02:38 EST Thứ sáu, 27/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tái cơ cấu ngành nông nghiệp » Sản phẩm chủ lực » Cấp Tỉnh


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Đề án phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020

Thứ tư - 13/06/2012 23:32
Để phát triển chăn nuôi lợn theo hướng gia trại, trang trại công nghiệp, vùng chăn nuôi tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, từng bước giảm dần chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tạo ra ngàycàng nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; phát triển ngành chăn nuôi lợn theo hướng hàng hoá lớn có khả năng cạnh tranh cao, bền vững. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình uỷ ban nhân dân tỉnh ban hànhĐề án phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 với các nội dung như sau:

1. Sự cần thiết:
Hà Tĩnh có tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội để phát triển chăn nuôi: Diện tích đất nông nghiệp 461.883 ha, chiếm 77%; cư dân nông thôn chiếm 85%; lao động trong nông nghiệp chiếm 62%; giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 35%, tỷ trọng chăn nuôi chiếm42% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong đó chăn nuôi lợn là nghề sản xuất truyền thống, giữ vai trò vị trí quan trọng nhất trong ngành chăn nuôi, chiếm khoảng 69% tổng khối lượng thịt hơi các loại. Những năm gần đây, các giống lợn có năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất, cùng với áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi nên đã hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung, công nghiệp và các mô hình sản xuất liên doanh, liên kết phát triển bền vững.
Tuy vậy, chăn nuôi chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ trong nông hộ vẫn là chủ yếu, chăn nuôi trang trại chưa nhiều, năng suất chất lượng, hiệu quả chưa cao; một số dịch bệnh chưa được kiểm soát, nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng cao, đặc biệt là những nơi chăn nuôi gia trại mật độ lớn.
Hiện nay triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện dự án Formosa tại huyện Kỳ Anh, để tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người chăn nuôi tại các xã xây dựng nông thôn mới và các vùng tái định cư thì phát triển chăn nuôi lợn là một trong những giải pháp cần thiết. Nhưng chăn nuôi lợn tự phát, nếu không có sự quản lý của Nhà nước tại các vùng tái định cư và các xã nông thôn mới có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao, dễ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân và chăn nuôi phát triển không bền vững.
Để chuyển dịch chăn nuôi lợn theo hướng gia trại, trang trại tập trung công nghiệp, đảm bảo năng suất và hiệu quả cao, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân vùng tái định cư và cư dân nông thôn nhằm đạt các tiêu chí nông thôn mới; hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi lợn.
2. Căn cứ pháp lý:
- Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương.
- Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020.
- Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg ngày 20/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 12/12/1999 về chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đến năm 2010.
- Quyết định số 2194/2009/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020.
- Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 13/12/2007 hướng dẫn chế độ đặt hàng sản xuất và cung ứng giống vật nuôi.
- Quyết định số 66/2008/QĐ-BNN ngày 20/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy định vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
- Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 19/5/2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
- Quyết định 2165/QĐ-UBND ngày 16/7/2009 của UBND tỉnh  về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 19/5/2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
 
Phần I
 
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI LỢN Ở HÀ TĨNH
            I. Thực trạng phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian qua
            1. Số lượng và sản lượng thịt hơi xuất chuồng:
            Về tổng đàn lợn: Theo số liệu Cục Thống kê Hà Tĩnh, số lượng đàn lợn (tại các thời điểm điều tra từ năm 2006 - 2010) phát triển tương đối ổn định, năm 2010 là 381.636 con. Những năm 2006, 2007 và 2009 không có dịch bệnh, đàn lợn năm sau thường tăng từ 4,3 - 4,4%/năm. Riêng các năm 2008 và 2010 (đặc biệt năm 2008) dịch lợn tai xanh xảy ra trên diện rộng và diễn biến phức tạp làm cho tổng đàn lợn của Hà Tĩnh giảm tương ứng là 0,3 và 13,4% so với năm liền trước đó.
          - Về sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng: Mặc dù tổng đàn lợn có mặt thường xuyên giai đoạn 2006 - 2010 không tăng nhưng do áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn, chuồng trại, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng nên thời gian nuôi dưỡng rút ngắn, số lượng lợn xuất chuồng trong năm tăng lên. Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng liên tục năm sau cao hơn năm trước; tăng từ 33,6 ngàn tấn năm 2006 lên 42,8 ngàn tấn vào năm 2010, tăng bình quân 6,2%/năm.
2. Cơ cấu và chất lượng đàn:
a) Đàn lợn nái 44.737 con, chiếm 11,7% tổng đàn, tỷ lệ đàn nái còn thấp (bình quân cả nước 17,3%). Trong đó:
 - Nái ngoại 3.358 con, chiếm 7,5% đàn nái, tỷ lệ đàn nái ngoại thấp (bình quân cả nước 15%). Về giống nái ngoại là các giống năng suất: Landrace, Yorkshire, Duroc. Đàn nái ngoại sinh trưởng, phát triển, sinh sản tốt ở các trang trại chăn nuôi tập trung công nghiệp, bán công nghiệp và sinh ra đàn con thương phẩm có năng suất cao, tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng thấp.
- Đàn lợn nái lai (nội x ngoại): có 8.057 con, chiếm 18,5% đàn nái; tỷ lệ nái lai này rất thấp (bình quân cả nước là 77%); công thức lai chủ yếu là đực Landrace hoặc đực Yorkshire và nái Móng Cái; đàn nái lai phù hợp với điều kiện chăn nuôi gia trại, số lứa và số con trên lứa tương đối cao; khi phối với đực giống PiDu, Duroc thì cho con thương phẩm tăng trọng nhanh, tỷ lệ nạc khá cao.
- Nái nội: có 33.105 con, chiếm 74% đàn nái; tỷ lệ nái nội quá cao, làm giảm năng suất và hiệu quả ngành chăn nuôi.
b) Đàn lợn đực giống 388 con, trong đó đàn lợn sử dụng thụ tinh nhân tạo 77 con gồm các giống sau: Landrace, Yorkshire, Duroc, PiDu, Móng Cái.
c) Đàn lợn thịt 335.911 con, chiếm 88,2% tổng đàn, bình quân khối lượng hơi xuất chuồng là 64 kg/con; nhìn chung bình quân khối lượng xuất chuồng còn thấp.              
3. Phương thức chăn nuôi
          a) Chăn nuôi truyền thống: Có từ lâu đời và tồn tại phổ biến ở các vùng nông thôn, với quy mô dưới 10 con; số lượng đầu con chiếm khoảng 80%, nhưng sản lượng chiếm khoảng 66% tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng.
 Phương thức chăn nuôi này đầu tư thấp, tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp và các sản phẩm làm nghề phụ; dễ thực hiện và đang phù hợp với điều kiện cụ thể đối với hầu hết các hộ gia đình nông thôn, tạo thu nhập chính cho cư dân nông thôn. Nhưng năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, dịch bệnh dễ phát sinh và khó kiểm soát, nguy cơ ô nhiễm môi trường.
b) Chăn nuôi gia trại: Đây là phương thức chăn nuôi có sự kết hợp những kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống và kỹ thuật nuôi dưỡng tiên tiến, mục đích chăn nuôi mang tính hàng hoá. Về quy mô có từ 11 - 50 lợn thịt có mặt thường xuyên; sử dụng trên 40% thức ăn công nghiệp, còn lại thức ăn phối trộn; con giống chủ yếu là con lai có từ 50 - 75% máu ngoại trở lên. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.892 gia trại, chiếm 14,4% số hộ chăn nuôi, nhưng sản lượng thịt xuất chuồng hàng năm khá cao, chiếm tỷ lệ 22%.
 Phương thức này cho năng suất chăn nuôi bước đầu đã được nâng cao, phù hợp với những vùng sản xuất thâm canh lúa, ngô; nhưng nếu không kiểm soát chặt chẽ về quy hoạch, xử lý môi trường sẽ phát sinh dịch bệnh và nguy cơ ô nhiễm môi trường trong nông thôn là rất cao.
          c) Chăn nuôi trang trại: Là phương thức chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, quy trình chăn nuôi tiên tiến; quy mô có mặt thường xuyên 20 nái hoặc từ 100 lợn thịt trở lên; hoàn toàn sử dụng thức ăn công nghiệp; giống chủ yếu là lợn ngoại 3 hoặc 4 và 5 máu; chuồng trại sử dụng: chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, máng uống tự động,... Hiện nay, toàn tỉnh chỉ mới có 115 trang trại, hàng năm sản lượng thịt hơi xuất chuồng chiếm 12%.
          Đây là phương thức chăn nuôi cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, an toàn dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, phương thức này gặp khó khăn về đất đai, vốn đầu tư lớn, đòi hỏi áp dụng quy trình kỹ thuật cao, kiến thức quản lý trang trại tốt; cần phải liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để phát triển sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
4. Một số mô hình chăn nuôi hiện nay:
a) Mô hình chăn nuôi liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco: Có 19 mô hình chăn nuôi liên kết, hàng năm sản xuất 20.580 con lợn thịt chất lượng cao xuất chuồng, chiếm 3% số lượng lợn hơi xuất chuồng của tỉnh. Thực chất đây là mô hình liên kết 4 nhà “Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp”.
           Mô hình đã giải quyết được 3 vấn đề cơ bản của người nông dân khi liên kết với công ty là “vốn - kỹ thuật - đầu ra”; người chăn nuôi được cung cấp giống tốt, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tiếp thu kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi, được bao tiêu sản phẩm; hiệu quả kinh tế khá cao, phát triển bền vững. Tuy vậy, hiện nay nông dân gặp khó khăn về giao đất, thiếu vốn để xây dựng chuồng trại; Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco chưa đủ lợn giống để mở rộng vệ tinh; Chính quyền các cấp chưa quan tâm đến quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung tách khỏi khu vực dân cư.
b) Mô hình tổ hợp chăn nuôi tại thôn Hoành Nam và khu tái định cư các xã Kỳ Liên, Kỳ Phương huyện Kỳ Anh: Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện, mỗi tổ hợp từ 15 đến 20 hộ, quy mô mỗi hộ từ 10 - 15 lợn thịt. Vốn do Ngân hàng Chính sách cho vay mỗi hộ 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi (0,65%/tháng) để xây dựng chuồng trại, gắn bể Biogas composite và mua con giống, thức ăn. Mô hình này góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người dân ở khu vực tái định cư, sử dụng khí đốt trong quá trình xử lý chất thải chăn nuôi phục vụ sinh hoạt gia đình; bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Tuy vậy, mô hình phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, nằm trong khu dân cư; người chăn nuôi chưa tiếp cận được quy trình kỹ thuật chăn nuôi như con giống, công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi,... nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao, dễ phát sinh dịch bệnh cho đàn lợn và ảnh hưởng sức khoẻ con người.
c) Mô hình phát triển chăn nuôi theo Quyết định 252/QĐ-UBND ngày 20/01/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh: đã xây dựng được 29 mô hình nuôi 10 nái ngoại trở lên kết hợp với xây bể Biogas, các mô hình đã phát huy được hiệu quả và được nhân rộng tại các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Lộc Hà,.. góp phần nâng cao tỷ lệ nái ngoại của tỉnh và phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại.
d) Mô hình khuyến nông: Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã xây dựng được 9 mô hình trình diễn chăn nuôi lợn nái sinh sản và chăn nuôi lợn thịt hướng nạc an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường tại các huyện Can Lộc, Hương Sơn, Cẩm Xuyên,... Nhìn chung các mô hình đã thành công, được nhân rộng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phát triển theo hướng thâm canh, hàng hoá.
e) Vùng chăn nuôi tập trung:
- Vùng chăn nuôi Cẩm Thành, Cẩm Xuyên: Có diện tích 2 ha, 6 hộ chăn nuôi lợn thịt quy mô 1.910 con, với hình thức liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco. Hàng năm sản xuất ra số lợn hơi xuất chuồng khá lớn là 5.730 con lợn có chất lượng cao, chiếm 0,9% tổng số lợn hơi xuất chuồng của cả tỉnh. Chăn nuôi bước đầu mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập, an toàn dịch bệnh, phát triển khá bền vững.
- Vùng chăn nuôi tập trung tại xã Thiên Lộc, Can Lộc:
Quy hoạch diện tích 18.5 ha cho 20 hộ phát triển chăn nuôi, đến thời điểm hiện nay chỉ có hộ chị Nguyễn Thị Bình với phương thức chăn nuôi trang trại khép kín với quy mô 50 lợn nái, 300 lợn thịt; đạt hiệu quả kinh tế cao, còn các hộ khác phát triển chăn nuôi chưa hiệu quả.
Phát triển chăn nuôi theo hướng liên doanh, liên kết giải quyết được 3 khâu quan trọng đó là “vốn - kỹ thuật, công nghệ - đầu ra”; cần nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung Cẩm Thành, Cẩm Xuyên.
5. Công tác giống:
          a) Tình hình sản xuất con giống và liều tinh:
- Số lượng lợn giống được sản xuất ra khoảng 620.000 con/năm, số lợn này đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu lợn giống  trên địa bàn tỉnh, 30% nhu cầu lợn giống còn lại phải mua trên thị trường chủ yếu có nguồn gốc từ tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá.
- Hàng năm sản xuất 77.600 liều tinh đáp ứng được 50% nhu cầu phối giống trên địa bàn tỉnh, số còn lại do sử dụng đàn lợn phối giống trực tiếp.
b) Hệ thống sản xuất giống và cung ứng giống:
- Trung tâm Giống chăn nuôi có đàn lợn giống cấp ông bà, hàng năm sản xuất và cung ứng trên thị trường khoảng 300 lợn nái cấp bố mẹ (để sản xuất giống thương phẩm), đáp ứng được 3% nhu cầu thay thế đàn.
- Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco có quy mô 1.250 nái ngoại hàng năm sản xuất 27.000 lợn con thương phẩm cho các cơ sở chăn nuôi liên kết.
- Đàn lợn giống thương phẩm đưa vào chăn nuôi chủ yếu do các cơ sở tự nhân giống hoặc mua trên thị trường.
Nhìn chung chưa sản xuất đủ con giống kể cả số lượng và chất lượng cho người chăn nuôi, người dân mua giống trôi nổi trên thị trường có chất lượng kém, dễ phát sinh dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi.
6. Sản xuất và cung ứng thức ăn chăn nuôi công nghiệp:
- Trên địa bàn tỉnh có nhà máy sản xuất thức ăn gia súc Thiên Lộc có công suất 120 ngàn tấn thức ăn/năm; hàng năm sản xuất được khoảng 20 ngàn tấn thức ăn (khoảng 17% công suất), trong đó thức ăn cho lợn chiếm 17 ngàn tấn, nhưng chỉ cung ứng trên địa bàn tỉnh 8 ngàn tấn, chiếm 10% lượng thức ăn công nghiệp tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
- Toàn tỉnh có 2.568 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi công nghiệp cho gia súc, gia cầm hàng năm cung ứng khoảng 81 ngàn tấn thức ăn.
- Tỷ lệ sử dụng thức ăn công nghiệp còn thấp (bình quân cả nước 53%) nên chưa khai thác hết tiềm năng của các giống lợn có năng suất và chất lượng cao.
          7. Công tác thú y:
            a) Tình hình dịch bệnh: Các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn (Tai xanh, dịch tả lợn, lở mồm long móng) vẫn còn xẩy ra.
- Dịch tai xanh: Năm 2008, dịch tai xanh ở lợn xẩy ra trên địa bàn 5 huyện, thành phố thị xã, có 31.208 con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ, thiệt hại 40 tỷ đồng; năm 2010 dịch tai xanh tái phát tại huyện Thạch Hà và Can Lộc, có 1.081 con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ; Năm 2011: Tính đến ngày 11/5/2011, dịch tai xanh tái phát tại 3 huyện, thành phố (TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà), có 501 con lợn mắc bệnh, đã tiêu huỷ 455 con.
- Dịch tả lợn: Đầu năm 2009 dịch tả lợn đã phát ra tại huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, có 660 con lợn mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy.
- Dịch lở mồm long móng (LMLM): Đầu năm 2011, dịch LMLM phát ra trên đàn lợn tại các huyện (Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà), có 234 con lợn mắc bệnh, tiêu huỷ 220 con.
b) Các biện pháp chống dịch đã triển khai:
Khi dịch xẩy ra, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã nhanh chóng công bố dịch và chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các Ban ngành liên quan tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch: Tiêu huỷ lợn mắc bệnh; tiêm phòng bao vây; vệ sinh, tiêu độc khử trùng; cấm vận chuyển động vật cảm nhiễm ra vào vùng dịch và vùng khống chế,.. nên đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra trên đàn lợn.
          c) Nguyên nhân xảy ra dịch:
          - Do phương thức chăn chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán khó thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.
- Ý thức tự giác áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (tiêm phòng, thực hiện việc nuôi cách ly, tiêu độc khử trùng, báo cáo dịch,..) của người chăn nuôi chưa cao.
- Tỷ lệ tiêm phòng định kỳ các bệnh bắt buộc theo quy định còn thấp (bình quân từ năm 2006 - 2010 như sau: vắc xin dịch tả lợn 37,22%; tụ huyết trùng lợn 22,64%; lở mồm long móng 25,5%), chưa thực hiện tiêm phòng bổ sung cho đàn lợn mới nhập đàn.
- Công tác kiểm soát động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh đặc biệt là gia súc đưa về làm giống chưa được chặt chẽ.
- Công tác phát hiện và báo các ổ dịch ở cơ sở còn chậm, ảnh hưởng đến công tác dập dịch.
- Lực lượng thú y cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng; chế độ phụ cấp chưa đảm bảo hoạt động.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật cho sản xuất giống và công tác thú y chưa đảm bảo.
8. Hệ thống giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm:
a) Giết mổ: Trên địa bàn tỉnh có 04 cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Thạch Hà và 229 điểm giết mổ; ước tính số lượng lợn đưa vào giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung và các điểm giết mổ khoảng 75%, còn 25% số lợn giết mổ tại các hộ gia đình ở vùng sâu vùng xa.
b) Chế biến sản phẩm chăn nuôi lợn: Chủ yếu dạng sơ chế (thịt tươi sống), một phần nhỏ được sản xuất dò, chả.
c) Tiêu thụ sản phẩm: Thông qua thương lái (khoảng 97% số lượng lợn xuất chuồng).
 Việc giết mổ lợn chủ yếu thủ công tại các điểm giết mổ chưa đảm bảo vệ sinh thú y. Chưa có cơ sở giết mổ chế biến công nghiệp, tạo ra các sản phẩm như thịt hộp, dăm bông xúc xích,... để phục vụ thị trường trong tỉnh và ngoại tỉnh nhằm tạo đầu ra ổn định cho chăn nuôi lợn.
 Chưa có các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người chăn nuôi để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nên người chăn nuôi bán qua thương lái bị ép giá dẫn đến hiệu quả chăn nuôi chưa cao.
9. Công tác xử lý chất thải và môi trường chăn nuôi:
- Các trang trại chăn nuôi tập trung: Cơ bản xử lý chất thải bằng hầm Biogas, tận dụng nguồn năng lượng khí đốt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
- Chăn nuôi trong nông hộ, gia trại: Một số hộ chăn nuôi đã xây bể Biogas theo các chương trình, dự án còn lại chủ yếu thực hiện xử lý chất thải bằng ủ phân, sử dụng chất thải trong chăn nuôi sau khi ủ làm phân bón cho sản xuất nông nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh có: 6% cơ sở chăn nuôi xử lý chất thải chăn nuôi lợn bằng hầm Biogas; 93% hộ chăn nuôi xử lý chất thải bằng ủ phân; 1%  xả chất thải không qua xử lý vào ao, hồ nuôi cá nước ngọt.
10. Chính sách phát triển chăn nuôi lợn (từ 2006 - 2010):
a) Dự án chuồng lợn nái ngoại cấp ông bà Đức Long, Đức Thọ: 4000 triệu đồng.
b) Chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi thú - y theo Quyết định 252/QĐ-UBND ngày 20/1/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh:
- Chính sách hỗ trợ nuôi giữ giống gốc từ (2006 - 2010): Cấp kinh phí cho Trung tâm Giống chăn nuôi sản xuất lợn nái cấp bố mẹ, đã sản xuất và cung ứng được 2.340 con. Kinh phí thực hiện: 943 triệu đồng.
- Chính sách xây dựng mô hình chăn nuôi lợn nái ngoại: Đã xây dựng 37 mô hình nuôi lợn nái ngoại kết hợp xây bể Biogas với quy mô trên 10 nái ngoại; kinh phí thực hiện: 178 triệu đồng.
- Hỗ trợ cho trưởng Ban chăn nuôi - thú y xã phường thị trấn: 1.572 triệu đồng.
c) Chính sách hỗ trợ phát triển vùng trang trại chăn nuôi theo quyết định 2956/QĐ-UBND ngày 15/12/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh: 150 triệu đồng hỗ trợ quy hoạch.                        
d) Hỗ trợ xây bể Biogas của Dự án Khí sinh học trong chăn nuôi, năm 2010 đã hỗ trợ: 243 triệu đồng.
e) Ngoài ra các huyện, thành phố, thị xã đã hỗ trợ lãi suất ngân hàng để phát triển trang trại chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, hỗ trợ kinh phí xây dựng bể Biogas,.. số tiền khoảng 1.400 triệu đồng.
11. Hệ thống tổ chức ngành:
Hệ thống quản lý nhà nước về chăn nuôi đã có ngành dọc từ tỉnh đến huyện; ở tỉnh có Phòng Chăn nuôi biên chế 05 người; ở cấp huyện có Phòng Nông nghiệp và PTNT trong đó có 01 kỹ sư chăn nuôi phụ trách; ở cấp xã hiện nay UBND tỉnh có Quyết định thành lập Ban chăn nuôi - thú y với số lượng 3-5 người nhưng thực tế chỉ có Trưởng Ban chăn nuôi - thú y xã phường hoạt động chủ yếu lĩnh vực thú y và được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100.000đ/tháng, còn lại tuỳ vào điều kiện của các huyện, thành phố, thị xã có thể hỗ trợ thêm.
II. Đánh giá chung
1. Kết quả đạt được
- Chăn nuôi lợn khẳng định được vị trí quan trọng nhất trong ngành chăn nuôi (chiếm 69% khối lượng thịt hơi xuất chuồng), góp phần đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 42% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; tốc độ tăng trưởng về sản lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân 6,2%/năm.
- Chăn nuôi lợn đã tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
- Phương thức chăn nuôi có sự chuyển biến tích cực từ chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ trong nông hộ sang phát triển theo hướng trang trại, tách khỏi khu dân cư, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Chăn nuôi trang trại số lượng còn ít nhưng đã khẳng định được hướng đi tất yếu là phát triển trại tập trung, tách khỏi khu vực dân cư.
- Chất lượng giống và kỹ thuật chăn nuôi đã được cải thiện, một số giống lợn năng suất cao (Landrace, Yorkshire, Duroc, PiDu) đã đưa vào sản xuất, áp dụng các công thức lai (CP, PIG,...) mang lại hiệu quả cao.
- Đã hình thành một số mô hình trang trại chăn nuôi liên doanh, liên kết, thực hiện tốt công tác thú y và xử lý môi trường chăn nuôi nên phát triển bền vững, có xu thế được nhân ra diện rộng.
2. Tồn tại, hạn chế:
          - Chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, phân tán, tận dụng vẫn chiếm tỷ lệ cao (80% đầu con); chăn nuôi trang trại phát triển chậm, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ chưa đồng bộ, trình độ quản lý thấp; năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp; giá thành sản phẩm cao.
- Sản xuất cung ứng giống lợn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi, nên phải nhập lợn giống trôi nổi trên thị trường không đảm bảo phẩm cấp giống và an toàn dịch bệnh.
- Vấn đề phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi chưa được đảm bảo, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (tai xanh, dịch tả lợn, lở mồm long móng) còn phát ra làm ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi.
- Chưa có quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi, vùng chăn nuôi tập trung; thủ tục giao đất, cho thuê đất còn nhiều khó khăn, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm ảnh hưởng tới quá trình đầu tư phát triển chăn nuôi.
- Khả năng tiếp cận nguồn vốn của người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó thời gian vay vốn ngắn chưa phù hợp với chu kì nuôi, gây khó khăn khi định hướng phát triển chăn nuôi lợn lâu dài.
          - Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh thấp, hệ thống cung ứng thức ăn chăn nuôi qua nhiều tầng nấc trung gian nên giá thức ăn chăn nuôi bị đẩy lên cao ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi.
          - Sản xuất chưa gắn với giết mổ, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, nên đầu ra còn bấp bênh; chưa xây dựng mối liên kết giữa sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, thị trường tiêu thụ sản phẩm với người chăn nuôi.             .
          3. Nguyên nhân của tồn tại
           - Chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, phân tán mang tính tận dụng là tập quán lâu đời của người dân, không dễ chuyển đổi sang chăn nuôi trang trại nên hạn chế việc áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, quy trình vệ sinh phòng dịch.
- Người nông dân nghèo, thiếu vốn, thiếu đất đai để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi, trong khi vốn đầu tư cho xây dựng trang trại chăn nuôi lớn, lợi nhuận trong chăn nuôi lợn chưa cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.
- Về vai trò quản lý Nhà nước:
          Sự phát triển chăn nuôi lợn chủ yếu tự phát, thiếu quy hoạch phát triển chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung.
          Cơ chế chính sách đầu tư cho phát triển chăn nuôi lợn còn ít, thiếu đồng bộ, chưa hấp dẫn và thu hút được các nhà đầu tư.
          Năng lực đội ngũ cán bộ chăn nuôi - thú y cấp cơ sở còn hạn chế, chưa thực hiện tốt công tác phát triển chăn nuôi, quản lý dịch bệnh trên địa bàn.
          Chính quyền một số nơi chưa thực sự quan tâm chỉ đạo phát triển chăn nuôi lợn.
          - Về chính sách:
          Việc thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để phát triển trang trại chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn, chưa có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất cho đầu tư phát triển chăn nuôi và cơ sở giết mổ chế biến công nghiệp.
          Chưa có chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay cho phát triển chăn nuôi lợn, người dân khó tiếp cận nguồn tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định hiện hành.
          Phụ cấp cho Trưởng Ban chăn nuôi - thú y còn quá thấp, các ban viên chưa có phụ cấp.
          - Khí hậu khắc nghiệt: Bão, lũ, nắng nóng, hạn hán ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chăn nuôi.
          - Tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước (đặc biệt các tỉnh liền kề) diễn biến hết sức phức tạp.
Phần II
MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI LỢN
GIAI ĐOẠN 2011 – 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020
I. Mục tiêu phát triển
1. Mục tiêu chung:
 Phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại công nghiệp, vùng chăn nuôi tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, có quy trình chăn nuôi, thú y và bảo vệ môi trường chặt chẽ, đảm bảo an toàn dịch bệnh; từng bước giảm dần chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ trong nông hộ; nâng cao năng suất hiệu quả kinh tế, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; phát triển ngành chăn nuôi lợn có khả năng cạnh tranh cao, bền vững.
             2. Mục tiêu cụ thể
- Tốc độ tăng trưởng:
 Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lợn tăng bình quân giai đoạn 2011-2015: 13,8%/năm; giai đoạn 2015 - 2020: 7,3%/năm.
Về tổng đàn (số đầu lợn có mặt thường xuyên): năm 2015 là 500 ngàn con và năm 2020 là 580 ngàn con (giai đoạn 2010 - 2015 tăng bình quân là 5,6%/năm; giai đoạn 2015 - 2020 là 3,2%/năm).  
Về sản lượng thịt hơi xuất chuồng: Năm 2015 đạt 71 ngàn tấn và năm 2020 đạt 89 ngàn tấn (giai đoạn 2010 - 2015 tăng bình quân là 10,7%/năm; giai đoạn 2015 - 2020 là 5,1%/năm).
Tỷ lệ nạc trong thịt xẻ đạt đến năm 2015 đạt 54% và 56% vào năm 2020.
- Cơ cấu và chất lượng đàn:
Tăng tỷ lệ đàn nái: Tăng tỷ lệ đàn nái trong tổng đàn lợn hiện nay từ 12% lên 16% vào năm 2015 và ổn định từ  18% vào năm 2020.
Tăng tỷ lệ nái ngoại: Từ 7,5% tổng đàn nái hiện nay tăng lên trên 25% năm 2015 và đạt trên 30% vào năm 2020.
Số lượng đàn lợn đực giống chiếm 1,5 - 1,6% tổng đàn nái.
- Chuyển đổi cơ cấu trong chăn nuôi: Tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại công nghiệp từ 12% (hiện nay) lên 40% năm 2015, đạt 60% năm 2020.
- Áp dụng đồng bộ công nghệ giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao năng suất chăn nuôi lợn.
- Kiểm soát, khống chế được dịch bệnh: Kiểm soát, khống chế cơ bản được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn như: Tai xanh, dịch tả, lở mồm long móng, v.v...
- Giết mổ, chế biến, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm: Đến năm 2015, có 50% số gia súc được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, 50% còn lại giết mổ tại các điểm giết mổ; 100% thịt lợn tiêu thụ trên địa bàn được kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Xây dựng các nhà máy chế biến súc sản bao gồm giết mổ, chế biến công nghiệp tạo các sản phẩm: thịt hộp, dăm bông, xúc xích,… phục vụ trong các khu công nghiệp, thị trường trong tỉnh và xuất khẩu.
- Giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tăng tỷ lệ gia trại, trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải bằng Biogas từ 06% hiện nay lên 25% năm 2015 và khoảng 40% năm 2020.
III. Nội dung
1. Chăn nuôi lợn nông hộ truyền thống:
- Từng bước giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ; hiện nay chiếm 80% đầu con, phấn đấu đến năm 2015 chiếm dưới 60% và năm 2020 chiếm dưới 45%; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
- Giống (thương phẩm): Sử dụng con lai F1, các hộ tự nhân giống sản xuất “khép kín” hoặc mua giống ở trong huyện.
- Thức ăn: Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và sản phẩm nghề phụ, nhưng phải được chế biến đảm bảo hợp vệ sinh (nấu chín, ủ lên men vi sinh vật,...)
- Chăn nuôi truyền thống phải có chuồng trại hợp vệ sinh, có bể chứa và tiến hành ủ phân trước khi bón ruộng.
2. Chăn nuôi gia trại:
            - Tăng hợp lý số lượng gia trại chăn nuôi, theo hướng phải đảm bảo hiệu quả, có quy trình chăn nuôi chặt chẽ, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ chăn nuôi gia trại chiếm hơn 25%, năm 2020 là hơn 30%.
- Với quy mô từ 30 con trở lên bắt buộc chăn nuôi tách khỏi khu dân cư, chăn nuôi theo hướng trang trại; quy mô từ 10 - 30 con yêu cầu nâng cấp chuồng trại phù hợp và đảm bảo vệ sinh thú y, có hệ thống xử lý chất thải bằng hầm Biogas.
          - Thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh và xử lý chất thải chăn nuôi.
          - Sử dụng giống lợn ngoại lai 3 máu, hoặc 3/4 máu ngoại; các xã có mật độ đàn lợn lớn, đặc biệt đàn nái tại các huyện (Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc,...) tiến hành xây dựng các vùng giống nhân dân nhằm chủ động con giống bảo đảm chất lượng và an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.
- Về thức ăn: Dùng thức ăn đậm đặc phối trộn với bột ngô, sắn,.. nhằm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi (khoảng 6%) nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng.
          - Hình thức tổ chức sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo hướng Tổ hợp, Hợp tác xã, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
          - Quản lý phát triển chăn nuôi: Nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp xã quy định quy mô chăn nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh (tiêm phòng bắt buộc, nhập giống gia súc, nuôi cách ly, tiêu độc khử trùng,…), xử lý chất thải trong chăn nuôi; từ đó chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể tuyên truyền tổ chức thực hiện nhằm phát triển chăn nuôi bền vững. Ngoài ra cộng đồng dân cư ký kết các hương ước thực hiện chăn nuôi an toàn dịch, bảo đảm vệ sinh môi trường.
3. Chăn nuôi lợn trang trại:
Phát triển chăn nuôi trang trại là con đư­ờng tất yếu để nâng cao năng suất, chất l­ượng và tạo ra khối lư­ợng sản phẩm hàng hoá lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chăn nuôi trang trại tập trung là một trong những giải pháp nhằm kiểm soát đ­ược dịch bệnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trư­ờng nhất là tại khu vực nông thôn.
- Phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững mô hình chăn nuôi trang trại tách khỏi khu dân cư, an toàn dịch bệnh và bảo đảm môi trường sinh thái, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ chăn nuôi lợn trang trại chiếm hơn 20%, năm 2020 là hơn 30%.
- Phát triển chăn nuôi trang trại trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung hoặc ở các vùng đồi núi, bãi cát ven biển, vùng đất trồng trọt kém hiệu quả, đất hoang hoá,... dễ thực hiện việc giao đất, thuê đất, thuận lợi cho xử lý môi trường, nguồn phân sau khi ủ sinh học sử dụng cho cây trồng và cải tạo đất.
- Tuỳ theo điều kiện sinh thái và tình hình thực tiễn của các địa phương, có thể lựa chọn các hình thức chăn nuôi trang trại khác nhau:
Trang trại chăn nuôi hộ gia đình theo quy hoạch (chỉ một chủ trang trại đầu tư); trang trại gắn với vùng chăn nuôi tập trung (có nhiều chủ trang trại đầu t­ư); trang trại chăn nuôi tổng hợp (mô hình VAC).
- Chăn nuôi trang trại tập trung đòi hỏi sự đầu tư­ đồng bộ về con giống (sử dụng con lai 3,4 và 5 máu ngoại), chuồng trại, thiết bị và thức ăn chăn nuôi công nghiệp có chất lượng cao. Áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín (tự túc con giống), hoặc cùng vào, cùng ra, thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi.
- Tổ chức sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp; với phương châm gắn “người chăn nuôi - Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi - Doanh nghiệp sản xuất giống - Doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm”. Khuyến khích thành lập các hiệp hội chăn nuôi trang trại, hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức này tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Khuyến khích Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đầu tư tăng nhanh về số lượng và chất lượng giống lợn siêu nạc để sớm trở thành đơn vị chủ lực đơn vị cung cấp giống lợn ngoại cho toàn tỉnh.
4. Chăn nuôi lợn ở xã nông thôn mới:
- Chăn nuôi góp phần nâng cao đời sống vật chất cho cư dân nông thôn, bảo vệ môi trường, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro cho người; cần thiết có sự hỗ trợ đầu tư của nhà nước về cơ sở hạ tầng cho vùng chăn nuôi tập trung và tổ chức sản xuất theo hướng liên kết từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ nhằm tăng hiệu quả đầu tư.
- Khi xây dựng nông thôn mới các xã phải quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tách khỏi dân cư bảo đảm các tiêu chí quy định, có diện tích phù hợp với quy mô phát triển theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
 Trong vùng chăn nuôi lợn  tập trung: Không nuôi thêm các loài vật nuôi khác; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, giống thương phẩm sử dụng lợn ngoại 3,4 và 5 máu, xây dựng cơ sở sản xuất lợn thương phẩm để cung cấp giống trong vùng (chăn nuôi khép kín) hoặc chăn nuôi theo quy trình “cùng vào và cùng ra” để đảm bảo an toàn dịch bệnh; sử dụng thức ăn công nghiệp; tổ chức sản xuất theo hướng hình thành Tổ hợp, Hợp tác xã liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi Mitraco hoặc các doanh nghiệp chăn nuôi khác, theo hình thức liên kết “4 nhà” để phát triển chăn nuôi bền vững.
- Trong khu dân cư: Các hộ có diện tích (trên 400 m2) đủ điều kiện chăn nuôi lợn theo hướng gia trại nhưng phải đảm bảo an toàn dịch và vệ sinh môi trường.
- Quản lý phát triển chăn nuôi: Chính quyền địa phương, ban quản lý hợp tác xã, cộng đồng dân cư quản lý công tác giống, phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường,...
5. Chăn nuôi tại địa phương tái định cư cho các dự án trọng điểm:
          Việc phát triển chăn nuôi lợn trong khu vực tái định cư để góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân trước mắt là hết sức cần thiết. Nhưng chăn nuôi đảm bảo hiệu quả, tăng thu nhập cho người nông dân, không làm suy thoái, huỷ hoại môi trường và phải đảm bảo an toàn dịch bệnh.
          - Yêu cầu: Số hộ chăn nuôi lợn (tại gia đình) nhỏ hơn 10% tổng số hộ trong vùng tái định cư; quy mô từ 15 - 20 con; có quy trình chăn nuôi, thú y chặt chẽ; xử lý chất thải bằng Biogas đảm bảo chất lượng, đủ dung tích, có hệ thống thoát nước thải đảm bảo, có thể kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường.
            - Đồng thời phải quy hoạch vùng chăn nuôi tách khỏi khu vực dân cư (tối thiểu 2 vùng/1 xã tái định cư với diện tích 5 - 10 ha/vùng), có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo theo quy định; phát triển chăn nuôi lợn như tại vùng chăn nuôi tập trung ở các xã xây dựng nông thôn mới.  
          - Hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác xã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp.
          - Quản lý phát triển chăn nuôi: Chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư giám sát mật độ số hộ chăn nuôi, quy mô và xử lý chất thải trong chăn nuôi.
          IV. Một số giải pháp
            1. Quy hoạch và đất đai:
            a) Quy hoạch: Năm 2011, hoàn thành quy hoạch phát triển chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, từ đó Uỷ ban nhân dân cấp huyện quy hoạch phát triển chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung của địa phương.
          Quy hoạch chăn nuôi lợn tập trung ở các vùng trà sơn, ven biển nơi có lợi thế về đất đai, dễ xử lý môi trường; chăn nuôi kết hợp với cải tạo đất chống sa mạc hoá.
          - Quy hoạch cơ sở sản xuất lợn giống:
          + Tập trung đầu tư Công ty Cổ phần chăn nuôi Mitraco thành đơn vị lớn nhất, cung cấp hơn 2/3 số lượng lợn giống ngoại cho toàn tỉnh.
          + Tổ chức lại hệ thống sản xuất giống theo hướng tập trung, quy mô lớn để tập trung đầu tư các nguồn lực.
          + Cơ sở nuôi lợn ông bà: Trước mắt nâng cấp Trạm lợn ngoại của Trung tâm Giống chăn nuôi đủ điều kiện để nuôi 200 nái; khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở nuôi giống cấp ông bà có quy mô trên 500 nái để sản xuất giống bố mẹ.
          + Xây dựng các cơ sở nuôi lợn bố mẹ để sản xuất giống lợn thương phẩm có quy mô trên 1.200 nái, các cơ sở chăn nuôi liên doanh, liên kết có quy mô trên 120 nái.
          - Quy hoạch các cơ sở thụ tinh nhân tạo:
          Trước mắt nâng cấp Trạm truyền giống Đức Long đủ tiêu chuẩn để sản xuất và cung ứng liều tinh chất lượng cao với quy mô 40 đực giống.
          Về lâu dài cần phải xây dựng 01 cơ sở truyền tinh nhân tạo có quy mô 100 lợn đực giống, áp dụng công nghệ cao.
          - Quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung, chế biến công nghiệp: Ở thành phố, thị xã có từ 1 - 2 cơ sở, ở thị trấn, thị tứ và khu vực đông dân có ít nhất 1 cơ sở, hình thành các cơ sở giết mổ tập trung liên xã. Xây dựng nhà máy sản xuất thịt hộp, dăm bông, xúc xích (trước mắt xây dựng 2 nhà máy chế biến súc sản ở khu kinh tế Vũng Áng và Thành phố Hà Tĩnh).
          b) Về Đất đai:
- Thực hiện theo các quy định của Luật Đất đai năm 2003, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 24/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai; tổ chức, cá nhân được thuê đất trong khoảng thời gian 50 năm để phát triển trang trại chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp.
- Tại khu tái định cư, các xã xây dựng nông thôn mới, chính quyền cấp huyện và cấp xã bảo đảm việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng vùng chăn nuôi tập trung theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Khuyến khích người nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để phát triển trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
 - Tạo điều kiện thuận lợi nhất về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để các tổ chức, cá nhân có điều kiện pháp lý vay vốn phát triển chăn nuôi ở các ngân hàng.
- Tổ chức, cá nhân thuê đất phát triển chăn nuôi lợn được giảm 70% tiền thuê đất 05 năm đầu và 50% trong 05 năm tiếp theo.
2. Giống:
- Phải đảm bảo sản xuất, cung ứng đủ giống có chất lượng cao, an toàn dịch cho phát triển chăn nuôi.
Đến năm 2015 toàn tỉnh có khoảng 80.000 nái, trong đó có 20.000 nái ngoại, 36.000 nái lai; năm 2020 có 104.000 nái, trong đó có 31.000 nái ngoại, 57.000 nái lai.
- Quản lý giống theo mô hình hình tháp gắn từng phương thức sản xuất, vùng sản xuất.
- Nái ngoại: Sử dụng các giống lợn năng suất cao như Landrace, Yorkshire, Pietrain, Duroc.
          + Cấp ông bà:  Xây dựng cơ sở nuôi lợn giống cấp ông bà có quy mô trên 200 nái để sản xuất lợn bố mẹ cho các trang trại chăn nuôi sản xuất lợn thương phẩm. Phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 2.000 con; năm 2020: 3.200 con nái ngoại cấp ông bà trên địa bàn tỉnh.
          Giao cho trung tâm Giống chăn nuôi, Công ty CP Mitraco, hoặc doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định thực hiện và được hỗ trợ kinh phí nuôi giữ giống gốc. Trước mắt có thể nhập giống bố mẹ của các Trung tâm giống của Trung ương hoặc các công ty trong và ngoài nước có uy tín và chất lượng cao.
          + Cấp bố mẹ: Xây dựng các cơ sở quy mô trên 1.500 nái ngoại (mô hình Công ty CP Mitraco) để sản xuất lợn thương phẩm cung ứng thị trường.
Khuyến khích xây dựng mới các trang trại chăn nuôi lợi nái có quy mô trên 1.200 nái của Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco hoặc các doanh nghiệp chăn nuôi khác ở những nơi có điều kiện thuận lợi về đất đai.
           Xây dựng các trang trại chăn nuôi sản xuất giống thương phẩm liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi Mitraco hoặc các doanh nghiệp chăn nuôi khác với quy mô trên 120 nái.
          Đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh có: 12.000 con; năm 2020: 20.000 nái ngoại cấp bố mẹ.
           Sử dụng các công thức lai sản xuất giống thương phẩm: Đối với các trang trại chăn nuôi tập trung công nghiệp sử dụng con lai 4, 5 máu; sử dụng đực cuối cùng Duroc, PiDu. Chăn nuôi quy mô nhỏ sử dụng con lai 3 hoặc 4 máu.
Chăn nuôi lợn nái cấp bố mẹ ở các doanh nghiệp chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi liên doanh, liên kết, trang trại chăn nuôi khép kín, các Hợp tác xã chăn nuôi.
          - Nái lai: Chọn lọc những con lai F1  giữa các đực Landrace, Yorkshire và nái Móng Cái đủ tiêu chuẩn làm giống.
          Giống thương phẩm: Sử dụng nái lai (đực Landrace hoặc Yorkshire và cái Móng Cái) sử dụng đực cuối là Duroc hoặc PiDu.
          Chăn nuôi lợn nái lai tại các gia trại và chăn nuôi truyền thống trong nông hộ; đến năm 2015 có 36.000 con và đạt 57.000 con nái lai vào năm 2020.
           - Song song với phát triển giống năng suất cao cần phải chú ý đến một số giống lợn năng suất thấp nhưng chất lượng tốt có thị trường tiêu thụ (lợn rừng, lợn địa phương,..) ở những vùng sinh thái thích hợp.
          - Đối với lợn đực giống:            
          Trong chăn nuôi lợn, đực giống có vai trò rất quan trọng trong việc cải tiến giống nhanh và hiệu quả nhất (tốt nái thì tốt một ổ, tốt đực thì tốt cả đàn). Do đó công tác giống lợn trước hết phải tập trung đầu tư cho đàn lợn đực giống và công tác thụ tinh nhân tạo.
 Đàn lợn đực giống dùng để thụ tinh nhân tạo: Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác hợp lý đàn lợn đực giống hiện có, tiến hành chọn lọc, bình tuyển, loại thải những đực giống không đạt phẩm cấp, mua bổ sung đủ quy mô đực giống chất lượng cao (tổng số khoảng 300 đực giống) để đáp ứng nhu cầu liều tinh trên địa bàn tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo đội ngũ dẫn tinh, kiện toàn lại mạng lưới cung ứng tinh, truyền tinh đảm bảo hoạt động có hiệu quả theo hướng tập trung.
          + Đàn lợn sử dụng phối giống trực tiếp: Triển khai công tác đăng ký, bình tuyển, xếp cấp, loại thải, thay thế những lợn giống không đạt phẩm cấp.
3. Kỹ thuật
          a) Chuồng trại:
          Cơ sở chăn nuôi phải có chuồng trại được quy hoạch, thiết kế phù hợp đảm bảo các điều kiện cho sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, tiện lợi cho công tác quản lý và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học; áp dụng các kiểu chuồng có khả năng chống nóng, chống rét, chống ẩm, chống lũ lụt.
          Với chăn nuôi lợn truyền thống trong nông hộ, phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y đối với chuồng nuôi, có hệ thống xử lý phân nước thải bằng hầm Biogas hoặc hố xử lý phân, rác thải.
          b) Thức ăn:
          Mở rộng diện tích thâm canh, sử dụng giống ngô mới, sắn cao sản có năng suất cao làm thức ăn chăn nuôi. Tăng cường các biện pháp kỹ thuật và công nghệ sau thu hoạch để bảo quản nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng sản lượng sản xuất thức ăn của nhà máy thức ăn gia súc Thiên Lộc, đảm bảo cung ứng trên 75% thức ăn công nghiệp trên đại bàn tỉnh; ký kết các hợp đồng cung ứng thức ăn từ nhà máy đến các cơ sở chăn nuôi để giảm các chi phí vận chuyển, bao bì, đóng gói và các chi phí tại các đại lý kinh doanh thức ăn. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc sử dụng thức ăn công nghiệp. Tăng tỷ lệ sử dụng thức ăn công nghiệp từ 37% năm 2010 lên khoảng 55 - 60% năm 2015 và 70 - 75% vào năm 2020.
          Áp dụng công nghệ vi sinh vật để tăng cường hiệu quả tiêu hoá thức ăn, an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm ô nhiễm môi trường.
          c) Kỹ thuật nuôi dưỡng:
          - Các trang trại chăn nuôi, vùng chăn nuôi tập trung áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín.
          - Hướng dẫn cho người chăn nuôi theo quy trình công nghệ phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của vật nuôi, để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và giảm chi phí thức ăn/kg tăng trọng, phấn đấu giảm từ 0,2 - 0,3 kg thức ăn cho kg tăng trọng.
d) Về thông tin tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật:
          - Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi nhằm từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung tách khỏi khu dân cư; áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ về giống, thức ăn, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh phòng dịch cho đàn gia súc.
          - Thường xuyên tuyên truyền phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung của Pháp lệnh Giống vật nuôi, Pháp lệnh Thú y, các quy định, hướng dẫn về quản lý giống vật nuôi và phòng chống dịch bệnh cho động vật, các chính sách của nhà nước về phát triển chăn nuôi.
          - Xây dựng các mô hình trình diễn chăn nuôi lợn sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao theo hướng trang trại, tách khỏi khu dân cư, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và có hiệu quả kinh tế cao.
    g) Đào tạo nguồn nhân lực
- Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho Ban chăn nuôi - thú y xã, phường, thị trấn.
- Tập huấn, đào tạo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo lợn cho các dẫn tinh viên, xây dựng mạng lưới thụ tinh nhân tạo.
- Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo kiến thức chăn nuôi, thú y cho người nông dân để họ chuyển đổi nghề, phát triển chăn nuôi ở vùng tái định cư, vùng xây dựng nông thôn mới.
4. Thú y:
- Tăng cường cơ sở vật chất cho ngành thú y, thống nhất hoạt động của ban Chăn nuôi - Thú y cấp xã, trưởng ban được hưởng chế độ bán chuyên trách theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đồng thời nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ thú y các cấp, nhất là thú y xã, phường, thị trấn; Tạo nguồn kinh phí dự phòng mua Vắc xin, hoá chất, thuốc thú y,.. để chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát điều kiện chăn nuôi, vệ sinh thú y các cơ sở chăn nuôi lợn giống, định kỳ xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm bắt buộc trên đàn lợn đực giống theo quy định.
          - Đẩy mạnh công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm bắt buộc cho đàn lợn, phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng định kỳ đạt trên 85% tổng đànnhằm tạo ra miễn dịch quần thể, tiêm bổ sung cho số mới nhập đàn.
          - Tổ chức hệ thống kiểm dịch tận cơ sở, kiểm soát chặt chẽ số lượng lợn giống đưa về nuôi trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn nuôi cách ly và tiêm phòng bổ sung trước khi nhập đàn; thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và các sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn.
          - Giám sát dịch chặt chẽ đến tận thôn, xóm, phát hiện sớm bao vây kịp thời, khống chế dịch có hiệu quả, không để dịch lan rộng; xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền vùng, cơ sở an toàn dịch theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BNN ngày 26/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.  
5. Tổ chức sản xuất, giết mổ và thị trường
- Nhà nước hỗ trợ nuôi giữ giống gốc, nuôi đực giống có chất lượng cao để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất giống và cung ứng liều tinh cho công tác cải tiến và nâng cao chất lượng đàn lợn.
- Tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết các khâu từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo hướng trang trại, giết mổ chế biến công nghiệp. 
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hình thành hiệp hội chăn nuôi, thành lập các HTX tổ hợp chăn nuôi lợn, câu lạc bộ chăn nuôi thôn xóm để phổ biến kinh nghiệm, thông tin giá cả thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới; phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi với doanh nghiệp. Hình thành quỹ phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ rủi ro do thiên tai dịch bệnh, tiến tới thực hiện bảo hiểm vật nuôi.
          - Nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại thành phố, thị xã, thị trấn. Xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến công nghiệp tạo ra các sản phẩm thịt hộp, dăm bông, xúc xích và các sản phẩm khác phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh hướng đến xuất khẩu.
          - Xây dựng liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ sở chăn nuôi và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ súc sản, điểm buôn bán, siêu thị; khuyến khích tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
6. Chính sách: Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ ban hành chính sách thực hiện Nghi quyết số 08-NQ/TU về nông nghiệp, nông thôn, nông dân Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015.
7. Quản lý Nhà nước:
- Tăng cường công tác chỉ đạo phát triển sản xuất chăn nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
- Hướng dẫn công bố tiêu chuẩn chất lượng, công bố hợp quy giống, thức ăn chăn nuôi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh; tổ chức, hướng dẫn việc đăng ký, giám định, bình tuyển bổ sung thay thế đực giống hàng năm.
- Thường xuyên kiểm tra quy trình quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng và đánh giá chất lượng lợn giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi theo thẩm quyền.
- Định kỳ kiểm tra, giám sát nhà máy sản xuất thức ăn, cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn; tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên các loại thức ăn của các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi để phân tích đánh giá chất lượng thức ăn.
- Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát môi trường trong chăn nuôi.
8Xử lý môi trường chăn nuôi:
- Tăng cường thông tin tuyên truyền giáo dục tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và xử lý môi trường trong chăn nuôi.
- Các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn hơn 1000 con phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, các trang trại có quy mô 100 - 1000 con lợn phải cam kết bảo vệ môi trường được Phòng Tài nguyên và Môi trường xá nhận.
- Các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn cần kết hợp phương pháp xử lý Biogas và ủ sinh học, các trang trại có quy mô vừa và nhỏ áp dụng phương pháp xử lý bằng Biogas, chăn nuôi trong nông hộ cần có bể ủ phân trước khi đưa ra bón ruộng.
          - Tiếp tục thực hiện Dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt nam 2007 - 2012, để nhiều người có thể tiếp cận tiện ích của công trình khí sinh học.
- Đưa các công nghệ mới, tiên tiến về xử lý môi trường chăn nuôi như công nghệ vi sinh, công nghệ Ion hoá, công nghệ vật liệu mới,...
 V. Một số dự án triển khai
1. Nâng cấp, xây dựng trạm truyền tinh nhân tạo lợn.
2. Xây dựng các cơ sở sản xuất giống lợn.
3. Xây dựng các nhà máy chế biến súc sản bao gồm giết mổ chế biến công nghiệp tạo các sản phẩm thịt hộp, dăm bông, xúc xích,...
VI. Nguồn vốn đầu tư và kinh phí thực hiện Đề án
1. Nguồn vốn (lồng ghép các chương trình, dự án để tăng nguồn lực):
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ theo nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh hàng năm;
- Nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho chương trình giống cây trồng vật nuôi;
- Nguồn sự nghiệp ngành Nông nghiệp;
- Nguồn sự nghiệp khoa học ngành Khoa học;
- Nguồn sự nghiệp môi trường;
- Nguồn thực hiện Nông thôn mới;
- Nguồn vốn quy hoạch hàng năm;
- Các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Vốn huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư, vốn vay từ các tổ chức tài chính, tín dụng trên địa bàn.
2. Kinh phí thực hiện Đề án:
- Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2011-2015: 273 tỷ đồng.
- Vốn ngân sách nhà nước:                                               48 tỷ
- Vốn chương trình, dự án:                                                30 tỷ         
- Vốn của các doanh nghiệp, người chăn nuôi:              195 tỷ
Nguồn vốn ngân sách Nhà nước phân bổ để thực hiện Đề án (có phụ lục kèm theo)
VII. Tiến độ thực hiện
Năm 2011:
- Hoàn thành quy hoạch chung vùng chăn nuôi tập trung của 235 xã Nông thôn mới và các khu tái định cư ở Kỳ Anh.
- Xây dựng 2 vùng chăn nuôi tập trung tại khu tái định cư, 1 vùng chăn nuôi tập trung tại xã xây dựng nông thôn mới để nhân rộng.
- Khảo sát, xây dựng trại lợn nái ngoại quy mô trên 1.200 của Công ty CP chăn nuôi Mitraco; xây dựng 3 trại lợn nái ngoại quy mô trên 120 nái liên kết với Công ty CP chăn nuôi Mitraco.
- Nâng cấp trại lợn đực giống Đức Long.
- Xây dựng 3 cơ sở an toàn dịch, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, quy trình phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm cho vùng tái định cư và 1 xã xây dựng nông thôn mới.
Năm 2012:
- Xây dựng vùng chăn nuôi tập trung tại khu tái định cư và 6 xã xây dựng nông thôn mới.
- Khảo sát xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại cấp ông bà quy mô trên 500 nái; xây dựng 4 - 5 trại lợn nái ngoại quy mô trên 240 nái liên kết với Công ty CP chăn nuôi Mitraco hoặc doanh nghiệp chăn nuôi khác.
- Khảo sát, xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thị hộp, dăm bông,.. tại Vũng Áng và 3 cơ sở giết mổ gia súc tập trung.
- Xây dựng 10 cơ sở an toàn dịch, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, quy trình phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm cho vùng tái định cư và 7 xã xây dựng nông thôn mới.
- Năm 2013:
- Hoàn thành xây dựng vùng chăn nuôi tại khu tái định cư, vùng chăn nuôi tập trung tại 13 xã xây dựng nông thôn mới.
-  Khảo sát, xây dựng trại lợn nái ngoại quy mô trên 1.200 của Công ty CP chăn nuôi Mitraco hoặc doanh nghiệp chăn nuôi khác; xây dựng 5 - 6 trại lợn nái ngoại quy mô trên 240 nái liên kết với Công ty CP chăn nuôi Mitraco.
- Xây dựng 15 cơ sở an toàn dịch, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, quy trình phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm cho vùng tái định cư và 13 xã xây dựng nông thôn mới.
- Năm 2015:
- Hoàn thành xây dựng vùng chăn nuôi tại khu tái định cư, vùng chăn nuôi tập trung tại 52 xã xây dựng nông thôn mới.
- Xây dựng 58 cơ sở an toàn dịch, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, quy trình phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm cho vùng tái định cư và 52 xã xây dựng nông thôn mới.
- Hoàn thành xây dựng nhà máy giết mổ chế biến thịt lợn công nghiệp tại Vũng Áng và 14 cơ sở giết mổ tập trung.
- Khảo sát, xây dựng cơ sở truyền tinh nhân tạo lợn hiện đại quy mô 100 lợn đực giống.
VIII. Hiệu quả của Đề án:
1. Hiệu quả về kinh tế: Với giá tại thời điểm xây dựng đề án, ước tính hiệu quả như sau:
- Tăng khối lượng xuất chuồng bình quân là 2,4kg/con và số lượng lợn hơi xuất chuồng dẫn đến tăng khối lượng thịt hơi xuất chuồng, đạt 42,8 ngàn tấn vào năm 2015, tăng  21,2 ngàn tấn; tăng giá trị ngành chăn nuôi lên 1.057,3 tỷ đồng so với năm 2010, bình quân tăng 211,4 tỷ đồng/năm.
- Giảm chi phí thức ăn/kg tăng trọng là 0,2 kg thức ăn (tính theo giá thức ăn hỗn hợp), hàng năm giảm được khoảng 105 tỷ đồng tiền thức ăn.
2. Hiệu quả xã hội:
- Góp phần chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
- Từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp sang sản xuất thâm canh, hàng hoá quy mô lớn.
- Hình thành và phát triển hệ thống các cơ sở sản xuất giống lợn, tạo nguồn giống tại chỗ bảo đảm đủ số lượng, phẩm cấp và an toàn dịch.
- Giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm.
IX. Tổ chức thực hiện
1.  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi trên địa bàn; xây dựng Quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức chỉ đạo thực hiện Đề án kịp thời, có hiệu quả thiết thực.
- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi, Chi cục thú y, Trung tâm Giống chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư hướng dẫn người chăn nuôi về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, thú y và bảo vệ môi trường chăn nuôi.
2. Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan:
a) Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở tài chínhHàng năm, cân đối các nguồn vốn từ các nguồn ngân sách Nhà nuớc, tham mưu, đề xuất bố trí kinh phí để thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả; Chủ trì, phối hợp với Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản hướng dẫn cấp phát và nghiệm thu thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định hiện hành.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn thủ tục, hồ sơ và thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân phát triển chăn nuôi, giết mổ chế biến tập trung theo quy định, hướng dẫn việc đánh giá tác động môi trường. Chỉ đạo các địa phương, cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
c) Sở Xây dựng, Sở Công thương, Liên minh Hợp tác xã và các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án.
          d) Đề nghị Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Hà Tĩnh, các đoàn thể: UBMTTQ tỉnh, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn,... phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và hội viên thực hiện tốt Đề án này.
          3. Các tổ chức, doanh nghiệp và đơn vị liên quan:
a) Các ngân hàng:
- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh: Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện triệt để các nội dung tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
          - Ngân hàng: Chính sách xã hội, Phát triển, Nông nghiệp và Phát triển noong thôn Chi nhánh Hà Tĩnh và các ngân hàng thương mại, ngân hàng cổ phần khác trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện cho người dân vay đủ và kịp nguồn vốn để phát triển chăn nuôi.
          b) Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần chăn nuôi Mitranco, Công ty cổ phần phát triển nông lâm Hà Tĩnh, nhà máy thức ăn gia súc Thiên Lộc, các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn, thức ăn chăn nuôi khác trên địa bàn xây dựng dự án sản xuất, xử lý môi trường; có cơ chế chính sách hỗ trợ người người dân phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện đầu tư, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng chịu trách nhiệm, cùng chia sẻ hiệu quả và rủi ro; trước mắt, đề nghị hỗ trợ cung cấp về giống, thức ăn, dịch vụ thú y, bao tiêu sản phẩm, cơ sở vật chất; hỗ trợ vốn xây dựng chuồng trại tối thiểu 30%.
          3. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
Xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung của địa phương; chỉ đạo các xã trình cụ thể vị trí chăn nuôi từng thôn; lãnh đạo phối hợp giữa huyện, xã, ngành, các doanh nghiệp gắn kết “4 nhà”. Trước mắt, tập trung chỉ đạo các xã tái định cư, xã điểm nông thôn mới của tỉnh xây dựng vùng chăn nuôi tập trung của xã. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết về đất đai, giải phóng mặt bằng kịp thời và có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển mạnh chăn nuôi lợn. Căn cứ vào thực tiễn nhu cầu phát triển của địa phương và Chính sách của tỉnh, hàng năm lập dự toán gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện. Tổng hợp, báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) 01 lần/tháng./.
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: phát triển, chăn nuôi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 191

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 190


Hôm nayHôm nay : 23921

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1186982

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72869691