Thôn Thượng Nguyên (xã Thạch Kênh, Thạch Hà) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 thôn.
Năm 2012, thực hiện chủ trương của tỉnh, Lộc Hà bắt tay vào thực hiện sáp nhập thôn. Từ 135 thôn năm 2012, trong đó có 17 thôn dưới 100 hộ, đến năm 2016, số thôn trên địa bàn Lộc Hà chỉ còn 93, giảm 42 thôn, trong đó có 14 thôn dưới 100 hộ. Năm 2017, Lộc Hà chỉ đạo quyết liệt, sáp nhập thôn Yên Điềm và Hồng Phong thành thôn Yên Điềm (Thịnh Lộc) nên số thôn giảm còn 92. Số thôn giảm nên số lượng cán bộ thôn cũng giảm theo. Chỉ tính riêng cán bộ không chuyên trách ở thôn, chưa tính cán bộ phụ trách các nhóm nhiệm vụ khác như thôn đội trưởng, y tá thôn, chi hội phụ nữ… thời điểm chưa sáp nhập, toàn huyện có 945 người thì nay chỉ còn 276 người.
“Cùng với chủ trương sáp nhập thôn, Lộc Hà còn triển khai nội dung tinh giản cán bộ thôn. Trước đây, tại Lộc Hà, hầu hết mỗi thôn có 21-23 cán bộ thôn, thì nay, cơ cấu gồm 3 cán bộ không chuyên trách là bí thư, trưởng thôn, công an viên và 7-8 người thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ. Bình quân mỗi thôn có 11 cán bộ. Tuy nhiên, nhiều thôn số lượng cán bộ ít hơn do hợp nhất bí thư và trưởng thôn, nhiều thôn cơ cấu 1 cán bộ phụ trách nhiều nhóm nhiệm vụ. Bởi vậy, cán bộ thôn trên địa bàn toàn huyện chỉ còn hơn 1.000 người. Mỗi năm, kinh phí ngân sách các cấp giảm được sau khi sáp nhập thôn gần 1,6 tỷ đồng” - Trưởng phòng Nội vụ huyện Lộc Hà Nguyễn Việt Cường cho hay.
Sáp nhập và giảm cán bộ thôn là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. (Trong ảnh: Lãnh đạo Ban Tuyên giáo huyện ủy Can Lộc trao đổi với các đồng chí ủy viên chi bộ cơ sở về công tác tư tưởng, quy chế dân chủ ở cơ sở).
Ông Cường còn cho biết thêm: “Để thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, Lộc Hà đã chủ động ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ thôn, bao gồm: Hỗ trợ kinh phí cho cán bộ thôn không tái cử các chức danh sau khi có quyết định sáp nhập thôn với mức 3 tháng phụ cấp; xây dựng đề án hỗ trợ chế độ phụ cấp cho cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn sau khi sáp nhập”.
Tại huyện Thạch Hà, theo Chánh Văn phòng UBND huyện Đoàn Tiến Đạt: “Từ năm 2012 đến nay, số thôn trên địa bàn huyện đã giảm từ 344 xuống còn 217, giảm được 1.382 cán bộ thôn. Nhiều địa phương thực hiện tốt chủ trương này là Thạch Kênh giảm từ 13 thôn còn 5 thôn, Thạch Đài 19 thôn còn 9 thôn, Thạch Lạc 16 thôn còn 7 thôn. Hiện nay, cùng với sáp nhập thôn, thực hiện chủ trương tinh giảm cán bộ thôn, bình quân mỗi thôn chỉ còn hơn 10 cán bộ, trong đó có 3 cán bộ không chuyên trách”.
Từ việc thực hiện các chủ trương tinh giảm, hiện nay, phụ cấp của cán bộ thôn đã được nâng lên nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Theo tính toán của Sở Nội vụ, sau hơn 5 năm thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, số thôn trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 2.837 còn 2.115, giảm 722 thôn, tổ dân phố; bình quân mỗi xã giảm 2,8 thôn. Điều đáng nói, nếu thực hiện đúng quy định tại các văn bản của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và điều lệ của các tổ chức, thì trung bình mỗi thôn có trên 17 người làm việc. Tuy nhiên, Hà Tĩnh đã đề ra chủ trương giảm số lượng người làm việc ở thôn, tổ dân phố theo hướng hiệu quả, thiết thực. Do vậy, từ quy định bình quân 17 người, nay mỗi thôn, tổ dân phố chỉ bố trí bình quân 11 người.
Ông Nguyễn Văn Thảo - Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ cho hay: “Với việc thực hiện 2 chủ trương trên, đến nay, toàn tỉnh đã giảm hơn 24.000 cán bộ thôn, tổ dân phố; mỗi năm, tiết kiệm chi ngân sách trên 89 tỷ đồng. Mức phụ cấp của đội ngũ cán bộ thôn đã được tăng từ 0,8 lên 1,1 mức lương cơ sở/người/tháng đối với người hoạt động không chuyên trách; từ 0,15 lên 0,5 mức lương cơ sở/người/tháng đối với người thực hiện nhiệm vụ khác ở thôn, tổ dân phố”.
Theo Mạnh Hà/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn