Đến các vùng trồng hoa ở thị trấn Trới, xã Lê Lợi, xã Sơn Dương (huyện Hoành Bồ), chúng tôi ngỡ như đang ở vùng hoa nổi tiếng của Hà Nội hay Đà Lạt, rợp sắc mầu của hoa lan van đa, ngọc điểm, hồ điệp, đồng tiền, cúc, ly, lay-ơn... Tại thôn Đồng Ho, xã Sơn Dương, chúng tôi được anh Vương Thanh Bình, thợ làm hoa của cơ sở sản xuất Hoa Hoành Bồ cho biết: Cơ sở hiện có 7.000 mét vuông nhà lưới hiện đại, sản xuất khoảng sáu vạn hoa lan hồ điệp, lan vũ nữ và các loại lan rừng. Hai, ba tháng trước, khách thập phương đã đến xem và đặt mua rất nhiều. Chị Vũ Thị Mận thường đặt hàng để chở về tỉnh Hải Dương, nhận xét: Về sắc, Hoa Hoành Bồ không thua hoa ngoại, giá cả lại rẻ hơn so với nhiều nơi. Nhưng hơn hết, đó là trách nhiệm và sự chu đáo của chủ vườn đối với khách hàng ở tất cả các khâu, từ việc đặt mua cho tới đóng gói, vận chuyển,...
Một trong những đột phá thành công để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hoành Bồ thời gian qua là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích cây có giá trị kinh tế cao, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Trên cơ sở quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của huyện đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, huyện Hoành Bồ khẩn trương kiện toàn đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, các tổ chức đảng, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền.
Huyện tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao ở ba xã, thị trấn nói trên. Các nhà lưới trồng hoa trên địa bàn hiện chăm sóc 21.000 cây hoa lan hồ điệp, lan vũ nữ, gần 7.700 cây hoa đồng tiền, hơn 96 nghìn củ hoa ly, 350 nghìn cây cúc, 17 nghìn chậu cây cảnh, 372 nghìn củ lay-ơn và 525 nghìn cây cúc. Qua thực tiễn cho thấy, dự án phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao đã giúp người nông dân tiếp cận và làm chủ được những công nghệ mới trong sản xuất hoa (kỹ thuật trồng trong nhà lưới, chăm sóc sinh trưởng, làm hoa nở bằng hệ thống điều khiển nhiệt độ tự động, thu hoạch, sơ chế và bảo quản trong kho lạnh,...). Vụ đông năm 2013, ước tính số tiền thu về từ bán các loại hoa trên toàn huyện vượt xa con số hai tỷ đồng so cùng kỳ năm ngoái.
Với hơn 90% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, mấy năm trước, xã Bằng Cả luôn có tỷ lệ nghèo và cận nghèo cao nhất huyện Hoành Bồ. Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Đảng ủy đã lãnh đạo UBND, MTTQ và các đoàn thể, chi hội tập trung mọi nguồn lực dồn sức hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Xã chỉ đạo và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đến tận thôn, bản, trong đó làm rõ nguyên nhân nghèo của từng hộ để có kế hoạch giúp đỡ cụ thể, hiệu quả. Xã Bằng Cả đã xây dựng và phát triển được nhiều mô hình nuôi nhím, lợn rừng, tiến tới sẽ tổ chức cho bà con triển khai trồng cây thanh long, nuôi chồn đen, ong mật. Những mô hình này đã góp phần giảm rõ rệt số hộ nghèo và đưa xã trở thành địa phương đầu tiên của huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Đón xuân trong ngôi nhà khang trang với nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị, anh Trần Bình Trọng, ở thôn 4, tâm sự: Trước đây, khi bàn về xây dựng nông thôn mới, chúng tôi mông lung lắm. Nhưng thấy cán bộ, đảng viên làm và thường xuyên động viên, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, cho nên bà con đã đổi mới cách nghĩ, cách làm, hăng hái xây dựng thôn xóm của mình trở thành nông thôn mới.
Không chỉ ở Bằng Cả, nhiều xã khác của huyện, như Đồng Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng...cũng đã phát triển được nhiều mô hình sản xuất hàng hóa đáp ứng thị trường, như trồng cây dược liệu, ổi Đài Loan, thanh long ruột đỏ, nuôi ong mật, nuôi gà địa phương, lợn rừng giống F1, tắc kè hoa, nhím, làm đồ gỗ mỹ nghệ...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ Trần Đức Tuân, các mô hình này năm 2013 không chỉ giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động, mà còn góp phần đáng kể đưa tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp toàn huyện đạt 162 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, giảm còn 4,36% số hộ nghèo.
Được biết, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, trong năm 2013, tuy còn khó khăn nhưng nhiều tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và nhân dân ở huyện Hoành Bồ đã chung tay bê-tông hóa thêm 46 km đường giao thông nông thôn, hơn 3,2 km mương thủy lợi, đưa vào sử dụng thêm sáu nhà văn hóa, với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng.
BÀI VÀ ẢNH: QUANG ANH
Nguồn nhandan.org.vn