trương hoàn thiện. Đây là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện, đồng thời, thuận lợi cho việc đánh giá chính xác, công bằng giữa các địa phương. Với kinh nghiệm thực tiễn và những kết quả đạt được trong 5 năm chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện xây dựng Nông thôn mới, tin tưởng, các địa phương sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Nông thôn mới, cùng tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đề ra./.

Nguồn Hiền Hòa/dangcongsan.vn