Quả ngọt từ đào tạo nghề
“Tôi không nghĩ đến một ngày mình lại sở hữu 900 gốc cây ăn quả có múi, trên 500 con gà, hàng trăm con chim bồ câu và hàng chục con lợn/lứa. Lứa này gối lứa kia, doanh thu mỗi năm của gia đình đạt trên 800 triệu đồng, lợi nhuận bằng 1/3. Đó là kết quả của quá trình học nghề cùng các chính sách kích cầu sản xuất của Nhà nước. Nhờ được đào tạo nghề, những người nông dân chân chất như tôi đã biết quy hoạch vùng sản xuất bài bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt và biết hạch toán các chi phí sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm” – ông Nguyễn Mạnh Bá ở xóm Hương Tân, xã Đức Hương (Vũ Quang) chia sẻ.
Theo ông Bá, trước đây, đất rộng nhưng chủ yếu là vườn tạp cỏ dại, chỉ vài cây chanh, cây bưởi trồng tự phát. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với những chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đã "thổi luồng gió mới” để gia đình ông biến đất hoang thành trang trại. Quyết tâm làm giàu dần hiện hữu khi ông biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Trồng cây gì, nuôi con gì, kỹ thuật chăm sóc ra sao, cách phòng chữa bệnh thế nào, rồi làm gì để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch… là những điều thiết yếu ông Bá học được từ các lớp đào tạo nghề do địa phương tổ chức.
Tương tự, mô hình trồng nấm của bà Bùi Thị Ái (xã Cẩm Thành – Cẩm Xuyên) cũng ra đời sau khóa đào tạo nghề tại địa phương. Là mô hình mới ở Hà Tĩnh nhưng nhờ được đào tạo bài bản, nắm vững kiến thức nên xưởng nấm của bà Ái bước đầu đã thành công. Sản xuất từ tháng 9 đến tháng 3, mỗi tháng xưởng nấm rộng 200 m2, thu khoảng 30 triệu đồng. Hiện tại, bà đang chuẩn bị các điều kiện để bước vào sản xuất vụ mới.
Đây là những mô hình thành công nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật thông qua đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo Sở NN&PTNT, giai đoạn 2008 - 2017, Hà Tĩnh đã đào tạo nghề cho 49.985 lao động nông thôn. Nhìn chung, quy mô và chất lượng đào tạo nghề tăng nhanh qua các năm; công tác đào tạo nghề đã bám sát định hướng phát triển kinh tế của tỉnh; tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với nghề sau đào tạo chiếm trên 75%. Đặc biệt, thông qua công tác đào tạo nghề đã hình thành hàng trăm mô hình kinh tế cho nguồn thu từ 500 triệu đồng đến vài chục tỷ đồng/năm.
Nông dân trở thành “mắt xích” trong liên kết “4 nhà”
Thành công của đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ là sự ra đời của hàng trăm mô hình kinh tế doanh thu trên 500 triệu đồng/năm mà còn tạo ra chuỗi liên kết “4 nhà” (nhà nông – nhà nước - doanh nghiệp – nhà khoa học); trong đó, người nông dân là “mắt xích” quan trọng nhất quyết định thành bại. Thông qua các lớp đào tạo nghề, nhiều mô hình liên kết với doanh nghiệp hình thành; từ trồng cam VietGap, chăn nuôi lợn, bò liên kết đến sản xuất vùng nguyên liệu chè, sắn, dược liệu…
Bà Nguyễn Thị Nhuần – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Với nhiều hình thức đào tạo (ngắn hạn, dài hạn, tập huấn bồi dưỡng, nông dân dạy nông dân) và địa điểm đào tạo linh hoạt (địa bàn dân cư, các tổ hợp tác, HTX, trang trại, gia trại) đã giúp nông dân nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, các lớp đào tạo nghề còn trang bị cho nông dân kiến thức bổ trợ như: Lập kế hoạch sản xuất, khả năng thương thảo hợp đồng, hạch toán kinh tế… Từ đây, doanh nghiệp dần tin tưởng, bắt tay hợp tác với người nông dân”.
Thời gian qua, các ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn ở Hà Tĩnh chủ yếu là: Kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi thú y; kỹ thuật trồng cây có múi, trồng nấm; kỹ thuật làm vườn… Và điều đặc biệt là chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hà Tĩnh gắn với việc xây dựng các tổ hợp tác, HTX và dịch vụ hỗ trợ vay vốn. Đây chính là “bàn đạp” để nông dân làm giàu dựa trên thế mạnh vùng miền.
Theo Thu Phương - Phan Trâm/Bao Ha Tinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn