Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay các đoàn kiểm tra của Bộ NNPTNT và Cục Quản lý thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đang phối hợp "tỏa" đi 15 tỉnh, thành trọng điểm để lấy mẫu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tiếp tục xét nghiệm xem có chứa chất tạo nạc (Beta- agonist) trong sản phẩm hay không.
Nguồn thịt lợn ở thị trường miền Bắc được đánh giá là không có tồn dư chất cấm. |
"Đến thời điểm này, đã có một số tỉnh gửi báo cáo về Cục Chăn nuôi, kết quả đều không quá đáng ngại. Riêng Đồng Nai, kết quả xét nghiệm cuối cùng cho thấy, chỉ có 3% mẫu thịt có chứa chất cấm"- ông Sơn nói. Hiện nay, các đoàn kiểm tra liên ngành đang tiếp tục lấy mẫu ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Theo Cục Chăn nuôi, chậm nhất đến cuối tháng 3 sẽ có kết quả xét nghiệm mẫu TĂCN trên cả nước để báo cáo với Bộ trưởng Bộ NNPTNT và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, còn nhiều tỉnh vẫn chưa có báo cáo gửi về Cục (trước đó Cục Chăn nuôi đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành gửi kết quả mẫu xét nghiệm trước ngày 28.3).
Ông Sơn cho biết thêm: "Chúng tôi không thể đi lấy mẫu ở cả 63 tỉnh, thành để phân tích, vì thế cần có sự phối hợp của các địa phương. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra lấy mẫu lần này, Cục sẽ xử lý kết quả mang tính định tính để có kết luận chính xác nhất".
Đề nghị công an vào cuộc
Trước tính chất phức tạp và nguy hiểm của các loại chất cấm dùng trong TĂCN, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã chính thức đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra. Theo ông Diệp Kỉnh Tần - Thứ trưởng Bộ NNPTNT: "Rõ ràng là có cả một đường dây buôn bán chất cấm, có tổ chức, vì thế rất cần có sự vào cuộc của công an để ngăn chặn tận gốc".
Ông Tần cũng chia sẻ: "Chỉ vì một vài địa phương bị phát hiện có thành phần cấm trong chất tạo nạc mà nhiều người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn. Sử dụng chất cấm tạo nạc cho lợn là hành vi mất đạo đức, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cộng đồng. Vấn đề là việc buôn bán chất cấm này không chỉ tại các cửa hàng thuốc mà thương lái còn mang đến tận từng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bán với giá rất rẻ".
Ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội TĂCN cho rằng: "Việc công bố kết quả kiểm tra cần được công bố càng sớm, càng tốt. Đây là động thái để vừa đảm bảo quyền lợi người chăn nuôi, người tiêu dùng cũng như thể hiện trách nhiệm xã hội của cơ quan nhà nước".
Tuy nhiên, theo ông Lịch, chúng ta cần thực hiện kiểm tra thường xuyên hơn, không phải cứ đến khi báo chí lên tiếng, người tiêu dùng hoang mang, thậm chí quay lưng lại với thực phẩm thì các cơ quan chức năng mới ráo riết vào cuộc".
Cũng theo ông Lịch, một mình Cục Chăn nuôi không thể "gánh" hết trọng trách lấy mẫu định kỳ, đột xuất mà phải có sự vào cuộc của Sở NNPTNT các tỉnh, thành. Muốn vậy, hàng năm Bộ NNPTNT cần có dự trù kinh phí để các địa phương có thể triển khai thường xuyên, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Đăng Vang- Ủy viên Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia: "Người chăn nuôi cần phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai xét nghiệm mẫu nước tiểu cho đàn lợn của mình. Mặt khác, cần xét nghiệm nhanh, công khai trại vi phạm ngăn chặn nơi tàng trữ chất clenbuterol, salbutamol, sự vào cuộc khẩn trương của cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT, các sở NNPTNT... thì thiệt hại do vấn nạn này sẽ được giảm đáng kể".
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn