Những người già ở HTX Tre đan Hoàng Phương kể rằng: Nghề đan lát ở thôn Quý có từ lâu đời. Khi các cụ còn là những đứa trẻ, đã từng theo ông bà, cha mẹ tập đan. Nhưng rồi, sự xuất hiện của các loại đồ nhựa mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng đã đánh bại các sản phẩm đan lát truyền thống nên làng nghề cũng mai một.
Tuy vậy, một số vật dụng phục vụ cho đời sống của bà con nông dân thường ngày như các loại thúng mủng dần sàng hay đơn giản chỉ là cái bu nhốt gà… thì không gì có thể thay thế được tre đan. Vì thế, những lúc nông nhàn hay nhớ nghề, bà con vẫn thường tự làm những sản phẩm truyền thống phục vụ cho đời sống.
Tiếc nuối nghề cha ông, trách nhiệm của một cán bộ hội nông dân với mong muốn có thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình và người dân trong thôn đã khiến anh Nguyễn Văn Tý – một người con ở thôn Quý luôn trăn trở.
Sau bao ngày ngược xuôi tìm hiểu thị trường để định hướng cho sản phẩm, anh Tý cùng với vài người bạn trong làng hùn vốn thành HTX Tre đan Hoàng Phương.
Anh Tý, cho biết: “Sau nhiều chuyến tìm hiểu thị trường và đầu ra sản phẩm, chúng tôi thấy rằng làng nghề bánh đa, bánh đa nem, bánh để làm cu đơ trên địa bàn Hà Tĩnh ngày càng nở rộ nhưng thị trường cung cấp liếp phơi bánh còn ít, nhiều hộ sản xuất phải mua sản phẩm này ở Hà Nam. Vì thế, tôi đã quyết định sản xuất sản phẩm chính của HTX là liếp phơi bánh”.
Để phát triển được nghề này cũng rất khó khăn. Thời gian đầu nguyên liệu (tre, nứa) để sản xuất phải mua ở các đại lý trên địa bàn nên giá thành đắt đỏ; cơ sở cung cấp mới nên cũng gặp khó khăn về thị trường. Để hạ giá đầu vào, HTX đã tìm về tận các vùng núi như xã Sơn Lĩnh, Sơn Hồng (Hương Sơn) để mua nguyên liệu.
Sau một thời gian không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, sản phẩm của HTX ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Từ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, đời sống của người làm nghề cũng dần ổn định hơn. Nhờ vậy, hiện tại, HTX Tre đan Hoàng Phương tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động trực tiếp và hơn 40 gia đình trong vùng nhận hàng về đan tại nhà.
Bà Trần Thị Thi, 74 tuổi ở xóm Phú cho biết: “Già rồi không còn làm được công việc nặng nên nghề tre đan hợp với chúng tôi nhất. Khi mệt thì nghỉ, khỏe lại đến làm túc tắc như tôi mỗi tháng cũng kiếm được 2,5 triệu đồng. Nguồn thu nhập này cũng đủ trang trải cho 2 vợ chồng già trong 1 tháng”.
Với nhiều người ở thôn Quý thì đây là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập chính bởi chỉ tranh thủ lúc nông nhàn để làm việc nhưng mỗi tháng bà con cũng có thêm nguồn thu cả triệu đồng. Nhiều người không có thời gian làm việc tại HTX thì nhận về nhà để trẻ con, người già cùng đan.
Chị Đậu Thị Định ở thôn Quý cho biết: “Ngoài thời gian làm mùa, làm việc nhà, thu nhập của tôi mỗi tháng từ nghề đan cũng được 3 triệu đồng. Nhờ nghề phụ này nên những khoản chi tiêu thường xuyên trong tháng chúng tôi đã không phải bán lúa như trước nữa; cuộc sống cũng dần khá hơn”.
Khẳng định bằng chất lượng và mẫu mã đẹp, sản phẩm của HTX Tre đan Hoàng Phương đã không chỉ đứng vững trên thị trường Hà Tĩnh mà còn cạnh tranh được với sản phẩm của các tỉnh Hà Nam, Nghệ An và vươn ra thị trường Quảng Trị, Đà Nẵng, Vũng Tàu. Đơn đặt hàng dày đặc, sản phẩm làm ra không kịp để đáp ứng nhu cầu cho khách, HTX đã mạnh dạn đầu tư thêm 200 triệu đồng để mua các loại máy cưa, máy chẻ, máy bóc… Hiện tại, HTX còn sản xuất thêm một số mặt hàng thời vụ như lồng nhãn, bu gà…
Với doanh thu trung bình mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng, thị trường đầu ra ổn định, HTX tre đan Hoàng Phương không chỉ thực hiện được nỗi trăn trở khôi phục nghề truyền thống của địa phương mà còn góp phần tăng thu nhập cho người dân trong vùng
Theo Chính Cương – Anh Thư/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn