Thời gian qua, các địa phương ở Hà Tĩnh đã rà soát quy mô các xã. Từ rà soát, toàn tỉnh hiện có 58 xã không đạt 50% cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số theo quy định. Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, các xã này thuộc diện sáp nhập.
Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của các huyện, thị, thành phố, việc sáp nhập xã cũng đã được các địa phương xác định. Tại Đức Thọ, năm 2018, huyện đang nghiên cứu để sáp nhập 9 xã thành 3 xã.
Tại huyện Can Lộc, BTV Huyện ủy đề ra kế hoạch đến trước 6/2019, hoàn thành đề án sáp nhập xã Song Lộc và Trường Lộc; Khánh Lộc và Vĩnh Lộc.
Tại Thạch Hà, từ năm 2018 - 2021, huyện xác định sáp nhập 6 xã: Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Lâm, Nam Hương.
Về vấn đề nhân sự khi thực hiện sáp nhập xã, một lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho hay: Trong lộ trình thực hiện sáp nhập xã theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Hà Tĩnh không khó khăn như một số tỉnh khác về giải quyết vấn đề nhân sự tại các xã. Nhiều tỉnh khác, số lượng CBCC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã tương đối nhiều nên khi sáp nhập gặp khó khăn lớn. Trong khi đó, nhờ tinh giản biên chế, từng bước khống chế tuyển dụng công chức cấp xã nên khó khăn được giảm đi rất nhiều.
Lãnh đạo này còn thông tin thêm: Thời gian qua, thực hiện chủ trương sáp nhập xã, thôn, tinh giản biên chế, nhiều tỉnh khác đã đến Hà Tĩnh để tìm hiểu, học tập cách làm.
Với nhiều giải pháp cụ thể, Hà Tĩnh đã không bố trí tối đa theo quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP. Theo đó, Hà Tĩnh giảm gần 600 CBCC và gần 1.650 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Giải pháp này được xem như bước đi tắt, giảm khó khăn về bố trí, sắp xếp nhân sự khi sáp nhập xã.
“Mặc dù một số địa phương có nhu cầu tuyển dụng công chức vì thiếu so với định biên, song ngày 23/1/2018, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 381 về tuyển dụng công chức cấp xã. Theo đó, các xã bố trí hợp lý đội ngũ CBCC cấp xã, hợp đồng hiện có, đảm bảo mỗi chức danh đều có người làm việc; chỉ trừ chức danh trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự cấp xã thì vẫn tuyển dụng theo quy định nếu thiếu” - bà Trần Thị Kim, Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết.
Về việc “khống chế” công chức cấp xã, trước Văn bản số 381, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản số 4126, ngày 23/8/2016 về công tác cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức. Theo đó, đối với công chức cấp xã, UBND tỉnh quy định: “Đối với các chức danh công chức có 2 chỉ tiêu thì tạm thời bố trí 1 công chức đảm nhận”, có nghĩa là không đồng ý tuyển dụng thêm.
Theo ông Võ Đức Thuận - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Đức Thọ: “Huyện đang tính phương án sáp nhập một số xã trong năm 2018 - 2019. Mặc dù chủ trương này phải chờ cấp trên xem xét nhưng chúng tôi cũng đã xác định ban đầu phương án về cơ sở vật chất, nhân sự. Về nhân sự, khi sáp nhập, sẽ căn cứ thực tế đội ngũ CBCC tại các xã để sắp xếp hợp lý. Cùng với đó, nhiều năm nay, một số xã đang thiếu công chức so với định biên vì hàng năm có công chức nghỉ hưu, nghỉ theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP, huyện sẽ căn cứ thực tế để điều chuyển”.
Nhiều cán bộ làm công tác nhân sự cũng chia sẻ: Do không bố trí tối đa định biên, cùng với việc nhiều năm không tuyển dụng công chức nên một số vị trí công chức cấp xã bị trống (trong đó có số lượng CBCC nghỉ hưởng chế độ). Từ đây, một bộ phận công chức dôi dư khi sáp nhập xã sẽ được điều chuyển bổ sung. Tất nhiên, phương pháp này sẽ thực hiện trong lộ trình nhiều năm, bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).
Theo Mạnh Hà/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn