Ít nhất 5.000 ha lúa xuân được chỉ định phun phòng trừ đạo ôn cổ bông ở thời điểm hiện tại
Ít nhất 5.000 ha ở ngưỡng báo động
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Dự báo, vào ngày 27/4 tới sẽ có thêm một đợt không khí lạnh, trùng với giai đoạn trổ bông tập trung của lúa xuân. Cùng với cả quá trình từ trước tới nay thời tiết không ổn định, nhiệt độ thấp, ánh sáng yếu khiến cho tế bào nấm gây bệnh vốn đã tiềm ẩn lại tiếp tục lây lan. Giai đoạn này, các địa phương nhất thiết phải phun phòng số diện tích đã nhiễm đạo ôn lá (2.000 ha) và số diện tích trổ từ 20 - 25/4. Chờ đến lúc lúa trắng bông thì không tính nữa”.
Một số địa phương đã phối hợp với các đơn vị cung ứng thuốc BVTV tập huấn tại ruộng cho bà con nông dân
Hiện nay, 30 ha đã trổ bông và sẽ đạt khoảng 5.000 ha vào 25/4 tới. Số diện tích này, theo ngành chuyên môn, phải được tiến hành phun thuốc phòng trừ ngay từ thời điểm này. Ông Phan Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc cho biết: “Khoảng 250 ha giai đoạn này tập trung ở các xã Tùng Lộc, Quang Lộc, Xuân Lộc, Nga Lộc. Huyện đã chỉ đạo Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện tổ chức hướng dẫn bà con phun phòng bệnh và sẽ tiến hành phun đợt 2 sau khi lúa kết thúc trổ 7 ngày”.
Còn ở Thạch Hà, có đến 6.500 ha (82% diện tích toàn huyện) sẽ trổ bông trong giai đoạn “nhạy cảm” nhất của thời tiết (22 - 30/4). Vài ngày tới, số diện tích “khoanh vùng” bức thiết nhất tập trung chủ yếu ở vùng bãi ngang sẽ được phun phòng. Đồng thời, theo dõi diễn biến thời tiết để xác định vùng phun tiếp theo đến cuối tháng 4.
Không lạm dụng thuốc BVTV
Không chỉ có 5.000 ha ở ngưỡng báo động, số diện tích lúa xuân bị đe dọa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông không dưới 40.000 ha. Trà lúa này cũng chính là trà chủ lực của lúa xuân năm nay. Bởi vậy, tâm lý bà con sốt sắng cũng là điều dễ hiểu. Bà Dương Thị Hiền (thôn 10, Tượng Sơn, Thạch Hà) cho hay: “Ở đợt trước, tôi đã phun trừ đạo ôn lá đến lần thứ 3. Loại này không thấy chuyển biến, tôi lại mua loại khác phun chồng lên. Lại chuẩn bị mưa rét, chẳng biết lúa có thoát được bệnh không”.
Trong khi đó, lúa xuân đang chịu đe dọa “kép” bởi hai loại bệnh cùng một lúc: Đạo ôn và đốm nâu. Biểu hiện bên ngoài gần tương đương nhau, xuất hiện vết bệnh nâu trên lá, “ăn” đến khô vàng bộ lá. Điều này khiến bà con nhầm lẫn nên sử dụng không đúng loại thuốc đặc trị.
Bệnh đốm nâu gây hại diện rộng, khiến nhiều người dân nhầm lẫn với bệnh đạo ôn
Cách đây không lâu, nhiều hộ dân ở xã Ích Hậu (Lộc Hà), khi nhìn thấy lúa có biểu hiện của bệnh đã phun tới tấp 6-7 lần thuốc BVTV. Đáng ngại, diện tích bị bệnh đốm nâu thì phun thuốc phòng bệnh đạo ôn, thậm chí là trị rầy. Kết quả là tiền mất mà các loại dịch bệnh vẫn lây lan, phát triển.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định: “Tiềm ẩn không có nghĩa phải phun phòng đạo ôn trên tất cả diện tích. Điều đó chỉ gây lãng phí và lạm dụng thuốc BVTV, ảnh hưởng không tốt đến quy trình canh tác. Các địa phương phải theo dõi chặt chẽ diến biến thời tiết, khoanh vùng diện tích ở từng giai đoạn sinh trưởng của lúa. Điều quan trọng, quản lý chặt việc kinh doanh, phân phối thuốc BVTV. Đánh giá theo hoạt tính của thuốc, khuyến cáo đúng loại và nhất thiết không để xảy ra tình trạng “cháy” một số thuốc BVTV”.
Theo Nguyễn Oanh/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn